Đổi thay ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi huyện Trạm Tấu
Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Các cấp chính quyền đã triển khai quyết liệt, hiệu quả các chính sách dân tộc, nên đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái có chuyển biến tích cực. Đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, kinh tế xã hội ngày càng phát triển.
Để có cái nhìn rõ nét hơn về sự thay đổi trên Phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn ông Khang A Chua, Phó Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái.
Được biết, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái là địa phương có đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Vậy đến nay các quy định về chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho các hộ dân người đồng bào dân tộc được các cấp chính quyền thực hiện ra sao, thưa ông?
Ông Khang A Chua: Trạm Tấu là huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái, có địa hình đồi núi dốc, khí hậu thời tiết hết sức khắc nghiệt. Dân số khoảng 35.935 người, chiếm 4,2 % dân số toàn tỉnh; riêng đồng bào DTTS 33.976 người, chiếm 94,55 % dân số toàn huyên. Nhân dân sinh sống không tập trung, mỗi thôn gồm nhiều chòm dân cư nhỏ lẻ, sinh sống chia cắt trên các triền núi cao, giao thông đi lại hết sức khó khăn, do đó việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho các hộ dân người đồng bào dân tộc gặp rất nhiều khó khăn.
Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước và sự triển khai quyết liệt, hiệu quả các chính sách dân tộc, nên đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số có chuyển biến tích cực. Tình hình an ninh trật tự và an toàn xã hội luôn ổn định.
Theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, huyện Trạm Tấu có 10 xã khu vực III, 02 xã khu vực I và 51 thôn đặc biệt khó khăn. Để thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho các hộ dân người đồng bào dân tộc. UBND huyện Trạm Tấu đã thành lập Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia, phân công nhiệm vụ, xây dựng kế hoạch chi tiết để thực hiện.
Tổ chức tuyên truyền, phổ biến quán triệt, nâng cao nhận thức cho cấp ủy chính quyền và nhân dân về mục đích, ý nghĩa của các chính sách, tạo sự đồng thuận và thống nhất của nhân dân trong thực hiện chính sách.
Chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với Ủy ban nhân dân các xã tổ chức rà soát, xây dựng kế hoạch, phương án để thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo sinh sống trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN); hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống ở xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK), thôn ĐBKK vùng đồng bào DTTS&MN sinh sống bằng nghề nông, lâm, ngư nghiệp chưa có đất ở, đất sản xuất, có nhu cầu hỗ trợ đất ở, đất sản xuất.
Rà soát, quy hoạch bố trí các điểm tái định cư, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng như đường giao thông, hệ thống thủy lợi, nước sinh hoạt, đường điện, Trạm y tế, trường học để nhân dân yên tâm định cư. Từ năm 2020 đến nay không còn tình trạng di cư tự phát.
Vấn đề cải thiện nhà ở, nước sinh hoạt cho người dân, đặc biệt là người nghèo, cận nghèo và hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã được chính quyền quan tâm như thế nào? Định hướng trong thời gian tới ra sao, thưa ông?
Ông Khang A Chua: Thực hiện quyết định số 632/QĐ-UBND ngày 27/4/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái về phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo và hộn cận nghèo trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2023 -2025. UBND huyện đã ban hành kế hoạch số 115/ KH-UBND ngày 12/5/2023 về thực hiện Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo và hộn cận nghèo trên địa bàn huyện Trạm Tấu giai đoạn 2023 -2025. Mục tiêu giai đoạn 2023- 2025 hỗ trợ xây dựng 755 nhà (làm mới 581 nhà, sửa chữa 174 nhà) cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện với tổng kinh phí là: 40.080 triệu đồng, (kinh phí làm mới 581 nhà = 34.860 triệu đồng, kinh phí sửa chữa 174 nhà 5.220 triệu đồng.
Năm 2023 đã thực hiện xây dựng được 369 nhà (làm mới 296 nhà, sửa chữa 73 nhà) cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện với tổng kinh phí:19.950 triệu đồng, định mức hỗ trợ nhà làm mới 60.000 triệu đồng/nhà, sửa chữa là 30 triệu đồng/ nhà.
Năm 2024 tiếp tục hỗ trợ xây dựng 386 nhà (làm mới 285 nhà, sửa chữa 101 nhà) với kinh phí: 20.130 triệu đồng.
Về nước sinh hoạt: được sự quan tâm đầu tư của nhà nước đến nay toàn huyện đã có 63 công trình nước sinh hoạt tập chung phục vụ cho nhân dân trên địa bàn các xã vùng cao, năm 2023 đã xây mới 3 công trình nước sinh hoạt, hỗ trợ thêm 350 téc nước cho 350 hộ là hộ nghèo dân tộc thiểu số khó khăn về nước sinh hoạt. Đến nay tỷ lệ hộ dân có nước sinh họa đạt 100 %.
Thực hiện theo chính sách của Đảng và Nhà nước về luật định cư đối với đồng bào dân tộc miền núi. Chính sách đầu tư sắp xếp hộ dân di cư tự phát, hộ sinh sống ở rừng phòng hộ xung yếu, rừng đặc dụng, khu vực hay xẩy ra thiên tai, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Đến nay các cấp chính quyền huyện Trạm Tấu đã xử lý như thế nào? Xin ông cho biết rõ hơn về vấn đề này.
