Đổi thay nhờ tín dụng chính sách

Trên vùng đất biên cương Lộc Ninh anh hùng hôm nay, cuộc sống khốn khó năm nào đã dần lùi vào quá khứ, nhiều trang trại được mọc lên, các vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đang thay đổi từng ngày, bỏ lại đói nghèo phía sau.

Thành quả ấy, bên cạnh nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự vươn lên của chính mỗi người dân thì còn có đóng góp tích cực của nguồn vốn chính sách ưu đãi, nhất là kể từ 20 năm qua khi Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Lộc Ninh có mặt trên vùng đất này.

Vượt khó

Nhìn lại chặng đường 20 năm kể từ khi thành lập và đi vào hoạt động, bà Phạm Thị Mai Hoa, nguyên Giám đốc NHCSXH huyện Lộc Ninh nhớ lại: “Khi thành lập, dư nợ chỉ hơn 23 tỷ đồng và 3 chương trình tín dụng bàn giao từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lộc Ninh, Kho bạc Nhà nước huyện, vừa phải tổ chức triển khai giải ngân kịp thời vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Khi đó, NHCSXH huyện chỉ có 3 cán bộ. Song, được sự chỉ đạo và quan tâm của NHCSXH chi nhánh tỉnh Bình Phước, sự lãnh đạo, chỉ đạo của huyện và Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện, sự phối kết hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể có liên quan cùng nỗ lực phấn đấu của toàn thể cán bộ, nhân viên trong đơn vị, NHCSXH huyện ngày càng được mở rộng và hoạt động hiệu quả”.

Cán bộ NHCSXH huyện Lộc Ninh đến từng hộ dân ở vùng sâu tư vấn các gói vay

Cán bộ NHCSXH huyện Lộc Ninh đến từng hộ dân ở vùng sâu tư vấn các gói vay

Với phương châm “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, NHCSXH huyện đã xây dựng được 16/16 điểm giao dịch tại các xã, thị trấn trong toàn huyện. Đây là mô hình hoạt động đặc thù, sáng tạo của NHCSXH, là bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính. Từ đó giúp triển khai các chương trình tín dụng chính sách hiệu quả, tiết kiệm chi phí và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nghèo, các đối tượng chính sách khác được tiếp cận tín dụng ưu đãi.

Đến ngày 30-6-2022, tổng nguồn vốn hoạt động tại NHCSXH huyện đạt 439.292 triệu đồng, tăng gấp 19 lần so với thời điểm mới đi vào hoạt động, với 17 chương trình tín dụng đang triển khai. Gần 20 năm qua, NHCSXH huyện phối hợp với hội, đoàn thể nhận ủy thác từ các cấp chính quyền và cơ quan liên quan nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đôn đốc thu hồi dứt điểm nợ quá hạn tồn đọng. Đến nay, nợ quá hạn chỉ chiếm 0,09% tổng dư nợ. Chất lượng tín dụng được nâng lên đã đem lại hiệu quả thiết thực cả về kinh tế và xã hội, góp phần thực hiện tốt chương trình xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn huyện, giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2003 là 10,4% đến cuối năm 2021 còn 0,2% tổng số hộ trên địa bàn.

Tiếp sức hộ nghèo

20 năm qua, từ nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp 14.941 lượt hộ nghèo trong huyện được vay vốn, góp phần giúp 13.935 hộ thoát nghèo, thu hút tạo việc làm cho 7.124 lao động. Cùng với đó, nguồn vốn chính sách cũng giúp 7.878 học sinh, sinh viên hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập và cải tạo 28.812 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường ở nông thôn; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 671 ngôi nhà cho hộ nghèo...

Điểm dễ nhận thấy là nhờ vốn tín dụng chính sách đã góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống...

Nói về tính hiệu quả của nguồn vốn chính sách được tiếp cận, ông Ngô Văn Thủy ở ấp Vẻ Vang, xã Lộc Phú cho biết: Với tổng số tiền được vay 131 triệu đồng, gia đình tôi có điều kiện cho các con học hết đại học, số còn lại tôi đầu tư phát triển kinh tế. Hiện gia đình đã có nhà ở khang trang và các con có việc làm ổn định. Tôi cảm ơn các cấp chính quyền và chính sách ưu đãi của Nhà nước.

Là hộ đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình chị Lâm Thị Svây ở ấp Việt Tân, xã Lộc Quang được vay tổng 170 triệu đồng. Nhờ sử dụng vốn vay hiệu quả đã mang lại cho gia đình chị nguồn thu nhập ổn định hằng tháng 20 triệu đồng để nuôi con ăn học và trang trải chi phí trong gia đình.

Nhìn nhận về quá trình triển khai nguồn vốn này trên địa bàn huyện, bà Phan Thị Tầm, Giám đốc NHCSXH huyện Lộc Ninh chia sẻ: Đạt kết quả như thời gian qua, NHCSXH huyện luôn nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo của NHCSXH tỉnh, Huyện ủy, UBND huyện, chính quyền các cấp. Từ đó kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giúp ngân hàng hoạt động ngày càng hiệu quả. Đồng thời có sự nỗ lực, phấn đấu của tập thể cán bộ NHCSXH huyện và sự phối hợp của các hội, đoàn thể nhận ủy thác…

Sau gần 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, NHCSXH huyện Lộc Ninh đã để lại dấu ấn đậm nét. Qua đó góp phần chung sức trong công tác xóa đói, giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Đức Phong

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/135574/doi-thay-nho-tin-dung-chinh-sach