Đổi thay ở bệnh viện tuyến huyện nhờ đội ngũ bác sỹ trẻ tình nguyện
Qua hơn 1 năm về công tác, các bác sỹ trẻ đã triển khai chuyên môn về chẩn đoán hình ảnh, công tác chụp X-quang của bệnh viện tăng 26%, siêu âm tăng 30% so với trước khi có bác sỹ đến tăng cường.
Hiện nay, việc tiếp cận và thụ hưởng dịch vụ y tế của người dân ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, vùng kinh tế xã hội khó khăn còn hạn chế, thấp hơn nhiều mức trung bình của cả nước.
Huyện Quỳnh Nhai (tỉnh Sơn La) là huyện miền núi mới thoát nghèo, mức sống và trình độ dân trí không đồng đều. Đặc biệt, nhận thức của người dân nơi đây về bảo vệ và chăm sóc sức khỏe chưa cao, người dân đồng bào dân tộc vẫn còn tồn tại nhiều tập tục lạc hậu trong vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, cá nhân…
Nguyên nhân là do hệ thống y tế công lập tại các vùng này còn thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, đặc biệt là nguồn nhân lực y tế.
Tuy nhiên, hơn một năm nay công tác khám chữa bệnh cho người dân tại huyện Quỳnh Nhai đã có những thay đổi rõ rệt nhờ sự có mặt của các bác sỹ trẻ về công tác tại đây.
Đưa các kỹ thuật mới về tuyến huyện
Chị Lò Thị Son 27 tuổi, ở Bản Muông, xã Nậm Ét, huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) đã hơn 2 tháng nay hết cảm giác đau tức vùng bụng. Chị Son phấn khởi vì sức khỏe của mình đã cải thiện nhiều mà không phải di chuyển đường xa về bệnh viện tỉnh hay tuyến trung ương để điều trị.
Bởi, những ngày chị Son nằm viện trùng với thời điểm Việt Nam bước vào giai đoạn 2 cao điểm của dịch COVID-19 khi những ca bệnh mới vào đầu tháng 3 liên tiếp xuất hiện...
Ngày 4/3/2020, chị vào cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa huyện Quỳnh Nhai bụng đau dữ dội. Tại đây, qua thăm khám, bác sỹ trẻ chuyên khoa I Ngoại Trần Hữu Cảnh chẩn đoán chị bị viêm phúc mạc ruột thừa, chỉ định mổ cấp cứu ngay chiều cùng ngày.
Bác sỹ Trần Hữu Cảnh cho hay khi mổ mở bụng đường pararectal, kiểm tra ổ bụng bệnh nhân có nhiều dịch mủ, các quai ruột non nhiều giả mạc, ruột thừa viêm phản ứng do ngâm trong dịch mủ ổ bụng, dịch mủ không có mùi thối...
“Đánh giá tổn thương của ruột thừa không tương xứng với tình trạng ổ bụng nên quyết định mở rộng đường mổ tìm tổn thương nguyên phát. Sau khi mở rộng phẫu trường đánh giá rất nhiều dịch mủ ổ bụng lan đến mặt dưới gan và hố lách, không có tổn thương mặt trước sau dạ dày, ruột non không thủng bám rất nhiều giả mạc,” bác sỹ Cảnh phân tích.
Chẩn đoán trong mổ của bệnh nhân Son viêm phúc mạc nguyên phát. Sau đó, bác sỹ Cảnh xử trí cắt ruột thừa (do ruột thừa đã bị viêm phản ứng vì ngâm trong dịch mủ ổ bụng), hút rửa sạch ổ bụng bằng nước muối sinh lý, đặt 3 dẫn lưu theo dõi (1 dưới gan, 1 Douglas, 1 hố lách) và đóng bụng 2 lớp mũi rời.
Sau mổ bệnh nhân được truyền dịch, kháng sinh, thay băng vết mổ, theo dõi dịch qua dẫn lưu và cắt chỉ vết mổ sau 10 ngày. Bệnh nhân Son ổn định ra viện sau 12 ngày điều trị.
Tiến sỹ Phạm Văn Tác, Cục trưởng Cục khoa học công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế) đánh giá trong thời gian ngắn về công tác tại bệnh viện, bác sỹ Cảnh đã phát huy được năng lực của mình, chẩn đoán đúng cho một ca bệnh rất hiếm khi gặp và xử lý phẫu thuật viêm phúc mạc toàn thể tiên phát thành công cho một bệnh nhân. Đây là một kỹ thuật khó nhưng đã được bác sỹ trẻ thực hiện thành công tại bệnh viện tuyến huyện, bệnh nhân không phải chuyển lên tuyến trên điều trị.
“Việc các bác sỹ trẻ cắm chốt tại các bệnh viện tuyến huyện tại nhiều tỉnh trong thời gian qua đã chứng minh hiệu quả rõ rệt, nhất là trong giai đoạn phòng, chống dịch bệnh như dịch COVID-19. Điều đó cho thấy nếu các địa phương có đủ bác sỹ, trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất tại chỗ, khi có dịch bệnh xảy ra và phải cách ly, điều trị, y tế cơ sở tại các địa phương vẫn có thể hoàn toàn chủ động,” ông Phạm Văn Tác phân tích.
Về công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Quỳnh Nhai từ tháng 1/2019 đến nay, bác sỹ trẻ chuyên khoa I Ngoại Trần Hữu Cảnh đã thực hiện theo phân tuyến được 16 kỹ thuật, chuyển giao 7 kỹ thuật mới cho bệnh viện, thực hiện theo chương trình đào tạo 16 kỹ thuật. Trong thời gian công tác tại bệnh viện, vị bác sỹ trẻ này đã tham gia khám chẩn đoán và điều trị các ca bệnh nặng thuộc các chuyên khoa hồi sức cấp cứu, nội, nhi, sản, truyền nhiễm.
