Đổi thay nơi vùng đất Cây Xoài
Đường Cộ Cây Xoài (kết nối với 2 tuyến đường tỉnh 768 và 767) sau khi được mở rộng, láng nhựa đã làm thay đổi toàn diện vùng đất ấp Cây Xoài (xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu). Từ tuyến đường huyết mạch này, người dân ấp Cây Xoài tiếp tục cùng với ấp, chính quyền địa phương mở thêm hàng chục cây số đường nhánh.
Đó là chuyện hôm nay, còn trong quá khứ, đây là vùng đất khó khăn nhất của xã Tân An, rất ít người biết.
Cuộc sống nghĩa tình
Ấp Cây Xoài có diện tích đất sản xuất khoảng 2 ngàn hécta (chiếm gần ½ diện tích đất sản xuất của xã), dân số 653 hộ/2.268 nhân khẩu. Trưởng ấp Cây Xoài Lê Thị Hồng cho biết, vùng đất này trước kia là rừng, bưng nên dân cư rất thưa thớt. Sau Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975), người dân từ các xã: Tân Bình, Bình Hòa, Bình Lợi và nhiều nơi khác trong và ngoài huyện mạnh dạn vào khai khẩn đất làm rẫy, ruộng để kiếm thêm lương thực, sau đó “bén duyên” với vùng đất này.
“Do là vùng đất còn nhiều rừng, bưng nên dân cư vừa khai khẩn phần đất đồi trồng đậu, mì, bắp, vừa sử dụng phần đất thấp trồng lúa, làm ao nên chỉ cần siêng năng là không bị đói và người dân luôn biết giúp đỡ nhau khi mùa vụ thất bát” - bà Hồng kể lại.
Đường Cộ Cây Xoài sau khi được mở rộng, láng nhựa thì các tuyến đường nhánh kết nối với khu dân cư, vườn, rẫy cũng được người dân chung sức cùng địa phương, huyện bê tông xi măng hoặc nhựa hóa hàng chục cây số với kinh phí hàng chục tỷ đồng, góp phần làm thay đổi diện mạo vùng đất ấp Cây Xoài trong những năm qua.
Có mặt nơi vùng đất ấp Cây Xoài những năm 1980, ông Lê Ngọc Sơn (64 tuổi) cho biết, thời không “điện, đường, điện thoại”, nhà nào có chuyện cần hỗ trợ chỉ cần lên đồi cao hú gọi nhau là mọi người hội lại giúp sức. Xóm làng tối lửa tắt đèn có nhau. Sau này, khi tổ triển khai làm đường nhánh còn thiếu tiền để đối ứng vốn với nhà nước, ông tự nguyện đem “sổ đỏ” của gia đình thế chấp ngân hàng vay 200 triệu đồng về ứng trước kinh phí cho tổ, ấp làm đường. Nhờ vậy, đường tổ 8 dài hơn 1,7km, kinh phí trên 4 tỷ đồng (nhà nước 80%, dân góp 20%) nhanh chóng được hoàn thành.
“Từ ngày có tuyến đường này, việc đi lại của người dân và học hành của con em trong tổ thuận lợi. Trước kia, khi nhà hết gạo, tôi và mọi người muốn xay bao lúa phải băng rừng, rẫy hàng chục cây số ra tận trung tâm xã Tân An hoặc xã Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu)”- ông Sơn tâm sự.
Không chỉ ông Sơn mà ông Nguyễn Văn Phúc (ngụ tổ 7, ấp Cây Xoài) cũng từng đem “sổ đỏ” của gia đình ra ngân hàng vay 400 triệu đồng ứng trước cho tổ, ấp làm đường. Đường làm xong, dân tình phấn khởi, các ông không một lời than vãn chuyện một vài người dân có hoàn cảnh khó khăn vẫn chưa đóng đủ tiền để các ông lấy “sổ đỏ” về.
“Dân ở đây sống rất nghĩa tình. Xưa không có đường, ai bệnh tật, sinh nở thì dùng xe bò, xe đạp thồ ra ngoài. Nơi nào xe bò, xe đạp không đi được thì để người bệnh, sản phụ vào võng khiêng đi. Chính vì cảm nhận được cái khó, khổ thuở xưa mà tôi và nhiều người dân khác sẵn sàng đem “sổ đỏ” của gia đình ra ngân hàng vay tiền về cùng ấp, xã mở đường khi xây dựng nông thôn mới”- ông Phúc bộc bạch.
Ruộng đồng xanh, con em nhiều chữ
Nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao không chỉ làm cho vùng đất ấp Cây Xoài đổi thay về hạ tầng: điện, đường, trường học, nhà văn hóa, thủy lợi… mà còn giúp cuộc sống của người dân nơi đây khấm khá hơn. Tình làng nghĩa xóm thêm đong đầy.
