Đổi thay ở vùng đất Chiến khu Đ

Một ngày cuối tháng 8/2024, chúng tôi về thăm vùng đất Chiến khu Đ (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai), nơi có nhiều di tích lịch sử. Vùng đất này đang đổi thay từng ngày, với các mô hình kinh tế hiệu quả, xóm làng trù phú, nhất là đề án du lịch sinh thái ven hồ Trị An đang thu hút các nhà đầu tư, góp phần nâng cao đời sống người dân.

Chi hội Nhà báo Thường trú tại tỉnh Đồng Nai du lịch về nguồn tại Chiến khu Đ.

Chi hội Nhà báo Thường trú tại tỉnh Đồng Nai du lịch về nguồn tại Chiến khu Đ.

Kiêu hãnh rừng chiến khu

Theo chân anh Phạm Ngọc Vũ - Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Khu di tích Trung ương Cục miền Nam, chúng tôi lội bộ vào rừng Chiến khu Đ. Trên con đường mòn vào rừng dài hàng chục cây số, dọc hai bên đường có nhiều loài cây gỗ bản địa như bằng lăng, gõ đỏ, cây dầu cao 40 - 50 m, vài người ôm không xuể, tán rộng đan kết tạo thành màu xanh ngút ngàn, căng tràn sức sống. Từng tia nắng ban mai xuyên qua những tán lá còn ướt đẫm sương đêm, tiếng gió vi vu hòa cùng tiếng chim hót, bầy khỉ chuyền cành làm xao động cả một góc rừng. Càng đi sâu vào trong, chúng tôi cảm nhận được “hơi thở” của rừng xanh và sự phi thường của thế hệ cha anh đã sống, chiến đấu, đương đầu với bom đạn ác liệt thời chiến tranh.

Dẫn chúng tôi đến Khu di tích căn cứ Trung ương Cục miền Nam, anh Vũ chia sẻ: Di tích nằm cặp theo sông Mã Đà, suối Nhung, suối Mum. Đặc biệt, trong giai đoạn 1961 - 1962, giữa cánh rừng Chiến khu Đ rộng lớn, Đảng ta chọn làm nơi đứng chân của Trung ương Cục miền Nam. Sau nhiều lần được đầu tư, tôn tạo, di tích căn cứ Trung ương Cục miền Nam hiện có các công trình như Nhà bia chính, Nhà trưng bày hiện vật, Đền tưởng niệm, Đền thờ liệt sĩ Mã Đà, Tượng đài Chiến sĩ Giải phóng quân, Nghĩa trang liệt sĩ Mã Đà, 12 bia ban ngành, nhà trưng bày và một số ban trực thuộc Bộ Chỉ huy Quân giải phóng, Ban Bảo vệ an ninh, Ban Tuyên huấn, Ban Tổ chức, Ban Thông tin liên lạc cùng nhà làm việc, giao thông hào, hầm trú ẩn. Đây là căn cứ bí mật chở che cho nhiều nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước từng sống, chiến đấu trong giai đoạn đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ gian khổ.

Rời căn cứ Trung ương Cục miền Nam, chúng tôi được chị Nguyễn Thu Thủy, hướng dẫn viên du lịch đưa đi thăm Khu ủy miền Đông Nam Bộ tọa lạc giữa đồi đất sỏi, khá bằng phẳng với diện tích hơn 28 ha. Toàn bộ khu đồi được bao phủ bởi rừng nguyên sinh dày đặc, có hệ thống giao thông hào dài 569 m, sâu nửa mét, chia làm ba tuyến gồm: Tuyến phòng thủ vòng trong, vòng ngoài và tuyến phục vụ cho việc canh gác.

Chị Thu Thủy xúc động xen lẫn tự hào: “Hệ thống địa đạo liên hoàn, đường địa đạo có nhiều khúc cua, quanh co, có các ngã ba nối liền với nhau dẫn lên các miệng địa đạo tại các cửa hầm. Đó là minh chứng sống động cho một thời đấu tranh oanh liệt, hào hùng của quân và dân ta”.

Khách du lịch trải nghiệm du thuyền trên lòng hồ Trị An. Ảnh Nguyễn Dũng

Khách du lịch trải nghiệm du thuyền trên lòng hồ Trị An. Ảnh Nguyễn Dũng

Sức sống mới

Trở ra trung tâm xã Mã Đà, chúng tôi lên xuồng máy của ngư dân dạo một vòng quanh lòng hồ Trị An để cảm nhận nhịp sống của bà con làng chài. Giữa mênh mông sóng nước, nhiều tốp ngư dân đang quăng chài, kéo lưới, người hối hả vớt từng mẻ cá tươi rói đưa lên khoang thuyền, người hì hục bơi thuyền đi tìm luồng cá.

