Đổi thay ở một vùng quê cách mạng
Đến nay, giá trị sản xuất công nghiệp bình quân tăng 13,5%/năm. Các ngành thương mại, dịch vụ tăng trưởng khá, phát triển đa dạng, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống nhân dân. Tốc độ tăng giá trị ngành dịch vụ bình quân hàng năm 8,01%/năm. Tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt 265 triệu USD (ước thực hiện năm 2020), tăng bình quân 51,2%/năm. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Trong khí thế sôi nổi kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, chúng tôi về huyện Trực Ninh - một vùng quê giàu truyền thống văn hóa và cách mạng. Kế thừa truyền thống của quê hương, vùng quê cách mạng này đang chuyển mình mạnh mẽ.
Từ một vùng quê giàu truyền thống cách mạng…
Chúng tôi về xã Trực Tuấn - nơi khởi nguồn của phong trào cách mạng và là nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Trực Ninh. Ngã ba khu vực cây gạo Cầu Cao, thôn Nam Lạng vẫn còn đó như một nhân chứng lịch sử. Nơi đây trong những năm tháng khó khăn của cách mạng, dưới sự khủng bố gắt gao của kẻ thù, đêm 10-12-1929, lá cờ đỏ búa liềm đã được treo trên đỉnh cây gạo Cầu Cao, tung bay trước gió như khẳng định về vai trò lãnh đạo của Đảng đối với phong trào cách mạng, mang lại niềm tin cho nhân dân. Năm 1928, Chi bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội đầu tiên của huyện được thành lập, gồm 3 thành viên do nhà giáo Phạm Gia - người quê Thanh Trì (Hà Nội) về dạy học và sớm tham gia hoạt động cách mạng làm chi hội trưởng. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chi bộ, phong trào quần chúng ở các thôn Cát Chử, Hương Cát phát triển sôi nổi. Tháng 8-1945, thôn Nam Lạng được Tỉnh ủy Nam Định và Huyện ủy Trực Ninh khi đó chọn làm địa điểm chuẩn bị và tập trung lực lượng quần chúng yêu nước của xã và khu vực lân cận tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền phủ Trực Ninh. Đến chiều ngày 17-8-1945, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền hoàn toàn thắng lợi, lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới trên nóc phủ Trực Ninh. Từ đây, khí thế giành chính quyền về tay nhân dân lan tỏa mạnh mẽ tới các địa bàn khác trên toàn tỉnh, góp phần cùng quân và dân cả nước làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Với bề dày lịch sử và truyền thống cách mạng, huyện Trực Ninh có vị trí quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong các cuộc kháng chiến, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, 15.035 người con quê hương Trực Ninh đã lên đường tham gia quân đội, du kích, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong. Trong đó có 3.031 người đã anh dũng hy sinh được công nhận là liệt sĩ; 6.193 thương, bệnh binh. Đến nay, toàn huyện đã có 218 bà mẹ được truy tặng, phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; 3 Anh hùng LLVT nhân dân. Với những thành tích đặc biệt đó, nhân dân, LLVT huyện Trực Ninh và 14 xã, thị trấn trong huyện đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng LLVT nhân dân thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp”… Quân và dân huyện Trực Ninh đã có nhiều đóng góp về sức người, sức của cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước kia cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
… Đến những bước đổi thay hôm nay
Từ một huyện nghèo, cơ sở hạ tầng còn lạc hậu; đời sống của đại đa số nhân dân còn nhiều khó khăn…, đến nay bộ mặt nông thôn Trực Ninh đã có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được nâng lên. Đặc biệt là từ sau khi tái lập huyện năm 1997 đến nay, Trực Ninh nhận được sự quan tâm của Trung ương, tỉnh, hàng chục nghìn tỷ đồng được đầu tư vào xây dựng kết cấu hạ tầng, trong đó tập trung đầu tư hệ thống giao thông từ huyện đến trung tâm các xã, thôn được thông suốt. Huyện đã tận dụng những tiềm năng, lợi thế của địa phương, khơi dậy các nguồn lực đầu tư để xây dựng huyện ngày càng giàu mạnh và đạt được những kết quả khá toàn diện. Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá; tốc độ tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản bình quân 2,25%/năm. Giá trị sản phẩm bình quân trên 1ha canh tác tăng từ 106,1 triệu đồng (năm 2016) lên 115,8 triệu đồng (ước thực hiện năm 2020). Cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi, dịch vụ; giảm tỷ trọng trồng trọt. Các mô hình sản xuất nông sản hàng hóa theo chuỗi liên kết giá trị đảm bảo an toàn thực phẩm tiếp tục được duy trì và phát huy hiệu quả. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được quan tâm triển khai; đã có 3 sản phẩm được công nhận đạt hạng 4 sao, 14 sản phẩm đang đề nghị xếp hạng. Huyện cũng đã triển khai quyết liệt, đồng bộ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị đặc biệt là vai trò của chi bộ đảng, của thôn xóm, vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM. Tổng kết 10 năm (2010-2020) thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, nhân dân đã góp hàng chục nghìn ngày công, hiến hơn 320ha đất để xây dựng đường giao thông, thủy lợi nội đồng; toàn huyện đã huy động hơn 2.003 tỷ đồng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, trong đó, trên 70% là các nguồn xã hội hóa và đóng góp của nhân dân. Huyện Trực Ninh được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn NTM năm 2017 và là một trong 3 huyện đạt chuẩn NTM đầu tiên của tỉnh, hoàn thành trước 3 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXIV đề ra.
Huyện cũng đã chỉ đạo các địa phương khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực; thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Đến nay, giá trị sản xuất công nghiệp bình quân tăng 13,5%/năm. Các ngành thương mại, dịch vụ tăng trưởng khá, phát triển đa dạng, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống nhân dân. Tốc độ tăng giá trị ngành dịch vụ bình quân hàng năm 8,01%/năm. Tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt 265 triệu USD (ước thực hiện năm 2020), tăng bình quân 51,2%/năm. Huyện tập trung xây dựng và triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; quy hoạch xây dựng vùng huyện Trực Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hệ thống kết cấu hạ tầng trong toàn huyện được tập trung đầu tư xây dựng mới và cải tạo, nâng cấp, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân. Đến nay, toàn huyện đã đầu tư làm mới, nâng cấp, cải tạo 28,82km đường quốc lộ, tỉnh lộ và đường trục huyện; 203,8km đường giao thông nông thôn; xây mới, sửa chữa 5,5km đê; cứng hóa 12,3km mặt đê; kiên cố hóa 18,17km kênh cấp 1, cấp 2; 140m kênh cấp 3; xây mới 329 phòng học, sửa chữa, nâng cấp 227 phòng học, phòng chức năng, với tổng giá trị hơn 310 tỷ đồng; xây dựng nhà văn hóa, khu trung tâm văn hóa - thể thao, đáp ứng yêu cầu học tập, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao của nhân dân. Các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, quốc phòng - an ninh được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm xây dựng bộ máy chính quyền bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
Có thể thấy, với sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh và bằng nội lực của chính mình, Trực Ninh đang dần chuyển mình góp phần xây dựng quê hương Anh hùng ngày càng phát triển, ấm no./.
Bài và ảnh:Hoàng Tuấn