Đổi thay ở vùng đồng bào Khmer xã Tân Hưng
Thời gian qua, với các chính sách ưu đãi của Nhà nước, đồng bào Khmer xã Tân Hưng, huyện Long Phú (Sóc Trăng) đã xây dựng nhiều mô hình làm ăn hiệu quả, có thu nhập ổn định. Ở các ấp có đông đồng bào Khmer sinh sống, cuộc sống với nhiều khó khăn, thiếu thốn thuở nào, giờ đây, diện mạo thôn xóm đổi thay, nhà cửa khang trang, đường sá thông suốt, đời sống ngày càng được cải thiện, nâng cao.
Tân Hưng là một trong những xã có đông đồng bào Khmer sinh sống. Trước đây, điều kiện đi lại trong xã gặp nhiều khó khăn. Phần lớn bà con sản xuất nông nghiệp theo cách truyền thống, chậm đổi mới, ít áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật nên thu nhập không cao. Trước thực trạng trên, UBND xã vận động bà con đổi mới cách làm, áp dụng các mô hình kinh tế hiệu quả vào sản xuất, đặc biệt là từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vậy nuôi… từ đó mang lại nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo giảm dần, hộ khá giàu tăng lên theo từng năm. Khi đời sống kinh tế được cải thiện, bà con Khmer tích cực tham gia vào các công trình, phần việc xây dựng quê hương, nhất là phong trào làm lộ giao thông nông thôn, xây cầu, sửa đường… Chú Lý Sa Rinh - người có uy tín trong đồng bào Khmer xã Tân Hưng phấn khởi nói: “Tôi rất vui vì đường làng, ngõ xóm trong xã được xây dựng khang trang, sạch đẹp, đồng bào Khmer đồng lòng, chung tay, góp sức xây dựng quê hương và có ý thức vươn lên, không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước”.
Chính sách chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số của Đảng và Nhà nước và ý thức vươn lên của đồng bào Khmer địa phương đã góp phần làm thay đổi diện mạo xóm ấp, điện, đường, trường trạm và nước sạch đã được đầu tư đồng bộ theo hướng kiên cố, vững chắc, nhiều tuyến đường được đầu tư xây dựng theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm, 100% hộ Khmer sử dụng điện lưới quốc gia, sử dụng nước hợp vệ sinh…
Hiện nay, ở các ấp như: Ko Kô, Tân Qui B, Tân Qui A, Tân Lịch, đường sá, trường học, trạm y tế, điện, công tác quy hoạch, hệ thống thủy lợi, an ninh trật tự, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, cơ sở vật chất văn hóa… được quan tâm đầu tư ngày càng hoàn thiện, góp phần giúp việc đi lại, giao thương hàng hóa, sinh hoạt công cộng, khám, chữa bệnh, học tập của con em vùng có đông đồng bào Khmer được thuận tiện rất nhiều. Bên cạnh đó, chất lượng cuộc sống cũng thay đổi nhờ phương tiện nghe, nhìn được đầy đủ, từ đó bà con mở mang kiến thức và tiếp cận được nhiều tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, cũng như học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ các mô hình sản xuất hiệu quả, để nâng cao nguồn thu nhập. Tính đến cuối năm 2020, thu nhập bình quân của người dân đạt trên 45 triệu đồng/năm, hộ nghèo giảm chỉ còn 132 hộ/3.076 hộ, chiếm tỷ lệ 4,29%, trong đó, hộ đồng bào Khmer nghèo còn hơn 100 hộ/1.946 hộ, chiếm 5,50%. Trong những năm qua, xã tập trung vận động bà con chung sức, chung lòng tích cực tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới, tính đến nay, xã Tân Hưng thực hiện đạt 16/19 tiêu chí xã nông thôn mới, do đó, cảnh quan môi trường ở vùng nông thôn, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc luôn được cải thiện và ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp hơn.
Đồng chí Nguyễn Văn Nhặn - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hưng cho biết: “Bên cạnh việc hỗ trợ phát triển sinh kế cho đồng bào Khmer, UBND xã còn thường xuyên tiếp xúc, tuyên truyền cho bà con về những lợi ích thiết thực mà các công trình công cộng mang lại. Vì vậy, khi xã phát động các phong trào như làm giao thông nông thôn, vận động trẻ em đến trường, giữ gìn vệ sinh môi trường… bà con đều nhiệt tình ủng hộ”.
Phải nhìn nhận rằng, trong những năm qua, cuộc sống kinh tế vùng đồng bào Khmer ngày càng phát triển, đời sống văn hóa, tinh thần ngày càng tiến bộ. Những thành tựu đó đã tạo thêm nguồn lực mới cho sự phát triển, là nền tảng vững chắc để huyện Long Phú nói chung, xã Tân Hưng nói riêng vững bước chặng đường tiếp theo với nhiều triển vọng tốt đẹp, giúp rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn, vùng đồng bào dân tộc với thành thị, đời sống của bà con ngày càng được nâng cao.