Đổi thay ở xã biên giới Mai Sơn

Trở lại xã Mai Sơn, tôi ấn tượng bởi diện mạo đổi thay của xã biên giới này. Những ngôi nhà xây kiên cố xen lẫn những ngôi nhà sàn, đường giao thông nông thôn sạch đẹp, các mô hình kinh tế phát huy hiệu quả, đời sống của nhân dân ngày một nâng cao.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nhôn Mai, BĐBP Nghệ An giúp nhân dân xã Mai Sơn làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: Vi Hợi

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nhôn Mai, BĐBP Nghệ An giúp nhân dân xã Mai Sơn làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: Vi Hợi

Mai Sơn là xã biên giới phía Tây Bắc của huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, có đường biên giới với nước bạn Lào dài hơn 10km, cách trung tâm huyện 120km. Hiện nay, xã có 9 bản, với 565 hộ, 2.669 nhân khẩu gồm các dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú. Triển khai thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, trọng tâm là nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, tự lực vươn lên phát triển sản xuất, nhất là chuyển đổi diện tích trồng cây ngắn ngày kém hiệu quả sang trồng cây dứa ngọt, tiến hành cải tạo vườn tạp để trồng sắn cao sản; xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc...

Hiện nay, cây dứa ngọt và sắn cao sản đã trở thành cây trồng chủ lực trên địa bàn xã, tiêu biểu như ở bản Phá Kháo, bà con đồng bào dân tộc Mông đã trồng trên 10ha dứa ngọt; bản Chà Lò, Huồi Tố 1 trồng hơn 87ha sắn cao sản. Bên cạnh đó, bà con dân tộc Thái ở các bản Huồi Tố 1, Huồi Tố 2, Na Kha, Na Hang còn duy trì thâm canh hơn 60ha lúa ruộng, trên 100ha ngô; chăn nuôi hơn 2.000 con gia súc và gần 10.000 con gia cầm.

Để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa nông sản, xã đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật theo hướng “cầm tay chỉ việc” cho nông dân để áp dụng vào thực tế sản xuất. Đồng thời, sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình, chính sách để hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế. Xây dựng các mô hình kinh tế tiêu biểu để nhân rộng, khuyến khích hộ dân liên kết thành lập hợp tác xã; liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân... Từ năm 2021 đến nay, xã đã phối hợp tổ chức 4 lớp chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi gia súc, nuôi cá nước ngọt và cải tạo vườn tạp cho hơn 300 người dân. Phối hợp xây dựng mô hình trồng cây dứa ngọt ở Phá Kháo, quy mô 10ha; triển khai mô hình trồng cây sắn cao sản ở Huồi Tố 1 và Chà Lò, diện tích trên 87ha; mô hình trồng và chế biến cây mướp đắng rừng ở Piêng Mựn, diện tích gần 5ha; mô hình thâm canh lúa ruộng ở các bản Na Hang, Na Kha, Huồi Tố 1, Huồi Tố 2.

Phá Kháo là bản vùng cao biên giới đặc biệt khó khăn. Cả bản có 65 hộ đồng bào dân tộc Mông. Anh Già Chư Năng, Trưởng bản cho biết: "Trước đây, ở bản cũ thường xuyên bị sạt lở, không an toàn cho người dân. Năm 2020, bản được Nhà nước quan tâm hỗ trợ di dời từ trên cao xuống đây và hỗ trợ xây dựng mô hình trồng dứa ngọt với quy mô hơn 10ha, trong đó, 3 năm đầu được hỗ trợ hoàn toàn cây giống, phân bón và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trồng, chăm sóc. Diện tích dứa phát triển tốt, bình quân mỗi năm, mỗi hộ thu được từ 50 đến 70 triệu đồng. Thấy hiệu quả bước đầu từ mô hình, một số hộ dân ở các bản như Piêng Mựn, Piêng Coọc cũng bắt đầu triển khai trồng dứa ngọt. Bà con trong bản Phá Kháo mong muốn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng thêm nhiều mô hình để từng bước thay đổi phương thức sản xuất, nâng cao thu nhập".

