Đời thăng trầm của 'bậc thầy cải lương' NSND Huỳnh Nga vừa qua đời
NSND Huỳnh Nga qua đời vào sáng ngày 21/2, hưởng thọ 88 tuổi. Sinh thời, đạo diễn vở 'Đời cô Lựu' được xem là bậc thầy của sân khấu cải lương.
NSND Huỳnh Nga qua đời vào sáng ngày 21/2, hưởng thọ 88 tuổi. Hồi năm 2013, nam nghệ sĩ cải lương được phẫu thuật cắt bỏ ung thư trực tràng, từ đó, sức khỏe của ông ngày càng đi xuống. Năm ngoái, đạo diễn vở "Đời cô Lựu" đã 3 lần nhập viện điều trị bệnh hô hấp và tim mạch. Sinh thời, nghệ sĩ có nhiều cống hiến cho nghệ thuật.
Nghệ sĩ Huỳnh Nga tên thật là Huỳnh Văn Thạch, sinh năm 1932 tại Long An. Theo Sài Gòn giải phóng, năm 1947, ông vào khu Đồng Tháp Mười làm việc ở Ban Tuyên truyền chính trị Quân khu 8, tham gia hoạt động trong Đoàn kịch Khu 8 với vai diễn đầu tiên là vai Tốt trong vở “Đồng xanh máu đỏ” của nhà thơ Bảo Định Giang.
Năm 1957, Trung ương có chủ trương thành lập Đoàn Kịch nói Nam Bộ, nghệ sĩ Huỳnh Nga và 8 nghệ sĩ đã cùng bàn bạc và chung tay thành lập Đoàn Kịch nói Nam Bộ, hình thành chiếc nôi của kịch nói Nam Bộ trên đất Bắc. Năm 1968, ông chia tay nghề diễn viên để theo học đạo diễn tại Romania.
Năm 1972, nghệ sĩ Huỳnh Nga về nước làm chỉ đạo nghệ thuật cho Đoàn Kịch Hà Nội, đảm nhận nhiệm vụ chủ nhiệm Khoa Kịch nói – Cải lương Trường Trung cấp Nghệ thuật Hà Nội. Năm 1975, ông vào Nam, tiếp tục sự nghiệp dàn dựng cải lương.
Nghệ sĩ Huỳnh Nga được xem là đạo diễn bậc thầy của sân khấu cải lương. Sự nghiệp sân khấu của ông có gần 300 tác phẩm cải lương, kịch nói, trong đó đa số là những tác phẩm để đời như: “Đời cô Lựu”, “Tấm Cám”, “Người giữ mộ”, “Tiếng sáo đêm trăng”, “Hoa độc trong vườn”, “Tanhia”, “Khách sạn hào hoa”, “Tìm lại cuộc đời”.
Đặc biệt, “Đời cô Lựu” là vở diễn đóng đinh tên tuổi của nghệ sĩ Huỳnh Nga. Ông dàn dựng vở kịch đậm chất nhân văn và ấn tượng này vào năm 1984. Các nghệ sĩ tham gia vở kịch gồm: Thành Được, Bạch Tuyết, Diệp Lang, Minh Vương, Lệ Thủy, Ngọc Giàu, Bảo Quốc.
Trong những năm qua, nghệ sĩ Huỳnh Nga đào tạo, dìu dắt và truyền đạt kinh nghiệm cho nhiều lớp nghệ sĩ trẻ, góp phần tạo nên một thế hệ nghệ sĩ vàng cho sân khấu cải lương như: Lệ Thủy, Ngọc Giàu, Thanh Tòng, Minh Vương. Vì thế, ông được nhiều thế hệ nghệ sĩ yêu mến, kính trọng.
Nghệ sĩ Huỳnh Nga nổi tiếng nhưng tới khi nghỉ hưu vẫn sống nghèo với đồng lương của mình. Từ năm 2013, sau khi phẫu thuật cắt bỏ ung thư trực tràng, cuộc sống của ông lại càng khó khăn hơn. Năm 2015, trên báo Lao động, ông bày tỏ ước nguyện cuối đời được ở nhà mới.
Đạo diễn vở “Đời cô Lựu” cho biết, cả gia đình có 13 nhân khẩu sống trong căn chung cư nhỏ trên đường Trần Đình Xu (quận 1) được nhà nước cấp từ năm 1976, rộng 65 m2 và đã xuống cấp trầm trọng. Tuy nhiên, qua nhiều năm, mong muốn của ông vẫn chưa được hỗ trợ.
Tháng 2/2017, gia đình nghệ sĩ Huỳnh Nga đón nhận căn hộ mới do UBND TP Hồ Chí Minh vận động nhà tài trợ. Căn hộ rộng 72m2, tọa lạc tại đường Bến Vân Đồn, quận 4, TP Hồ Chí Minh vừa gần trung tâm, vừa gần bệnh viện thuận lợi cho ông tái khám sau khi điều trị căn bệnh ung thư.
Trong ngày nhận nhà, đạo diễn vở "Đời cô Lựu"xúc động chia sẻ: “Tôi rất cám ơn sự quan tâm của chính quyền thành phố, của các nhà tài trợ đã giúp đỡ tôi thực hiện được tâm nguyện cuối cuộc đời. Căn hộ này là niềm mơ ước lớn lao của cả gia đình tôi, sẽ là nơi tôi vui sống đến cuối đời”.
Tuy nhiên, theo Tiền Phong, việc trao tặng mới chỉ giúp nghệ sĩ Huỳnh Nga có căn nhà để ở. Muốn có đầy đủ giấy tờ hợp pháp, ông phải đóng 150 triệu. Đối với đạo diễn vở "Đời cô Lựu", đây là số tiền quá lớn. Cuối năm 2019, NSND Minh Vương kêu gọi mọi người quyên góp giúp đạo diễn Huỳnh Nga có thể hợp thức hóa căn nhà.
Những năm về già, nghệ sĩ Huỳnh Nga sống cùng vợ, 3 người con trai và các cháu. Niềm an ủi trong những năm tháng cuối đời của ông là sự chăm sóc của gia đình cùng những lần thăm hỏi của giới nghệ sĩ.
Sau khi ông mất, linh cữu NSND Huỳnh Nga sẽ đưa đi an táng tại quê nhà ở Mộc Hóa, tỉnh Long An.