Nhiều kỹ thuật mới đã được bác sỹ Cảnh chuyển giao cho đơn vị sau khi đến công tác gồm: Phẫu thuật thoát vị bẹn bằng phương pháp đặt lưới, phẫu thuật thoát vị bẹn bằng phương pháp Bassini, bóc nang nước thừng tinh/nang màng tinh hoàn, cắt trĩ theo phương pháp Milligan morgan, phẫu thuật mở thông bàng quang trên xương mu…
Bác sỹ trẻ “tiếp lửa” y tế vùng cao
Tại Bệnh viện Đa khoa huyện Quỳnh Nhai có 7 bác sỹ trẻ thuộc dự án thí điểm bác sỹ trẻ tình nguyện về công tác tại vùng khó khăn (dự án 585), trong đó có 1 bác sỹ của Bệnh viện K Trung ương (bác sỹ Trần Hữu Cảnh), 1 bác sỹ của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên (Đàm Thanh Huyền) và 5 bác sỹ của Bệnh viện Đa khoa huyện đủ điều kiện tham gia dự án đang đi học. Hiện tại, bệnh viện đã tiếp nhận bác sỹ Cảnh chuyên khoa I về chuyên ngành ngoại và bác sỹ Huyền chuyên khoa I về chẩn đoán hình ảnh.
Bác sỹ La Thị Yêu, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Quỳnh Nhai cho hay từ khi tiếp nhận bác sỹ trẻ về bệnh viện công tác (tháng 1/2019) bệnh viện như được tiếp thêm sức mạnh. Các bác sỹ trẻ tham gia trực hàng tuần, tham gia gây mê hồi sức, mổ cấp cứu, mổ phiên hàng trăm ca cho bệnh nhân và điều trị các bệnh ngoại khoa, hỗ trợ chuyên môn cho một số khoa lâm sàng.
Qua hơn 1 năm về công tác, các bác sỹ trẻ đã triển khai chuyên môn về chẩn đoán hình ảnh, công tác chụp X-quang của bệnh viện tăng 26%, siêu âm tăng 30% so với trước khi có bác sỹ đến tăng cường. Bệnh viện cũng đã triển khai được 6 kỹ thuật mới về chẩn đoán hình ảnh từ bác sỹ trẻ chuyển giao.
Bà Nguyễn Thị Kim An, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sơn La cho biết toàn tỉnh hiện có 80% trạm y tế xã có bác sỹ, nhiều nơi cơ sở vật chất và trình độ chuyên môn của các y bác sỹ vẫn còn nhiều hạn chế. Đáp ứng điều kiện của Dự án 585 của Bộ Y tế, tỉnh Sơn La có 26 bác sỹ trẻ đào tạo theo dự án về công tác. Hiện tại, tỉnh mới tiếp nhận 4 bác sỹ trẻ ở Trung ương về công tác, trong đó ở huyện Quỳnh Nhai có 2 bác sỹ và Bệnh viện đa khoa huyện Sốp Cộp có 1 bác sỹ.
Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Sơn La đề nghị dự án tiếp tục triển khai đào tạo chất lượng bác sỹ nhằm hỗ trợ người dân địa phương được tiếp cận những kỹ thuật cao trong chăm sóc sức khỏe.
Tiến sỹ Phạm Văn Tác, Cục trưởng Cục khoa học công nghệ và đào tạo, Giám đốc Dự án Thí điểm đưa bác sỹ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn cho biết hiện nay Sơn La là một trong những địa phương có số bác sỹ trẻ tình nguyện về công tác nhiều nhất, với 26 người.
Qua báo cáo của các Sở Y tế có huyện nghèo cho thấy nhu cầu bác sỹ tại 62 huyện nghèo là khoảng 600 bác sỹ thuộc 15 chuyên khoa trong đó 7 chuyên khoa có nhu cầu nhiều nhất là nội (53), ngoại (49), sản (55), nhi (44), hồi sức cấp cứu (47), truyền nhiễm (35), chẩn đoán hình ảnh (33) với tổng số là 316 bác sỹ.
Dự án 585 được Bộ Y tế quyết định triển khai thực hiện vào tháng 2 năm 2013 với mục tiêu đảm báo tính bền vững nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, theo đó tới năm 2020 sẽ đưa khoảng 300 đến 500 bác sỹ trẻ về công tác tại các địa bàn khó khăn.
Thời gian qua, dự án đã và đang đào tạo cho 354 bác sỹ trẻ tại Trường Đại học Y Hà Nội, Trường Đại học Y-Dược Huế và Trường Đại học Y-Dược Hải Phòng, thuộc 10 chuyên ngành: Nội, ngoại, sản, nhi, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, gây mê hồi sức, hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm và y học cổ truyền. Trong số đó có 310 bác sỹ tại chỗ và 44 bác sỹ đã được biên chế tại các bệnh viện Trung ương.
Dự án thí điểm bác sỹ trẻ tình nguyện là bước đột phá của ngành y tế trong việc tiến tới bảo đảm đủ số lượng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ở địa phương còn khó khăn.
Thời gian qua, dự án đã góp phần để người nghèo, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng, hạn chế chuyển tuyến điều trị không cần thiết, góp phần giảm quá tải ở các bệnh viện tuyến trên, tránh lãng phí cho người dân, cộng đồng và xã hội./.