Vốn là cán bộ khu, rồi trưởng ấp Cây Xoài từ năm 1980 đến nay nên mọi sự chuyển biến, thay đổi tốt hay xấu trong ấp đều được Trưởng ấp Cây Xoài Lê Thị Hồng nắm rõ. Bà Hồng bày tỏ, đường sá bây giờ rất thuận tiện, từ khu dân cư đi xóm rẫy, ruộng vườn thuận lợi hơn. Đồng thời, công tác tuyên truyền, triển khai chủ trương, chính sách pháp luật xuống cơ sở cũng dễ dàng hơn. Qua đó người dân thỏa sức đề bạt, kiến nghị tâm tư nguyện vọng, phản ánh những bất cập. Nhờ đó, ấp Cây Xoài rất an ninh, trật tự, không xảy ra tệ nạn xã hội, mất đoàn kết nội bộ trong dân.
“Nay mọi điều đều được cấp trên quan tâm, đầu tư từng bước chuẩn với các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn kiểu mẫu nên người dân rất phấn khởi, chí thú lo làm giàu, giữ gìn và vun đắp nét đẹp tình làng nghĩa xóm thêm đậm sâu hơn như: giúp nhau khó khăn, làm kinh tế, giáo dục con em” - bà Hồng bộc bạch.
“Các thầy cô bám trụ tại Phân hiệu Cây Xoài (Trường tiểu học Tân An) luôn thấu hiểu cuộc sống của người dân nên rất tận tâm và trách nhiệm. Do đó, chúng tôi rất yên tâm khi để con em học tập tại ngôi trường này”- ông BẢY NGHĨA (60 tuổi, ngụ tổ 15, ấp Cây Xoài) bộc bạch.
Mặc dù đang vào cao điểm mùa nắng nóng, vườn, ao của nông dân ấp Cây Xoài nhiều nơi bị thiếu nước tưới, tuy vậy ruộng, vườn rẫy vẫn không kém xanh. Nông dân Trần Văn Mười (ngụ tổ 5, ấp Cây Xoài) cho biết, ông tranh thủ mùa khô để cải tại 1 hécta ruộng gò (1 vụ lúa) thành ao, vườn nuôi cá và trồng thêm bưởi. Hiện tại 15 hécta đất của ông gồm: ao, ruộng, cây lâu năm cho thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm, sau khi trừ chi phí. Để có được diện tích đất đó, vợ chồng ông Mười tích cóp từng mùa vụ, tiền cày đất, chở hàng hóa thuê cho người dân trong vùng.
“Vùng đất này xưa chỉ trồng lúa, bắp, mì nên mùa nắng thì đồng gần như bỏ trống, làm các bãi chăn thả gia súc, gia cầm. Nay có hồ chứa nước Mo Nang, cộng với xu thế chuyển đổi sang cây lâu năm như: cây có múi, ăn trái, tràm nên đất không còn bị bỏ hoang, nơi nào cũng xanh mát” - ông Mười tâm sự.
Theo Bí thư Chi bộ ấp Cây Xoài Bùi Ngọc Tân, thuở ấp Cây Xoài không “điện, đường, trường”, cuộc sống của người dân chỉ quẩn quanh cây lúa, bắp, đậu, mì nên chuyện học hành của con em gặp rất nhiều khó khăn. Vì con chữ của con em trong ấp, người dân và vợ chồng Trưởng ấp Lê Thị Hồng phải vào rừng, rẫy lấy cây, tranh dựng tạm lớp học cho con em có nơi học tập và thầy cô giáo có nơi bám trụ gieo chữ (sau này là Phân hiệu Cây Xoài, Trường tiểu học Tân An). Nhờ vậy, dù sinh sống nơi hẻo lánh con em trong ấp cũng được học hành tử tế. Đến nay, ấp có trên 100 con em học đại học, cao đẳng.
Bí thư Chi bộ ấp Cây Xoài Bùi Ngọc Tân cho biết, con em ấp Cây Xoài không chỉ giỏi chữ, mà nhà nông trong ấp làm kinh tế giỏi không thua kém gì các ấp khác trong xã. Đó là nhờ nông dân ấp Cây Xoài nắm giữ quỹ đất sản xuất lớn với gần 2 ngàn hécta, trung bình 3-4 hécta/hộ, lại bắt nhịp cùng với phương thức sản xuất hàng hóa, áp dụng khoa học kỹ thuật nên thu nhập trung bình đạt gần 200 triệu đồng/hécta/năm. Do đó, số hộ nghèo trong ấp không còn, số hộ khá, giàu chiếm trên 60% dân số.