Đổi thay ở Bát Tràng
Để gìn giữ và phát triển làng nghề trong xu thế hội nhập quốc tế, các doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh gốm sứ tại Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội) đã nhạy bén chuyển hướng sản xuất, bắt nhịp với công nghệ, nâng cao chất lượng và thẩm mỹ sản phẩm để phù hợp với đa dạng thị trường trong, ngoài nước.
Đổi mới tư duy
Trải qua hơn 500 năm hình thành và phát triển, hơn 80% người dân trong làng Bát Tràng sinh sống bằng nghề sản xuất gốm sứ, giá trị xuất khẩu ước đạt khoảng 40 triệu USD/năm. Gốm sứ Bát Tràng đã trở thành cái tên quen thuộc không chỉ với thị trường Việt Nam mà còn cả thị trường quốc tế. Hiện nay, người dân Bát Tràng đã có những tư duy mới trong nhận thức, bắt nhịp công nghệ 4.0 và ứng dụng có chọn lọc vào hoạt động lao động sản xuất để thương hiệu gốm sứ Bát Tràng vươn xa ra thị trường quốc tế. Người Bát Tràng đã biết tận dụng thế mạnh của mình để giới thiệu rộng rãi sản phẩm ra thị trường. Những nghệ nhân trẻ tuổi đã biết kết hợp nghề tổ với những kiến thức được học ở trường đại học, tạo ra những sản phẩm gốm hiện đại phù hợp với thị hiếu và họ đã thành công.
Với hơn 20 năm lăn lộn với nghề gốm sứ, nghệ nhân Phùng Văn Hoàn - chủ Cơ sở Gốm sứ Hoàn Trang (xã Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội) - nhận định, công nghệ 4.0 là một cơ hội để phát triển làng nghề. Các sản phẩm gốm sứ Bát Tràng được chế tác từ đất sét trắng, cao lanh, sản phẩm có tráng men và được vẽ hoa văn từ đơn giản đến phức tạp. Trước, người dân Bát Tràng thường phải sử dụng lò đứng để nung gốm, ngày nay người dân Bát Tràng có sử dụng lò gas để nung gốm. Nguyên liệu được sử dụng để đốt lò trước đây là than và củi. Ngày nay người dân Bát Tràng thường sử dụng than và gas. Việc sử dụng lò gas đã cho ra những sản phẩm chất lượng cao hơn và ít hỏng hơn so với việc dùng lò đốt bằng củi và than, tăng năng suất và tính thẩm mỹ cho sản phẩm.
Không chỉ đổi mới cơ chế sản xuất, những cơ sở sản xuất ở Bát Tràng còn ứng dụng công nghệ 4.0 vào quản lý và thương mại điện tử (TMĐT) các sản phẩm gốm sứ để giúp các cơ sở sản xuất và doanh nghiệp trong làng nghề mở rộng kênh bán hàng trực tuyến, góp phần nâng cao doanh thu và lợi nhuận. Đây cũng là cơ hội để làng nghề có điều kiện học hỏi tiếp thu các mô hình tổ chức sản xuất và quản trị tiên tiến.
Nghệ nhân Phùng Văn Hoàn chia sẻ: “Trước kia, khi công nghệ vẫn chưa phát triển mạnh mẽ như bây giờ, ít người làm mẫu giống tôi thì kiểu gì sản phẩm của cơ sở nhà tôi cũng bán được. Hiện nay, các lò gốm của Bát Tràng đang sản xuất với tốc độ rất cao, nếu chúng ta không tiếp cận, quảng bá sản phẩm trên những kênh thông tin điện tử để sản phẩm đến với người tiêu dùng thì không cạnh tranh được”.
Hiện nay, sự hợp tác giữa các nghệ nhân với các chuyên gia công nghệ, giữa doanh nghiệp và làng nghề đã giúp mở rộng thị trường, đẩy mạnh thương mại điện tử (TMĐT), góp phần nâng cao chất lượng gốm sứ Bát Tràng, tạo đầu ra ổn định và bền vững cho các sản phẩm. Là người đầu tiên đưa các sản phẩm gốm sứ Bát Tràng gia nhập TMĐT, anh Trần Dương Quý (chủ website Bát Tràng Online) cho biết: Gia nhập TMĐT giúp cho các sản phẩm gốm sứ Bát Tràng được nhiều người biết đến. Đây là kênh quảng bá, giới thiệu sản phẩm nhanh nhất, hiệu quả nhất đến với khách hàng. Nhờ đó, các sản phẩm có sự tiêu thụ nhanh hơn nhiều so với kênh bán hàng truyền thống, mang lại nhiều giá trị cho thương hiệu của Bát Tràng.
