Đổi thay trên quê hương anh hùng
Huyện Bù Đăng là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng cả về kinh tế và quốc phòng, trên địa bàn có quốc lộ 14 nối liền Tây Nguyên và vùng Đông Nam Bộ. Bù Đăng là một trong những căn cứ địa cách mạng của tỉnh Phước Long trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, là nơi diễn ra trận đánh mở màn của Chiến dịch Đường 14 - Phước Long, giành thắng lợi ngày 14-12-1974, góp phần quan trọng vào cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Với sự hy sinh to lớn và những thành tích xuất sắc mà Đảng bộ, quân và dân Bù Đăng đạt được trong kháng chiến chống Mỹ, huyện vinh dự được Chủ tịch nước tuyên dương đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cùng với 5 xã, gồm: Đồng Nai, Thống Nhất, Bom Bo, Đắk Nhau, Nghĩa Trung và 2 cá nhân được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân là liệt sĩ Điểu Ong và liệt sĩ Đoàn Đức Thái.
VƯỢT QUA KHÓ KHĂN
Sau giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Bù Đăng bắt tay vào khắc phục hậu quả chiến tranh, cải tạo và xây dựng cuộc sống mới trong ngổn ngang đổ nát và khó khăn trăm bề. Tháng 11-1976, huyện Bù Đăng được sáp nhập vào huyện Phước Long. Năm 1988, trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, huyện Bù Đăng được tái lập theo Quyết định số 112/QĐ-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ). Nhân dân Bù Đăng vui mừng, phấn khởi, hăng hái thi đua lao động, sản xuất, xây dựng quê hương. Năm 2008, huyện được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì vì những thành tích trong sự nghiệp đổi mới.
Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Bù Đăng Vũ Lương cho biết: “Ngày mới tái lập, huyện có 7 xã, dân số khoảng 30.000 người, trong đó gần 50% là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Kinh tế chủ yếu là thuần nông với việc canh tác lạc hậu; diện tích cây điều chỉ khoảng 2.500 ha; đời sống nhân dân, nhất là đồng bào DTTS rất khó khăn, hằng năm có hơn 60% hộ thiếu đói giáp hạt, Nhà nước phải hỗ trợ lương thực. Mặt bằng dân trí thấp, vẫn còn những tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan. Toàn huyện chỉ có 10 ngôi trường với 85 phòng học, đa số là tranh tre; chỉ có 1 trường cấp 2-3 với vài chục học sinh; tình trạng học sinh phải học ca 3 thường xuyên. Lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân khó khăn, thiếu thốn; dịch bệnh thường xuyên xảy ra, nhất là bệnh sốt rét. Có thể thấy rằng, thời gian đầu mới tái lập huyện, Đảng bộ, quân và dân Bù Đăng phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách”.
NỖ LỰC XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN
Trải qua 50 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện Bù Đăng đã trưởng thành vượt bậc, nhất là sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng bộ huyện qua 8 kỳ đại hội, đưa công cuộc tái thiết, xây dựng quê hương đạt nhiều thành tựu đáng tự hào. Trên mảnh đất chiến trường năm xưa, nay đã “thay da, đổi thịt” từng ngày, màu xanh phủ khắp núi đồi từ các loại cây công nghiệp, hệ thống điện, đường, trường, trạm đã về tận các ngôi làng, ngõ xóm, cuộc sống của người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Qua mỗi nhiệm kỳ, Đảng bộ huyện đều để lại những dấu ấn sâu sắc, rõ nét, thể hiện tinh thần tự chủ, tự lực, tự cường, năng động sáng tạo, vượt khó vươn lên. Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, cấp ủy huyện luôn tuân thủ các nguyên tắc của Đảng, đã vận dụng, cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào tình hình thực tế của huyện. Đồng thời đã phát huy được trí tuệ tập thể trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả, đạt nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả lĩnh vực đời sống xã hội.
Từ sản xuất nông nghiệp chủ yếu là lúa rẫy và hoa màu thì đến nay nhân dân đã chuyển sang trồng cây công nghiệp, cây ăn trái có giá trị kinh tế cao. Thu ngân sách những năm gần đây đều đạt và vượt chỉ tiêu tỉnh, huyện đề ra. Cùng với thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và chương trình đột phá về “Tăng cường thực hiện xã hội hóa xây dựng đường giao thông, điện thắp sáng nông thôn; đẩy mạnh thực hiện các dự án nhằm tăng nguồn thu sử dụng đất để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng”, diện mạo nông thôn Bù Đăng đã thay đổi rõ nét từng ngày. Sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân được phát huy, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững...
Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Bù Đăng VŨ LƯƠNG
Đến cuối năm 2024, Bù Đăng có 13/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 3 xã đạt chuẩn nôn thôn mới nâng cao. Bên cạnh đó, thị trấn Đức Phong đã có những bước chuyển biến và diện mạo đô thị ngày càng khang trang, tiếp tục quy hoạch tăng tính kết nối thị trấn với các địa phương lân cận, tạo ra không gian phát triển và động lực mới để thị trấn bứt phá và phát triển trong thời gian tới. Song song đó, Đảng bộ huyện luôn quan tâm ưu tiên nguồn lực cho đầu tư xây dựng, sửa chữa và nâng cấp hệ thống trường, lớp. Thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế.
Công tác xây dựng Đảng được tăng cường, hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở ngày càng được củng cố và phát triển. Đến nay, toàn Đảng bộ huyện có 60 tổ chức cơ sở đảng, 237 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở với hơn 4.200 đảng viên. Đảng bộ huyện nhiều năm đạt trong sạch, vững mạnh.
Nhìn lại chặng đường 50 năm sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Bù Đăng luôn phấn khởi, tự hào về những kết quả đạt được. Với tâm thế đó, tin tưởng rằng Bù Đăng đã, đang và sẽ tiếp tục vươn lên mạnh mẽ, sẽ có diện mạo mới với tầm vóc mới, xứng đáng với kỳ vọng và tin tưởng của nhân dân.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/166447/doi-thay-tren-que-huong-anh-hung