Đổi thay đáng mừng ở vùng biên Quảng Trị
5 năm trở lại đây, nhiều xã vùng biên Quảng Trị đã có những đổi thay, phát triển rất đáng mừng. Nhờ đời sống kinh tế đi lên, việc học hành của con em được quan tâm đầu tư rất chu đáo.
Xã biên giới A Ngo, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị nằm giáp ranh huyện A Lưới, Thừa Thiên - Huế và huyện Sa Muồi, tỉnh Salavan, nước bạn Lào. A Ngo có 7 thôn nằm rải rác trên diện tích rộng với hơn 48km2, dân số gần 3.700 người.
Ông Hồ Tất Huấn, Chủ tịch UBND xã A Ngo cho biết, 5 năm trước, cả 7 thôn của xã đều nghèo, nhưng đến nay phần lớn đã từng bước vượt qua khó khăn. Đặc biệt nhờ sự quan tâm hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, nhất là từ các Chương trình 134, 135 và Chương trình phát triển KT-XH vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số, hệ thống cơ sở hạ tầng ở đây đã ngày càng được đầu tư xây dựng đồng bộ và hiện đại, phục vụ tối đa việc phát triển KT-XH của địa phương. Năm 2022, số hộ nghèo, cận nghèo ở A Ngo giảm hơn 30% so với 3 năm về trước; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 17 triệu đồng, tăng gấp 1,6 lần so với năm 2021. “Mừng nhất có hơn 30 cháu thi đỗ cao đẳng và đại học cả nước. Con số này cao nhất từ trước đến nay”, ông Huấn chia sẻ.
Ông Hồ Thủy, Trưởng thôn La Lay, xã A Ngo bộc bạch, so với 5 năm trước, cuộc sống bây giờ của bà con đã thay đổi rất nhiều. Bên cạnh đời sống vật chất, các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư xây mới, tạo điều kiện để người dân được vui chơi giải trí, giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.
Rời A Ngo, chúng tôi theo đường Hồ Chí Minh trở ra Quốc lộ 9, ngược lên thị trấn Khe Sanh, rồi lại theo đường Hồ Chí Minh lên xã biên giới Hướng Việt (cùng huyện Hướng Hóa). Dọc hai bên đường, mùa này lá cây sau khi chuyển từ màu xanh thẫm sang màu đỏ rực, quang cảnh đẹp như tranh vẽ. Vừa qua khỏi đèo Sa Mù cao gần 1.400m so với mực nước biển, Hướng Việt dần hiện ra trong sương giăng buổi sớm, với xa xa những ngôi nhà sàn nằm cheo leo trên những triền núi, hay lọt thỏm giữa một thung lũng dưới đỉnh núi Punata. Đón chúng tôi, ông Hồ Văn Sinh, Chủ tịch UBND xã Hướng Việt phấn khởi cho biết: “Bây giờ sướng rồi, đường thảm nhựa chạy vào đến trung tâm xã, chứ hồi 5 năm trước, cứ mỗi lần có cán bộ, nhà báo dưới tỉnh lên là chúng tôi phải ra tận ngoài đường lớn để đón, dẫn đường mới vào được”.
Theo ông Sinh, địa phương có hơn 15km đường biên với 5 cột mốc quốc gia nên việc bảo đảm an ninh biên giới được chính quyền, ban, ngành, đoàn thể ở đây quan tâm đặc biệt. Nổi bật hơn cả là việc kết nghĩa bản - bản giữa bản Ka Tiêng, xã Hướng Việt và bản Avia thuộc Cụm Ra Cồ, huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet (Lào). Thông qua đó, nhân dân các bản đối diện đã cùng nhau trao đổi, học hỏi kinh nghiệm phát triển sản xuất, nhất là việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông, lâm nghiệp và chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Ngoài ra, chính quyền, ngành chức năng hai bên luôn tạo điều kiện thông thoáng cho người dân lưu thông, trao đổi hàng hóa để phát triển kinh tế. Cũng từ đó, lực lượng quản lý hai bên biên giới tin cậy nhau hơn, kịp thời thông tin trao đổi cùng nhau giải quyết tốt những tình hình có liên quan đến nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới. Theo báo cáo của UBND xã Hướng Việt, hiện tổng diện tích gieo trồng của địa phương là gần 200ha. Bên cạnh, đàn gia súc, gia cầm không ngừng phát triển, tăng cả về số lượng lẫn chất lượng; nhiều chủ trang trại xuất bán mỗi năm 3-4 đợt với mỗi đợt trên 1.000 con gà, mang lại nguồn thu nhập ổn định.
Ông Lê Quang Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa cho hay, những năm qua, trên địa bàn huyện đã có nhiều xã vùng biên phát triển, đổi thay rất đáng mừng. Trong đó, nằm cạnh Hướng Việt phải kể đến xã Hướng Lập vừa giáp ranh huyện Sê Pôn vừa giáp ranh huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Trong phát triển kinh tế, Hướng Lập đã thực hiện tốt chủ trương của Đảng về khai thác tiềm năng, lợi thế; tập trung thâm canh và khai hoang mở rộng diện tích lúa nước, trồng cây sắn nguyên liệu, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và bảo vệ rừng. Hiện nay, tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp của xã trên 248ha, trong đó 68ha ruộng nước với sản lượng đạt 3,7 tấn/ha; 90ha lúa nương, năng suất bình quân đạt 1,6 tấn/ha; gần 20ha cây thực phẩm; 42ha cây sắn nguyên liệu và hơn 800ha cây lâm nghiệp. Thu nhập bình quân đầu người trong 5 năm lại đây đạt 17-19 triệu đồng/người/năm.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/doi-thay-dang-mung-o-vung-bien-quang-tri-i683342/