Tiềm năng xuất khẩu
Bên cạnh những tiến bộ trong tư duy đổi mới phương thức sản xuất, quảng bá thương hiệu, xuất khẩu gốm sứ Bát Tràng là một trong những bước đi đúng đắn của những DN làng nghề. Là chủ một DN gốm sứ xuất khẩu 100% sản phẩm ra thị trường Nhật Bản và một số nước khác, DN của anh Trương Quang Ninh (Công ty TNHH Xuất khẩu thương mại Kim Khánh) cũng gặp những thuận lợi và khó khăn nhất định.
Gốm sứ Bát Tràng nói riếng và gốm sứ Việt Nam nói chung thường có hoa văn mang đậm tính truyền thống, kỹ thuật nung khá tốt nên sản phẩm có đặc thù là mỏng, nhẹ với kích thước nhỏ gọn. Mặt hàng gốm sứ xuất khẩu thuộc dòng sản phẩm trang trí với vòng đời rất ngắn, nên đòi hỏi phải thường xuyên thay đổi mẫu mã. Mặt khác, các làng nghề truyền thống phát triển chủ yếu dựa trên kinh nghiệm gia truyền, thủ công nhỏ lẻ, ít có sự chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm. Do đó, các sản phẩm gốm sứ sản xuất kiểu hộ gia đình và chất lượng còn hạn chế. Trong khi đó, sản phẩm của các đối thủ cạnh tranh như Trung Quốc, Đài Loan thì rất đa dạng về thiết kế và mẫu mã.
Với những DN có kinh nghiệm sản xuất hàng xuất khẩu lâu năm, quan điểm của anh Trương Quang Ninh là "không thể vịn vào tính chất làng nghề truyền thống để làm gì cũng truyền thống, cũng thủ công; phải dựa vào cái truyền thống để phát triển, ví dụ như dựa vào bài men gia truyền để phát triển những thiết kế mới, chứ cứ ôm mãi những thiết kế cũ thì không khá lên được". Gần đây anh đang triển khai thành lập một nhóm thiết kế trẻ để đầu tư sáng tạo sản phẩm mới giới thiệu đến khách hàng. Nhờ việc không ngừng sáng tạo mẫu mã song hành với duy trì chất lượng gốm sứ, anh Ninh vẫn giữ chân được nhiều khách hàng Nhật Bản từ gần 10 năm nay.
Bên cạnh đó, mặt hàng gốm sứ chủ yếu là sản xuất tại các DN vừa và nhỏ nên việc đầu tư cho hoạt động quảng bá và xây dựng thương hiệu cho ngành hàng vẫn chưa được chú trọng. Các DN sản xuất gốm sứ vẫn còn thiếu thông tin thị trường, chưa nhanh nhạy nắm bắt thị hiếu tiêu dùng để có được nhiều sản phẩm phù hợp, cũng như chưa đầu tư nhiều cho việc xây dựng hình ảnh thương hiệu. Chính vì không có thương hiệu nên gốm sứ khi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản chủ yếu thông qua trung gian là các công ty môi giới chiếm khoảng 80%. Hình thức ký hợp đồng trực tiếp với các DN phân phối Nhật Bản hoặc mở cửa hàng bán lẻ cho người tiêu dùng Nhật Bản chiếm tỷ lệ nhỏ.
Từ thực trạng trên cho thấy, các DN xuất khẩu muốn tăng được giá trị cần phải có những giải pháp đầu tư cho chất lượng sản phẩm, thiết kế mẫu mã nhằm tạo ra những sản phẩm khác biệt, mang đậm tính truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu gốm sứ để phòng chống lại việc sao chép bất hợp pháp của các đối thủ cạnh tranh. Các DN cũng nên đẩy mạnh một số hoạt động xúc tiến thương mại trên thị trường Nhật Bản để giới thiệu sản phẩm rộng rãi đến người tiêu dùng Nhật Bản.
Với những bước đi tiên phong, mang tính đột phá dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin và các giải pháp sản xuất, kinh doanh, những DN gốm sứ đã và đang góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo dựng thương hiệu gốm sứ Bát Tràng nổi tiếng trong nước và quốc tế, mở rộng thị trường tiêu thụ ổn định, bền vững cho sản phẩm làng nghề.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/doi-thay-o-bat-trang-123708.html