Đổi thay kinh tế du lịch vùng hồ
Những bản làng heo hút ven hồ được tôn tạo rộng đẹp, tạo cảm giác ấm áp, nồng hậu khi đón tiếp các đoàn khách. Những bến bãi, tàu thuyền xuôi ngược rộn rã, tấp nập cảnh giao lưu, giao thương... Đó là nét mới ở các địa phương khu vực hồ Hòa Bình kể từ khi được mở mang, phát triển thành khu du lịch (KDL).
Hộ dân TP Hòa Bình đầu tư nuôi trồng thủy sản trên vùng hồ Hòa Bình, tạo điểm nhấn cho bức tranh kinh tế du lịch.
Năm 2018, TP Hòa Bình lập danh sách, cử 70 học viên tham gia các lớp tập huấn phát triển sản phẩm du lịch trên hồ và công tác bảo vệ môi trường gắn với phát triển du lịch bền vững. Ngoài ra, cử cán bộ tham gia chương trình học tập kinh nghiệm về công tác du lịch tại tỉnh Vĩnh Phúc, chương trình về mô hình quản lý bến cảng, phương tiện đường thủy phục vụ vận chuyển khách du lịch tại tỉnh Quảng Ninh. Năm 2019, thành phố tiếp tục cử cán bộ UBND phường Thái Bình và xã Hòa Bình tham gia chương trình học tập kinh nghiệm mô hình quản lý, quảng bá, phát triển sản phẩm du lịch tại tỉnh Thanh Hóa. Việc đẩy mạnh hoạt động đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đã góp phần quan trọng nâng cao nhận thức về phát triển KT-XH tại KDL hồ Hòa Bình. Bà con người dân tộc thiểu số sinh sống gần khu vực hồ Hòa Bình nắm rõ chính sách, pháp luật của Nhà nước, không nổ mìn, bắt cá, không xả rác thải rắn và lỏng xuống hồ, tạo cảnh quan sạch đẹp, thu hút nhiều hơn khách quốc tế và nội địa đến với khu vực hồ Hòa Bình.
Hiện nay, tại KDL hồ Hòa Bình có trên 200 phương tiện tàu thuyền vận chuyển khách du lịch, tập kết chủ yếu tại bến cảng Bích Hạ - xã Hòa Bình (TP Hòa Bình) và cảng Thung Nai - xã Thung Nai (Cao Phong). Hoạt động kinh doanh vận tải nội địa từng bước đi vào nề nếp. Đội ngũ lái tàu thuyền, nhân viên phục vụ trên tàu du lịch được tập huấn, bồi dưỡng trang bị kiến thức, kỹ năng về hoạt động du lịch sinh thái sông nước. Bên cạnh đó, các phương tiện tàu, thuyền dành ưu tiên đầu tư đáng kể để cải tạo, sửa chữa, nâng cao chất lượng phục vụ khách, đảm bảo về cơ sở vật chất, trang thiết bị phòng cháy chữa cháy, phao cứu sinh, thùng đựng rác..., giúp du khách thăm quan trên vùng hồ được thoải mái, an toàn trong suốt hành trình.
Trước đây, Đá Bia - xã Tiền Phong (Đà Bắc) là bản Mường nghèo. Từ khi nhận thức về phát triển du lịch cộng đồng được nâng lên, có sự đồng hành, hỗ trợ của các dự án, chương trình, cuộc sống người dân nơi đây đã có nhiều thay đổi. Đá Bia trở thành một trong những điểm đến thu hút thuộc KDL hồ Hòa Bình. Khách du lịch về bản kéo theo sự chuyển dịch KT-XH với 5 hộ làm nhà nghỉ homestay, 37 hộ khác cùng tham gia các dịch vụ từ xe ôm, đưa đón, hướng dẫn khách, tàu thuyền, vui chơi giải trí. Tương tự, xóm Ngòi, xã Suối Hoa (Tân Lạc) từ một bản ven hồ heo hút đã hòa mình vào nhịp sống sôi động hơn. Xóm có 7 hộ làm du lịch cộng đồng, tạo việc làm cho hơn 20 hộ khác. Tại điểm du lịch cộng đồng xóm Sưng, xã Cao Sơn (Đà Bắc), bà con người Dao đã chuyển một bước mới từ kinh tế từ tự cấp, tự túc sang kinh tế hàng hóa. Một số gia đình đầu tư làm nhà nghỉ cộng đồng. Nhiều lao động tham gia và có nguồn thu từ các hoạt động cung cấp sản phẩm du lịch, tiếp đón, ẩm thực, làm thổ cẩm, biểu diễn văn nghệ...
Đồng chí Bùi Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: Năm 2017, đóng góp từ KDL hồ Hòa Bình vào phát triển kinh tế của khu vực theo đánh giá của tỉnh còn thấp. Cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn, có sự chênh lệch lớn giữa khu vực thành thị và nông thôn. KDL hồ Hòa Bình có mức tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 21%, trong đó, dịch vụ chiếm tỷ trọng cao nhất (47%), tiếp đó là ngành công nghiệp và nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TU của BTV Tỉnh ủy về phát triển KDL hồ Hòa Bình, nhận thức của các tầng lớp Nhân dân về hiệu quả phát triển KDL được nâng lên, không những thu hút được nhiều nhà đầu tư tạo ra các sản phẩm du lịch, mà kinh tế có sự chuyển dịch tích cực, tạo việc làm, tăng nguồn thu ngân sách, nâng cao thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/146297/doi-thaykinh-te-du-lich-vung-ho.htm