Ông Khang A Chua: Huyện Trạm Tấu đã chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với cấp ủy chính quyền các xã tổ chức rà soát, tuyên truyền vận động các hộ sinh sống ở khu vực rừng phòng hộ xung yếu, rừng đặc dụng, khu vực hay xẩy ra thiên tai, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, di dời ra khỏi vùng nguy hiểm đến những nơi an toàn. Tuyên truyền vận động san sẻ đất giữa các hộ có nhiều đất san sẻ cho hộ thiếu đất ở, đất sản xuất, bố trí các hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm xen ghép vào các khu dân cư có sẵn. Từ năm 2020 đến nay huyện đã vận động di rời khẩn cấp và bố trí xen ghép vào các khu dân cư có sẵn với số hộ là 9 hộ, với tổng kinh phí được hỗ trợ 270.000.000 đồng. Để làm được điều đó Chính quyền địa phương đi tìm đất cho các hộ dân. Khi tìm được đất thì vận động người dân hiến đất hoặc đổi đất ở lấy đất sản xuất cho những hộ thuộc diện di cư. Cách làm này đã thể hiện sự đoàn kết toàn dân, phát huy truyền thống "tương thân tương ái”, "lá rách ít đùm lá rách nhiều”, sẻ chia, giúp đỡ bằng cách hiến đất ở, đất sản xuất cho người dân bị thiệt hại.
Để nhân dân ổn định cuộc sống, không di cư tự phát, huyện đã tập chung đầu tư cơ sở hạ tầng như đường giao thông, điện lưới quốc gia, Trường học, trạm y tế, thủy lợi, nước sinh hoạt để phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân, đào tạo nghề, giải quyết việc làm nâng cao thu nhập cho người dân để nhân dân ổn định cuộc sống.
Trạm Tấu là một huyện miền núi, có diện tích đất rừng lớn. Vậy chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số được các cấp chính quyền tuyên truyền, phổ biết pháp luật và đã thực hiện trong thời gian qua ra sao, thưa ông?
Ông Khang A Chua: Trạm Tấu là huyện vùng núi, có diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp lớn, chiếm khoảng 80% tổng diện tích đất tự nhiên toàn huyện. Trong đó diện tích đất có rừng là gần 46.000 ha. Tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức trên 61%. Chủ yếu là quy hoạch cho phát triển rừng phòng hộ đầu nguồn. Nhân dân sinh sống trên địa bàn đa phần là đồng bào dân tộc ít người trong đó dân tộc Mông chiếm 79%. Cơ bản đời sống còn nhiều khó khăn phụ thuộc vào sản xuất nông, lâm nghiệp; sống gần rừng, ven rừng.
Nên trong những năm qua công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng gắn với phát triển kinh tế, ổn định đời sống cho nhân dân luôn được sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và luôn coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của huyện.
Huyện đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật. Việc tuyên truyền phổ biến pháp luật về Lâm nghiệp luôn được thực hiện một cách thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm, đi vào nội dung cụ thể bằng cả tiếng phổ thông và tiếng địa phương; thực hiện qua nhiều hình thức như tuyên truyền trực tiếp, cho nhân dân học tập, ký cam kết bảo vệ rừng phòng cháy chữa cháy rừng hàng năm ít nhất một lần đến 100% các thôn bản, ngoài ra còn lồng ghép với các chương trình hội nghị, văn hóa văn nghệ, hoặc gián tiếp thông qua hệ thống loa phát thanh từ huyện đến cơ sở.
Về các chính sách trong công tác quản lý bảo vệ rừng đến với nhân dân, trong những năm qua được thực hiện chủ yếu thông qua công tác khoán bảo vệ rừng; hiện nay 100% các cộng đồng dân cư thôn bản trên địa bàn huyện đều tham gia nhận khoán bảo vệ rừng và được hưởng lợi từ nguồn chính sách chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng hàng năm với tổng số tiền chi trả bình quân trên dưới 30 tỷ/năm cho toàn huyện, đây là nguồn thu tương đối lớn góp phần gia tăng thu nhập cho nhân dân của một huyện vùng cao.
Ngoài ra nhân dân trên địa bàn cũng đang được hưởng lợi từ công tác phát triển rừng hàng năm thông qua việc nhận khoán trồng và chăm sóc rừng mới trồng với BQL rừng phòng hộ huyện; Đề án phát triển cây sơn tra; và dần hưởng lợi từ Đề án phát triển du lịch của huyện thông qua các hình thức du lịch sinh thái mà huyện Trạm Tấu đã xây dựng và đang từng bước ngày một phát triển.
Bên cạnh đó là chính sách từ chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có các hạng mục tại tiểu dự án 1 thuộc dự án 3 với các nội dung về hỗ trợ bảo vệ rừng; hỗ trợ trồng rừng sản xuất; hỗ trợ gạo đối với những hộ gia đình tham gia bảo vệ và phát triển rừng... Huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với chính quyền địa phương các xã tiến hành rà soát đối tượng để đề xuất đăng ký nhu cầu vốn thực hiện hỗ trợ cho Nhân dân theo quy định.
Trong những năm qua nhờ có sự làm tốt trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cộng thêm ngày càng có nhiều chính sách của Đảng và Nhà nước đối với công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng gắn với phát triển kinh tế xã hội cho nhân dân sống gần rừng ven rừng. Nên cơ bản diện tích rừng trên địa bàn luôn được bảo vệ và phát triển tốt cả về diện tích và chất lượng rừng; Đời sống nhân dân ngày càng ổn định và cải thiện.