Đổi thay ở Nậm Xé
Nậm Xé là xã vùng cao nằm ở phía Bắc của huyện Văn Bàn, cách trung tâm huyện khoảng 40 km. Nơi đây có di tích đồn Khau Co - căn cứ kháng chiến quan trọng của quân đội ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, giải phóng Văn Bàn. Vùng quê cách mạng Nậm Xé giờ đây đổi thay từng ngày.
Đồn Khau Co nằm trên khu vực đèo Khau Co, đường đèo hai phía Văn Bàn và Than Uyên đều rất hiểm trở. Đỉnh đèo cao 1.200 m so với mặt nước biển, là vị trí “yết hầu” trên tuyến đường vào tỉnh Lai Châu trước đây, ranh giới giữa hai huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai và huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu.
Di tích “Chiến thắng đồn Khau Co”, xã Nậm Xé là một trong những địa điểm diễn ra trận đánh quan trọng, mưu trí, táo bạo trước ngày Bác Hồ phát lệnh toàn quốc kháng chiến. Chính tại nơi này, tháng 10/1946 diễn ra trận tấn công đồn Khau Co ác liệt của quân và dân huyện Văn Bàn; là nơi ghi dấu sự hy sinh anh dũng của quân và dân Văn Bàn để làm nên những chiến thắng vang dội trong sự nghiệp đấu tranh chống thực dân Pháp, giải phóng Văn Bàn.
Dù thời gian đã phủ mờ, xóa nhòa mọi dấu vết của trận đánh tại thực địa, nhưng với ông Lý A Kho, sinh năm 1938 - người trực tiếp tham gia trận đánh - mỗi lần nhớ lại đều cảm thấy bồi hồi. Năm đó, Lý A Kho là thiếu niên người dân tộc Mông xanh ở bản Tu Hạ, đã dẫn đường cho mũi tiến quân qua các bản, rồi luồn rừng, vượt suối hơn 3 giờ đồng hồ, cùng với 2 mũi tiến quân khác bất ngờ tấn công đồn Khau Co. Do chủ quan, chỉ chú ý bố trí quân phòng chặn đánh tuyến đường từ hướng Nậm Xé lên, quân Pháp ở đồn Khau Co thua đau, phần lớn bị tiêu diệt hoặc bị bắt làm tù binh, chỉ có 2 tên quan Pháp chỉ huy được quân địch yểm trợ cứu thoát.
Hồi tưởng lại trận đánh năm nào, ông Lý A Kho chia sẻ: Sau trận đánh, quê hương Văn Bàn được giải phóng, đồng bào các dân tộc địa phương được tự do, khắp bản trên xóm dưới ai cũng vui mừng phấn khởi. Từ đây, bà con người Mông một lòng đi theo Đảng, theo cách mạng, chung sức xây dựng quê hương.
Tự hào là vùng căn cứ cách mạng trong kháng chiến chống Pháp, những năm qua, người dân Nậm Xé luôn đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Diện mạo nông thôn nơi đây đổi thay từng ngày, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc được nâng lên. Những tuyến đường trục thôn, liên thôn được đổ bê tông. Những ngôi nhà xây kiên cố, lợp mái tôn dần thay thế những ngôi nhà cũ ngả màu thời gian. Dọc đường vào thôn, xóm, những thửa ruộng bậc thang vàng ươm phủ kín các sườn đồi một màu no ấm.
Thôn Ta Náng có 85 hộ, với 255 nhân khẩu là người dân tộc Dao, Mông, hầu hết các ngôi nhà trong thôn được xây dựng kiên cố, khang trang. Chị Triệu Thị Mủi, Bí thư Chi bộ thôn cho biết: Phát huy truyền thống cách mạng, không cam chịu đói nghèo, người dân trong thôn chăm chỉ lao động, sản xuất để làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Các mô hình chăn nuôi trâu, bò, dê theo hướng hàng hóa được áp dụng cho thu nhập cao. Cuộc sống của đồng bào thay đổi rõ rệt, nhiều gia đình xây dựng được nhà mới. Trẻ em trong thôn đều được đến trường đúng độ tuổi, các dịch vụ y tế cũng rất thuận lợi, cả thôn được sử dụng điện lưới quốc gia. Hiện tại, Ta Náng chỉ còn 19 hộ nghèo, cận nghèo.
Đảng bộ, chính quyền xã Nậm Xé đã tập trung phát triển kinh tế, đưa đời sống Nhân dân ngày càng cao. Ngoài duy trì diện tích cây lương thực, chính quyền xã vận động người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng hàng hóa. Xã hiện có 100 ha măng sặt, cho nguồn thu hơn 1,5 tỷ đồng/năm; 50 ha quế từ 1 - 3 năm tuổi; tổng đàn gia súc, gia cầm hơn 22 nghìn con. Bên cạnh đó, xã vận động người dân thực hiện tốt công tác khoán bảo vệ rừng (diện tích rừng đặc dụng hơn 15.000 ha). Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người hiện đạt 31,8 triệu đồng/năm.
Cùng với việc phát triển kinh tế, chính quyền xã chú trọng chăm lo đời sống Nhân dân, nâng cao trình độ dân trí. Xã hiện có 3 trường học các cấp với gần 500 học sinh, các nhà trường rất chú trọng nâng cao chất lượng dạy và học.
Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả. Đến nay, xã đã đạt 7/19 tiêu chí nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo theo tiêu chí mới còn gần 40%; tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%; hơn 69% hộ có chuồng nuôi gia súc; 100% thôn có nhà văn hóa…
Ông Ma Văn Bằng, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Xã hiện có 3 thôn, với 257 hộ, chủ yếu đồng bào Mông, Dao. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được nâng lên. Hầu hết số hộ trong xã đã mua sắm được xe máy và tiếp cận được các dịch vụ y tế, truyền thanh, truyền hình. Nậm Xé đang triển khai nhiều giải pháp trong xây dựng nông thôn mới, người dân trong xã rất đồng lòng, phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức xây dựng địa phương giàu mạnh, xứng đáng là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng.
Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/doi-thay-o-nam-xe-post373001.html