Đổi thay trên đường Hồ Chí Minh. Bài 2: Khởi sắc trên quê hương đồng bào mang họ của Bác
Đoạn đường Hồ Chí Minh đi qua huyện Đakrông có chiều dài hơn 64 km, tính từ cầu treo Đakrông đến giáp với tỉnh Thừa Thiên Huế. Nơi đây là vùng đất có truyền thống cách mạng và nền văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô miền Tây Quảng Trị. Trong thời kỳ hội nhập, phát triển, tiềm năng về thủy điện, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, kinh tế cửa khẩu… đang mở ra nhiều cơ hội cho mảnh đất và con người trên tuyến đường Hồ Chí Minh khởi sắc từng ngày.
(Tiếp theo kỳ trước)
Khu du lịch cộng đồng thôn Klu (xã Đakrông) là điểm dừng chân lý tưởng trên hành trình khám phá và trải nghiệm về tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua địa phận huyện Đakrông của du khách. Đến với Khu du lịch cộng đồng thôn Klu, du khách sẽ hòa mình vào khung cảnh núi rừng hùng vĩ, thơ mộng và không khí trong lành; khám phá những nét đẹp văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán đặc sắc của cộng đồng dân tộc Vân Kiều, Pa Kô; được tắm trên dòng suối nước nóng Klu; chiêm ngưỡng vẻ đẹp 16 ngôi nhà sàn bản cổ của người Vân Kiều, Pa Kô được phục dựng nguyên trạng cũng như thưởng thức các món ẩm thực truyền thống, những làn điệu dân ca, nhạc cụ truyền thống của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô.
Anh Hồ Thanh, Chủ tịch UBND xã Đakrông cho biết, năm 2012, Khu du lịch cộng đồng được xây dựng tại thôn Klu, đến nay đã hình thành, khai thác nhiều công trình phục vụ hoạt động du lịch như: Nhà ngắm cảnh, sân lễ hội, trung tâm thông tin giới thiệu danh thắng, suối nước nóng Klu, nhà lưu trú homestay… Những năm qua, khu du lịch cộng đồng Klu đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, du lịch, ẩm thực, vui chơi, giải trí một cách chu đáo, chuyên nghiệp... tạo nhiều dấu ấn đặc biệt, khó quên cho du khách trong tỉnh, khu vực và nước ngoài.
Ngoài những địa danh, thắng cảnh, di tích lịch sử vốn có, các xã nằm trên tuyến đường Hồ Chí Minh thuộc huyện Đakrông đã chú trọng bảo tồn văn hóa truyền thống bao gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn như lưu giữ khoảng 500 chiếc cồng, chiêng, 16 loại nhạc cụ; hệ thống chữ viết của đồng bào Bru-Vân Kiều được bảo tồn trong cộng đồng; 11 lễ hội truyền thống; 6 làn điệu dân ca được phục dựng… Từng bước hình thành và giới thiệu các sản phẩm của cư dân bản địa như dệt thổ cẩm, đan lát, bảo tồn văn hóa gắn với tôn vinh ẩm thực truyền thống như rượu cần, rượu đoác, cơm lam, cá mát, gà bản... Qua đó, quảng bá nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc Vân Kiều, Pa Kô đến với du khách gần xa.
Dọc đường Hồ Chí Minh, chúng tôi cảm nhận nhiều sự đổi thay ở các xã Húc Nghì, Tà Rụt, A Ngo… Anh Hồ Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND xã Húc Nghì cho biết, đường Hồ Chí Minh đi qua địa bàn xã và nhiều xã khác đã tạo ra nhiều cơ hội về phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân. Đường Hồ Chí Minh đã giúp cho xã Húc Nghì kết nối với các địa phương được thuận lợi trong việc giao lưu, buôn bán, đưa nhiều sản phẩm địa phương ra thị trường bên ngoài. Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Húc Nghì đã huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh phát triển kinh tế. Trong đó, tập trung phát triển thương mại-dịch vụ dọc tuyến đường Hồ Chí Minh. Hiện trên địa bàn xã có 25 cơ sở kinh doanh hoạt động hiệu quả. Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Công tác giáo dục tiếp tục được nâng cao. Thực hiện tốt các chế độ chính sách, đảm bảo an sinh xã hội. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường giữ vững kỷ cương, kỷ luật hành chính công vụ. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Đakrông Hồ Thị Kim Cúc cho biết, những năm qua, UBND huyện Đakrông luôn thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, huyện cho người dân trên tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua địa phận huyện Đakrông, nhằm giúp người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống. Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân; đẩy mạnh giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao trình độ dân trí. Huyện tiếp tục chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, đời sống; luôn ưu tiên hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Từ khi đường Hồ Chí Minh được đầu tư nâng cấp, hoàn thiện đã tác động mạnh đến sự đổi thay của các xã nằm trên tuyến đường. Đường Hồ Chí Minh đã kết nối giao thông, rút ngắn khoảng cách không gian địa lý, tạo điều kiện cho các tuyến đường vận tải thông suốt đến tận vùng sâu, vùng xa. Nhờ hiệu ích từ tuyến đường mang lại, những người dân mang họ Bác Hồ đã vượt qua khó khăn, xóa đói giảm nghèo, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần đưa huyện Đakrông phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=149045