Bà con trong vùng cho biết, ngoài đánh bắt thủy sản trên hồ, họ còn chú tâm bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản với khoảng 700 lồng, bè, ao nuôi các loại cá trắm, diêu hồng, lăng, mè… nên kinh tế của nhiều gia đình có của ăn, của để. Trong đó, gia đình anh Long Phương (ngụ ấp 1, xã Mã Đà), khoảng 30 năm về trước từ giã cuộc sống lênh đênh trên sóng nước Biển Hồ (Vương quốc Campuchia) về cư ngụ trên lòng hồ Trị An. Hằng ngày, vợ chồng anh Phương bơi thuyền gỗ ra hồ để kéo lưới, bắt cá, bán kiếm tiền đong gạo, phục vụ cuộc sống sinh hoạt. Vừa cất mẻ lưới cuối cùng trong ngày, anh Long Phương cười giòn tan: “Làm nghề này thường dựa vào kinh nghiệm để phán đoán luồng cá đi đâu, về đâu. Chim trời, cá nước nên có hôm may mắn bắt được nhiều, kiếm cũng 500 nghìn đồng, còn bữa ít thì vài ba trăm, bù qua đắp lại đủ trang trải cuộc sống, nuôi con ăn học”.

Sau khi lắc lư trên sóng nước bồng bềnh nửa giờ đồng hồ, chiếc xuồng máy đưa chúng tôi cập bờ. Do hẹn trước nên chúng tôi được các cán bộ dẫn đi tham quan xã Mã Đà để chứng kiến sự đổi thay trên vùng đất này.

Hiện Mã Đà có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tương đối hoàn chỉnh, trụ sở làm việc của UBND xã được xây mới, trạm y tế, trường học khang trang và hàng chục tuyến đường giao thông mở rộng, nhựa hóa, bê tông hóa. Anh cán bộ đi cùng, khoe: “Mã Đà thành lập năm 2003, khi đó đời sống bà con gặp nhiều khó khăn, thu nhập bình quân đầu người chỉ 5,3 triệu đ/năm, giờ đã hơn 93 triệu đ/năm, không còn cảnh nhà tranh tre, vách nứa, hộ nghèo. Xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017, phấn đấu trong năm 2024, hoàn thành các tiêu chí, đạt xã chuẩn nông thôn mới nâng cao”.

Theo anh Phạm Văn Nam - Phó chủ tịch UBND xã Mã Đà, nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền và người dân luôn đoàn kết, phát huy tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Hiện cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng thương mại, dịch vụ, thu ngân sách năm sau luôn cao hơn năm trước, cùng với các công trình điện, đường, trường, trạm được đầu tư, xã Mã Đà phấn đấu xây dựng vùng đất chiến khu cách mạng ngày càng giàu đẹp.

Khát vọng du lịch sinh thái

Trở lại chiến khu Đ lần này, chúng tôi được nghe câu chuyện thời sự hằng ngày của bà con trong vùng là “Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí ở ven hồ Trị An giai đoạn 2021 - 2030” được UBND tỉnh Đồng Nai thông qua vào tháng 12/2023. Đề án do Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai thực hiện, rộng hơn 4.600 ha, quy hoạch 37 tuyến du lịch, 22 khu với 50 điểm du lịch làm du lịch cộng đồng, dịch vụ vui chơi, giải trí, cắm trại.

Theo chia sẻ của anh Nguyễn Văn Tiến (sinh năm 1983) là chủ Khu du lịch Angel Village rộng 2 ha ven hồ Trị An, mấy năm về trước thấy mặt hồ đẹp, thoáng đãng nên mở khu du lịch. Mỗi dịp cuối tuần, khu du lịch đón từ 150 - 200 lượt khách đến trải nghiệm du thuyền, chèo thuyền, lái mô tô nước, cắm trại, hái trái cây ven hồ. Anh Tiến mong muốn Đồng Nai chú trọng đầu tư phát triển các dự án hạ tầng giao thông, giúp việc di chuyển khách du lịch được thuận tiện. Ngành chức năng quan tâm kêu gọi xã hội hóa, đầu tư vào các dự án du lịch, kèm theo đó là các thủ tục pháp lý phải được giải quyết nhanh gọn hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, giúp ngành du lịch địa phương phát triển.

Tuy nhiên, nhiều năm nay có nhiều hộ kinh doanh đã bỏ tiền mở điểm, khu du lịch tự phát nên chính quyền buộc phải cưỡng chế, tháo dỡ. Bà con tuân thủ và chấp hành quy định nhưng về lâu dài, họ mong muốn ngành chức năng của Đồng Nai có chính sách đặc thù, tạo điều kiện để tham gia làm du lịch vườn, du lịch sinh thái cộng đồng.

Chiều dần buông xuống hồ Trị An, chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Hoàng Hảo - Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, được thông tin: Đề án là tiền đề quan trọng để phát triển du lịch sinh thái rừng tại khu bảo tồn và hiện có 12 doanh nghiệp đăng ký thuê môi trường rừng để kinh doanh dịch vụ, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Ban giám đốc Khu bảo tồn đang hoàn thiện báo cáo những vướng mắc khi làm dự án, điều chỉnh quy mô, diện tích các công trình xây dựng trình UBND tỉnh, đưa ra giải pháp phù hợp, đẩy nhanh tiến độ của đề án, hướng tới phát triển bền vững vùng lòng hồ Trị An, thành niềm tự hào của Đông Nam Bộ.

Đề án có vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, đến năm 2030 sẽ thu hút 120.000 lượt khách/năm, doanh thu đạt 40 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho trên 1.580 lao động.

Nguyên Dũng

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/doi-thay-o-vung-dat-chien-khu-d-382641.html