Đổi thay trên đường Hồ Chí Minh. Bài 1: Đô thị, nông thôn từng bước phát triển năng động

Trên hành trình khám phá đường Trường Sơn- đường Hồ Chí Minh đi qua địa phận tỉnh Quảng Trị, chúng tôi đã có thêm nhiều trải nghiệm thú vị, ấn tượng về sự đổi thay và phát triển của các vùng quê. Đây chính là những minh chứng sinh động cho sự hiện hữu và những tác động tích cực của con đường mang tên Bác vào sự phát triển kinh tếxã hội của các địa phương mà con đường đi qua….

 Phát triển cây cao su trên vùng Tây Gio Linh. Ảnh: MĐ

Phát triển cây cao su trên vùng Tây Gio Linh. Ảnh: MĐ

Thị trấn Bến Quan (Vĩnh Linh), nơi có đường Hồ Chí Minh đi qua nay đang khởi sắc từng ngày. Phó Chủ tịch UBND thị trấn Bến Quan Dương Đình Quang cho biết, những năm qua, thị trấn đã thực hiện hiệu quả việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đầu tư phát triển mạnh trên tất cả các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp, thương mại- dịch vụ; tích cực hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất- kinh doanh hiệu quả. Tổng thu nhập toàn xã hội trên địa bàn thị trấn năm 2019 đạt 205 tỉ đồng. Đời sống người dân ngày càng được nâng cao với thu nhập bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng. Thị trấn đã thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa. Hiện có 5 thôn đạt danh hiệu đơn vị văn hóa, 94% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Thị trấn tiếp tục giữ vững thị trấn văn minh đô thị.

Từ khi đường Hồ Chí Minh được đầu tư xây dựng hiện đại đã tác động mạnh đến sự đổi thay nơi thị trấn Bến Quan. Nhiều tuyến đường ngang được đầu tư xây dựng, đấu nối với đường Hồ Chí Minh đã tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân và đầu tư phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp tổng hợp đạt hiệu quả cao. Nổi bật là mô hình kinh tế nông nghiệp tổng hợp của ông Lê Văn Minh, ở Khóm 4. Ông Minh cho biết, ông quê ở xã Vĩnh Lâm (Vĩnh Linh) lên thị trấn Bến Quan lập nghiệp vào năm 1990. Những ngày đầu lên đây, ông gặp rất nhiều khó khăn, nhất là giao thông cách trở, đi lại không thuận lợi. Tuy nhiên, từ khi đường Hồ Chí Minh được xây dựng hoàn thiện, đã tạo diện mạo mới cho địa phương. Người dân có điều kiện phát triển kinh tế. Nhận thấy những lợi thế đó, ông Minh đã đầu tư xây dựng mô hình kinh tế tổng hợp với 1,7 ha trồng cam, quýt, 2 ha cao su, 400 gốc tiêu, nuôi 20 con dê, hơn 200 con gia cầm, thu nhập hằng năm trên 200 triệu đồng.

Thị trấn Cam Lộ (huyện Cam Lộ) được xem là địa phương có hệ thống đường giao thông tương đối hoàn chỉnh. Thị trấn đã khai thác lợi thế đường Hồ Chí Minh gắn với đường 9, đường xuyên Á và nhiều tuyến đường quan trọng khác để phát triển kinh tế- xã hội. Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cam Lộ Thái Tăng Tiếu cho biết, thị trấn đã được UBND huyện Cam Lộ công nhận điển hình văn hóa năm 2013 và đạt chuẩn văn minh đô thị năm 2018. Đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm của thị trấn tăng cao. Lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, thương mại-dịch vụ phát triển mạnh. Hiện tại có 1.021 cơ sở kinh doanh đang hoạt động hiệu quả. Đây là lĩnh vực chiếm tỉ trọng cao nhất trong nền kinh tế, thu từ tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ đạt 279 tỉ đồng; tạo việc làm cho hơn 2.100 lao động có thu nhập ổn định. Đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt 54 triệu đồng. Những kết quả đạt được nổi bật đó là nền tảng vững chắc để thị trấn Cam Lộ tiếp tục khai thác lợi thế về vị trí địa lý gắn với tuyến đường Hồ Chí Minh và mạng lưới giao thông đồng bộ, thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển.

Chúng tôi tiếp tục hành trình dọc tuyến đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh để có thêm nhiều trải nghiệm về những kết quả nổi bật đạt được trong xây dựng nông thôn mới (NTM) ở huyện Gio Linh, Cam Lộ. Xã Gio Sơn (Gio Linh), được xem là điểm sáng trong xây dựng NTM trên đường Hồ Chí Minh. Anh Tạ Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Gio Sơn cho biết, cán bộ, đảng viên và Nhân dân xã Gio Sơn luôn nỗ lực trong xây dựng NTM, đồng lòng, đồng sức để đạt được kết quả nổi bật trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, qua đó, tạo diện mạo mới cho xã Gio Sơn… Với những nỗ lực đó, xã Gio Sơn đã hoàn thành 19/19 tiêu chí, được công nhận đạt xã đạt chuẩn NTM. Đặc biệt, khi đường Hồ Chí Minh đi qua địa bàn xã đã tác động tích cực đến việc hoàn thiện hệ thống đường giao thông trong toàn xã cũng như kết nối với các địa phương khác, từ đó giúp người dân an cư, lạc nghiệp và thuận lợi trong việc phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Những kết quả nổi bật đó là đòn bẩy để xã Gio Sơn tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí đạt được, đồng thời phấn đấu đến năm 2025, đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Xã Cam Tuyền hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng NTM vào năm 2018, về đích trước kế hoạch 2 năm, trở thành xã cuối cùng của huyện Cam Lộ đạt chuẩn NTM. Chủ tịch UBND xã Cam Tuyền Hoàng Liên Sơn cho biết, với quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền cùng sự đồng lòng, đồng sức của các tầng lớp nhân dân, đến cuối năm 2018, xã Cam Tuyền đã hoàn thành 19/19 tiêu chí, được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đến cuối năm 2019, thu nhập bình quân đầu người xã Cam Tuyền đạt 37 triệu đồng; tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 4,7%. 100% thôn, bản, cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa, trong đó có 4 khu dân cư đạt danh hiệu văn hóa xuất sắc cấp tỉnh; 100% trường học đạt chuẩn quốc gia; duy trì xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Chủ tịch UBND xã Cam Tuyền Hoàng Liên Sơn cho biết thêm, từ khi Bản Chùa đạt các tiêu chí NTM là động lực quan trọng để xã Cam Tuyền tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí đạt được, phấn đấu sau năm 2025, đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Nguyễn Minh Đức

* Kỳ sau, bài 2: Khởi sắc trên quê hương đồng bào mang họ của Bác.

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=149019