Đổi thay ở các miền quê
Bằng việc huy động tốt mọi nguồn lực xã hội, phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, những năm qua, khắp các miền quê trên địa bàn tỉnh đã có những đổi thay rõ nét. Diện mạo làng quê khang trang, môi trường, cảnh sắc sáng, xanh, sạch, đẹp. Đặc biệt, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao.
Bằng việc huy động tốt mọi nguồn lực xã hội, phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, những năm qua, khắp các miền quê trên địa bàn tỉnh đã có những đổi thay rõ nét. Diện mạo làng quê khang trang, môi trường, cảnh sắc sáng, xanh, sạch, đẹp. Đặc biệt, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao.
Năm 2020, Xuân Khê (Lý Nhân) là xã đầu tiên của tỉnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Chia sẻ về những đổi thay trên quê hương, bà Ngô Thị Điểm, 75 tuổi, thôn Lưỡng Xuyên, xã Xuân Khê vui vẻ nói: Nông thôn mới ngày nay đổi thay rất nhiều so với nông thôn ngày trước. Xưa, đường thôn, ngõ xóm nhỏ bé, lầy lội, tối tăm. Trong thôn, nhiều nhà tranh vách đất. Làm ruộng ngày ấy cực nhọc lắm. Cầy cuốc, cấy gặt, gồng gánh… đều sức người nai ra làm. Vất vả, khó khăn là vậy, nhưng cơm không đủ ăn, phải độn khoai, độn sắn. Tháng ba, ngày tám thóc gạo trong bồ trống rỗng, nhiều nhà phải đi vay, đi mượn… Giờ thì khác lắm rồi! Những người con xa quê lâu ngày lần nào trở về cũng ngỡ ngàng trước sự đổi thay của quê hương. Đường làng, ngõ xóm được bê tông rộng rãi, phẳng nhẵn, có đèn đường thắp sáng vào ban đêm, có lắp camera an ninh nhằm bảo đảm, giữ gìn an ninh trật tự. Bên đường, nhân dân trồng hoa, cây cảnh rực rỡ sắc màu.
Đặc biệt, những năm qua, vấn đề vệ sinh môi trường nông thôn được người dân quan tâm chú trọng. Để giữ gìn môi trường sống sáng – xanh - sạch – đẹp mọi người thường xuyên tự giác tham gia các buổi tổng vệ sinh đường làng ngõ xóm. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, ý thức, trách nhiệm của người dân trong phong trào xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu được nâng lên rõ rệt. Người dân hiến đất, dịch giậu mở rộng đường thôn xóm; người dân đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi; các hộ dân tự giác xây bể, phân loại rác thải tại nguồn để hạn chế lượng rác thải xả ra môi trường. Ở thôn quê, giờ không còn tình trạng vứt rác thải bừa bãi ra đường, ra những khu đất trống…; đường chung qua ngõ nhà ai, nhà đó có tránh nhiệm vệ sinh, giữ gìn sạch sẽ…
Cùng với sự thay đổi diện mạo của làng quê, đời sống vật chất, tinh thần của người dân cũng không ngừng được cải thiện, nâng cao. Người dân giờ không còn lo đủ ăn, mà lo sao hằng ngày có những bữa cơm ngon miệng cho cả gia đình. Phần đông các hộ gia đình đều sắm được ti vi, tủ lạnh, điều hòa, máy giặt… phục vụ cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Để rèn luyện sức khỏe, chiều đến mọi người tham gia luyện tập thể dục thể thao tại sân nhà văn hóa… Tôi năm nay đã 75 tuổi nhưng chiều nào cũng luyện tập bóng chuyền hơi, tối tập dưỡng sinh, hôm tập văn nghệ… Quê hương giờ đổi thay nhiều, người dân quê rất phấn khởi và luôn tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, của Nhà nước trong thời kỳ mới.
Đoạn đường sáng - xanh - sạch - đẹp kiểu mẫu ở thôn Lũng Xuyên, xã Xuân Khê (Lý Nhân). Ảnh: Thanh Châu
Cùng chung niềm vui trước sự đổi thay của quê hương, ông Trần Xuân Hòe, Trưởng thôn Lưỡng Xuyên bộc bạch: Thôn Lưỡng Xuyên có trên hai trăm hộ dân, giờ chỉ còn 4 hộ nghèo bất khả kháng. Thôn không còn nhà không an toàn; nhà mái bằng, cao tầng “mọc lên” san sát. Thu nhập bình quân đầu người 6 tháng đầu năm 2023 đạt trên 38 triệu đồng. Hiện không chỉ nhà văn hóa thôn mà tại 10 điểm trên đường thôn đã được lắp wifi miễn phí, đáp ứng nhu cầu truy cập thông tin của người dân… Chung tay xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu người dân giờ đã xác định rõ mình chính là chủ thể trong phong trào - “dân làm, dân thụ hưởng”. Từ việc xác định rõ được chủ thể trong phong trào, người dân luôn nêu cao ý thức trách nhiệm, tự giác, tích cực hưởng ứng thực hiện các phong trào thi đua yêu nước do địa phương, các cấp, các ngành phát động. Nhận thức rõ: Xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, bên cạnh việc hoàn thiện, giữ vững và phát huy những tiêu chí, chỉ tiêu đã đạt được trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, người dân thôn Lưỡng Xuyên giờ đang tập trung hoàn thiện các chỉ tiêu, tiêu chí trong xây dựng thôn thông minh…
Không chỉ thôn Lưỡng Xuyên, những năm qua, thực hiện phong trào chung tay xây dựng nông thôn mới khắp các miền quê trên địa bàn tỉnh đều có sự đổi thay tích cực. Bằng nỗ lực và quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân đến hết năm 2020, tỉnh ta có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, 6/6 huyện, thành phố, thị xã được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Năm 2020, Hà Nam là địa phương thứ 4 của cả nước được Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Riêng nông thôn mới kiểu mẫu, tính đến nay trên địa bàn tỉnh có 19 xã được công nhận là xã nông thôn mới kiểu mẫu (gồm: Xuân Khê, Nhân Bình, Đức Lý, Nhân Chính, Hợp Lý huyện Lý Nhân; Thanh Sơn, Thi Sơn, Nguyễn Úy, Nhật Tựu huyện Kim Bảng; An Đổ, Vũ Bản huyện Bình Lục; Mộc Bắc, Mộc Nam thị xã Duy Tiên; Phù Vân, Liêm Tiết, Kim Bình thành phố Phủ Lý; Thanh Nguyên, Liêm Phong, Thanh Tâm huyện Thanh Liêm).
Phát huy kết quả đã đạt được, hiện các địa phương trong tỉnh vẫn đang tiếp tục quan tâm và đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân; động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân đoàn kết, chung sức đồng lòng thực hiện thắng lợi các mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021 - 2025 đã đề ra, đó là: Đến năm 2025, phấn đấu có ít nhất 35 xã đạt nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; có 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (huyện Bình Lục); duy trì, giữ vững kết quả tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới theo quy định của Chính phủ giai đoạn 2021-2025; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng 1,5 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo chung đa chiều còn khoảng 1,56%; tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt trên 95%; tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung đạt 90%; tỷ lệ rác thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom đạt 98% (trong đó được xử lý đạt 95-98%), chất thải rắn không nguy hại trên địa bàn được thu gom, xử lý theo quy định đạt 95%…