Đổi thay ở làng Chăm Xuân Hưng
Đồng bào Chăm ở xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai sống tập trung ở ấp 4 với gần 3000 nhân khẩu, 100% đồng bào theo đạo Islam (Hồi giáo).
Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với các chương trình, chính sách đầu tư vào ấp 4 trong thời gian qua đã tạo “sức bật” để bà con tự vươn lên phát triển kinh tế.
Trong những ngày cuối cùng của năm Nhâm Dần, chúng tôi có dịp ghé thăm ngôi làng của bà con người Chăm tại xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc - làng Chăm lớn nhất của tỉnh Đồng Nai. Đứng trên gác cao của ngôi nhà văn hóa làng Chăm vừa khánh thành với nhiều họa tiết hoa văn tinh xảo, giáo cả AbDo HaMid phấn khởi giới thiệu cho chúng tôi về ngôi làng của mình.
Theo lời giáo cả AbDo HaMid, vào đầu những năm 1970 bà con người Chăm ở nhiều nơi như An Giang, Tây Ninh, TP.HCM, Campuchia về Xuân Hưng định cư, lập làng, sinh sống. Ngày ấy, núi rừng bao bọc cả ngôi làng, nhà cửa đều làm bằng nhà gỗ, lợp lá buông, đường sá sình lầy. Thế nhưng, được sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương, bà con ấp Chăm đã thay đổi cách nghĩ, cách làm, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để trồng cây lâu năm, phát triển chăn nuôi.
Vùng đất hoang sơ khi xưa giờ đã phủ xanh một màu xanh của cây trái. Hiện nay tổng diện tích trồng thanh long ở làng Chăm đã lên đến trên 130ha. Đồng bào Chăm đã mạnh dạn chuyển đổi từ cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây thanh long.
Gia đình anh Saphi Y trước đây trồng lúa, từ khi được cán bộ nông nghiệp hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, anh đã vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội để trồng thanh long, xoài, kết hợp với các cây nông nghiệp khác.
“Gia đình tôi trồng thanh long được 8 công. Trước khi trồng thanh long, tôi có tìm hiểu, học hỏi cách trồng, xã cũng cử cán bộ xuống hướng dẫn cách chăm sóc thanh long, bên cạnh đó, tôi cũng học hỏi thêm kinh nghiệm từ bà con trồng thanh long đạt hiệu quả”, anh Saphi Y nói.
Ông Abtu Kholick đang tưới nước cho vườn thanh long chia sẻ, trước đây gia đình ông chỉ trồng lúa. Năm 2017, ông mạnh dạn vay vốn ưu đãi 100 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện để chăn nuôi bò và chuyển đổi 2ha đất trồng lúa, rau màu kém hiệu quả sang trồng thanh long ruột đỏ. Nhờ chịu khó chăm sóc, nên vườn thanh long của gia đình ông luôn tươi tốt cho năng suất cao.
“Hồi mới đầu chưa biết trồng thì kém, giờ cũng có được 500 trụ rồi. Chỗ đó cũng được 3 năm rồi, bây giờ trồng tiếp. Nói chung một tháng cũng kiếm được 50-60 triệu, cũng tùy theo thời vụ”, ông Abtu Kholick cho hay.
Ngoài gia đình anh Abtu Kholick, ấp 4 còn có nhiều hộ thu nhập vài trăm triệu đồng đến cả tỷ đồng mỗi năm. Điển hình như gia đình chị Tah có hơn 10ha đất trồng thanh long ruột đỏ, mỗi năm thu nhập cả tỷ đồng; hộ chị Siti Aminah, từ nghèo khó nay có đàn bò lên tới cả trăm con...Thu nhập bình quân một năm của bà con là trên 60 triệu đồng.
Theo ông Phạm Ngọc Lộc, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Xuân Lộc, ấp có trên 700 thanh niên đi làm công nhân ở các khu công nghiệp với mức lương từ 7-12 triệu đồng mỗi tháng. Nhờ có việc làm cho thu nhập ổn định, đời sống người dân đã cải thiện đáng kể. Năm 2010, ấp 4 có đến 226 hộ nghèo, đến nay, chỉ còn 15 hộ nghèo trên tổng số hơn 500 hộ. Tất cả trẻ em đều được đến trường từ mẫu giáo đến THPT. Bộ mặt nông thôn đã khang trang hơn trước rất nhiều.
“Chính quyền huyện Xuân Lộc đã thực hiện nhiều chính sách phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc Chăm. Đầu tư hệ thống điện, đường, trường trạm, nước sạch, hỗ trợ vốn vay ưu đãi để đồng bào phát triển sản xuất. 100% hộ dân được sử dụng điện sinh hoạt gia đình, việc chăm sóc sức khỏe được duy trì thường xuyên, vệ sinh môi trường được cải thiện”, ông Lộc cho biết.
Ông AbDo HaMid, Giáo cả làng Chăm ấp 4 cho biết, từ chỗ làm ăn có hiệu quả, người Chăm tích cực hưởng ứng các phong trào do địa phương phát động, đặc biệt là phong trào Xây dựng gia đình văn hóa, Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Đến nay ấp đã có một thánh đường to đẹp và một Nhà văn hóa khang trang phục vụ các hoạt động sinh hoạt của bà con.
“Hiện tại đời sống bà con rất phát triển, có con em đi làm công ty xí nghiệp. Chúng tôi vẫn duy trì lớp học giáo lý để không cho các em mất bản sắc dân tộc. Bên cạnh đó vẫn duy trì các lớp múa ở nhà văn hóa để các em không mất đi bản sắc văn hóa dân tộc của người Chăm. Đảng nhà nước đã xây nhà tình thương, tặng dê, bò để bà con nuôi. So với mặt bằng chung đời sống bà con ấp 4 bây giờ phát triển hơn xưa nhiều”, ông AbDo HaMid chia sẻ.
Khi cuộc sống ổn định, trình độ dân trí được nâng cao. Hiện trong làng đã có 2 đại biểu HĐND cấp huyện; trên 850 đoàn viên thanh niên, gần 150 hội viên nông dân và trên 500 hội viên phụ nữ và 3 đoàn viên ưu tú được đứng vào hàng ngũ của Đảng.
Đến ấp 4 xã Xuân Hưng hôm nay, mỗi người đều cảm nhận được sự thay da đổi thịt từng ngày. Nhiều ngôi nhà mới khang trang được mọc lên dọc theo những tuyến đường bê tông thẳng tắp nối liền làng Chăm với làng Stiêng và khu vực người Kinh trong xã. Thành quả ấy chính là kết tinh của sự đoàn kết, nỗ lực vươn lên, chung sức, chung lòng cùng chính quyền địa phương xây dựng quê hương ngày thêm khang trang giàu đẹp./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/doi-thay-o-lang-cham-xuan-hung-post996072.vov