Chị Kha Thị Hoa, Trưởng bản Piêng Mựn cho biết: "Cả bản có 52 hộ đồng bào dân tộc Thái, thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ xã, chi bộ và Ban cán sự bản đã tập trung chỉ đạo nhân dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản xuất theo hướng chuyên canh. Đến nay, cả bản có 250 con trâu, bò và gần 200 con lợn đen bản địa, hỗ trợ 10 hộ gia đình trồng thí điểm 5ha dứa ngọt - giống dứa lấy từ bản vùng cao Phá Kháo, xây dựng mô hình trồng và chế biến cây mướp đắng rừng với diện tích hơn 5ha. Trồng dứa ngọt và cây mướp đắng rừng chi phí thấp, thu nhập cao, thị trường tiêu thụ lại ổn định, nên bà con phấn khởi lắm. Năm nay, mặc dù thời tiết không thuận lợi, nhưng nhiều hộ gia đình cũng đạt hơn 30 triệu đồng/vụ từ bán dứa và mướp đắng rừng. Năm 2023, sản phẩm mướp đắng rừng của bản Piêng Mựn đạt chuẩn OCOP 3 sao của huyện. Hiện nay, bản Piêng Mựn đang tập trung mở rộng diện tích trồng dứa ngọt và cây mướp đắng rừng".

Sản phẩm mướp đắng rừng của xã Mai Sơn đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp huyện. Ảnh: Vi Hợi

Sản phẩm mướp đắng rừng của xã Mai Sơn đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp huyện. Ảnh: Vi Hợi

Từ sau Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025, từ nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia và sự hỗ trợ của BĐBP, xã đã tập trung đầu tư sửa chữa, nâng cấp tuyến đường liên thôn bản, đường nội đồng, đường vào các khu sản xuất tập trung; xây dựng các công trình cầu dân sinh, nước sinh hoạt, nhà văn hóa bản và làm nhà ở cho người nghèo. Đồng thời, xã còn vận động toàn dân tham gia đóng góp công sức, hiến đất, hiến cây để làm đường giao thông, sân vận động... Các công trình được triển khai xây dựng đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa và sinh hoạt của bà con, tạo động lực để nhân dân các bản tập trung phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.

Từ khi đời sống kinh tế phát triển, nhận thức của đồng bào cũng được nâng lên rõ rệt, đời sống xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; hệ thống chính trị không ngừng được củng cố. Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân được quan tâm với đầy đủ nguồn nhân lực, thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch cũng như khám, chữa bệnh; công tác giáo dục, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động chuyển biến tích cực, quốc phòng - an ninh được giữ vững; trật tự an toàn xã hội ổn định.

Bà Lô Thị Hương, Chủ tịch UBND xã Mai Sơn cho biết: "Thời gian tới, xã tiếp tục định hướng bà con phát triển diện tích trồng cây dứa ngọt, cây sắn cao sản và thâm canh lúa ruộng theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, từng bước hình thành vùng hàng hóa tập trung như dứa ngọt Phá Kháo, mướp đắng rừng Piêng Mựn, sắn cao sản Chà Lò. Phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm với các loại giống chất lượng, quy mô đàn phù hợp, đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường. Vận động bà con dân tộc Mông ở các bản vùng cao như Phá Kháo, Piêng Coọc khoanh nuôi, bảo vệ và phát triển rừng. Sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia để đầu tư cơ sở hạ tầng... Phấn đấu đến năm 2025, hoàn thành mục tiêu Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025 về giảm hộ nghèo đa chiều".

Hiệu quả từ việc triển khai thực hiện tốt Nghị quyết đại hội Đảng các cấp, thực hiện các chương trình, chính sách của Đảng, Nhà nước trong thời gian qua đã tiếp thêm động lực cho người dân xã biên giới Mai Sơn vươn lên thoát nghèo, cùng chung sức, chung lòng xây dựng địa phương vùng biên giới này ngày một đổi thay.

Vi Hợi

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/doi-thay-o-xa-bien-gioi-mai-son-post479626.html