Đổi thay nhờ Dự án 8

Xã Tân Phú là 1 trong 6 xã của huyện Thới Bình triển khai thực hiện Dự án 8 về 'Thực hiện bình đẳng giới tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi', với mục tiêu nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và tập trung giải quyết có hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Sinh hoạt của Tổ phụ nữ dân tộc ấp Tapasa 1, xã Tân Phú, huyện Thới Bình luôn thu hút đông đảo hội viên tham gia.

Sinh hoạt của Tổ phụ nữ dân tộc ấp Tapasa 1, xã Tân Phú, huyện Thới Bình luôn thu hút đông đảo hội viên tham gia.

Theo đó, các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ đã phối hợp triển khai các hoạt động: tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em; xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em; đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng giám sát và phản biện; hỗ trợ phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị; trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ hội trong hệ thống chính trị, trưởng ấp, chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong cộng đồng.

Cứ đều đặn vào ngày 21 hằng tháng, các tổ viên Tổ phụ nữ dân tộc ấp Tapasa 1 tập trung tại nhà chị Lâm Thị Nghi, tổ trưởng, để cùng nhau sinh hoạt xoay quanh các chủ đề về bình đẳng giới, Luật Hôn nhân gia đình, góp tiền bán phế liệu để giúp hội viên có hoàn cảnh khó khăn...

Bên cạnh vụ lúa – tôm, gia đình bà Lâm Thị Nghi (bìa trái) còn chăn nuôi heo, nhờ đó kinh tế ngày càng phát triển và bà cũng mạnh dạn chia sẻ kinh nghiệm với các thành viên Tổ phụ nữ dân tộc ấp Tapasa 1, xã Tân Phú.

Bên cạnh vụ lúa – tôm, gia đình bà Lâm Thị Nghi (bìa trái) còn chăn nuôi heo, nhờ đó kinh tế ngày càng phát triển và bà cũng mạnh dạn chia sẻ kinh nghiệm với các thành viên Tổ phụ nữ dân tộc ấp Tapasa 1, xã Tân Phú.

Chị Lâm Thị Nghi chia sẻ, ban đầu việc tập hợp chị em lại để sinh hoạt không dễ dàng bởi ai cũng ngại, cũng bận bịu việc đồng áng, chuyện gia đình... Do đó, Tổ truyền thông cộng đồng phối hợp cùng các đoàn thể đi tuyên truyền, vận động theo phương châm đi từng nhà. Dần dà chị em hiểu và truyền tai nhau cùng tham gia sinh hoạt vì theo các chị, sinh hoạt tại Tổ phụ nữ dân tộc giúp họ có kiến thức về bình đẳng giới giữa vợ và chồng trong gia đình, động viên con cháu không kết hôn khi chưa đủ tuổi, không sinh con thứ 3, rồi chia sẻ công việc đồng áng... Đặc biệt, Tổ phụ nữ dân tộc sẵn sàng giúp đỡ các đối tượng yếu thế là phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số khi cần.

Được vay vốn, gia đình bà Sơn Thị Nương, ấp Đầu Nai, xã Tân Phú mở tiệm tạp hóa, chăn nuôi heo, trồng hoa màu, kinh tế ngày càng phát triển.

Được vay vốn, gia đình bà Sơn Thị Nương, ấp Đầu Nai, xã Tân Phú mở tiệm tạp hóa, chăn nuôi heo, trồng hoa màu, kinh tế ngày càng phát triển.

Tham gia Tổ phụ nữ dân tộc ấp Tapasa 1, xã Tân Phú, chị Thị Ly, 47 tuổi và 25 thành viên đã hiểu hơn về bình đẳng giới, những kiến thức để phòng chống bạo lực gia đình, vấn nạn tảo hôn, cách chăm sóc gia đình, nuôi dạy con tốt...

“Tham gia sinh hoạt, chị em có thể mạnh dạn chia sẻ hiểu biết để vợ chồng cùng giúp nhau trong cuộc sống hằng ngày; trong gia đình ai cũng có quyền bình đẳng; không được tảo hôn vì như thế là vi phạm pháp luật... Khi tham gia Dự án 8 tôi thấy rất vui và vui nhất là chồng tôi thấu hiểu và luôn động viên tôi tham gia sinh hoạt cùng với chị em ở địa phương”, chị Thị Ly khẳng định.

Ông Thạch Văn Rươl, Trưởng ấp Tân Phú, thông tin, các hoạt động của Dự án 8 bước đầu đã có tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức cho người dân vùng đồng bào DTTS.

“Nhờ có Dự án 8, người dân đã hiểu tảo hôn không chỉ vi phạm pháp luật mà còn ảnh hưởng đến đời sống của con cháu sau này. Từ năm 2022 đến nay, khi phát hiện 3 trường hợp gia đình chuẩn bị cho con cháu kết hôn với dấu hiệu tảo hôn, chính quyền địa phương phối hợp cùng các đơn vị có liên quan đến tuyên truyền, vận động và được người dân đồng thuận, cam kết dừng việc gả cưới khi chưa đủ tuổi theo quy định”, ông Rươl cho biết.

Ngoài trồng lúa, nuôi tôm, hội viên phụ nữ ấp Đầu Nai, xã Tân Phú tận dụng đất trống trồng hoa màu, tăng thêm thu nhập. (Trong ảnh: Mô hình trồng màu của gia đình bà Sử Thị Liễu, ấp Đầu Nai, xã Tân Phú, mỗi năm thu nhập hơn 150 triệu đồng).

Ngoài trồng lúa, nuôi tôm, hội viên phụ nữ ấp Đầu Nai, xã Tân Phú tận dụng đất trống trồng hoa màu, tăng thêm thu nhập. (Trong ảnh: Mô hình trồng màu của gia đình bà Sử Thị Liễu, ấp Đầu Nai, xã Tân Phú, mỗi năm thu nhập hơn 150 triệu đồng).

Một trong những mục tiêu mà Dự án 8 đặt ra là “xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ”. Các cấp được chọn triển khai thực hiện Dự án 8 trên địa bàn xã Tân Phú phần lớn chị em đồng bào dân tộc sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp, làm thuê. Hiện nay, với trình độ dân trí thấp, quen với tập quán sản xuất lạc hậu, manh mún và thiếu vốn nên phần lớn phụ nữ nơi đây chưa xây dựng được những mô hình sinh kế hiệu quả.

“Do đó, song song với công tác tuyên truyền vận động, chúng tôi mong muốn có thêm nguồn vốn, các mô hình sinh kế để hỗ trợ chị em người dân tộc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống ngày càng tốt hơn”, bà Đường Thị Út Lợi, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Tân Phú, cho biết.

Thanh Phương

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/doi-thay-nho-du-an-8-a34557.html