Đổi thay trên quê hương cách mạng

Tự hào là quê hương cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tân Thạnh (Long An) luôn ra sức thực hiện nhiều phong trào thi đua sôi nổi, góp phần đưa địa phương trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội khu vực Đồng Tháp Mười.

Hiện nay, huyện Tân Thạnh có 8/12 xã đạt chuẩn nông thôn mới (Ảnh tư liệu)

Hiện nay, huyện Tân Thạnh có 8/12 xã đạt chuẩn nông thôn mới (Ảnh tư liệu)

Về huyện Tân Thạnh - vùng đất được xem là cái nôi của cách mạng, với Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam bộ, chúng tôi cảm nhận được sự “thay da, đổi thịt”. Những con đường liên huyện, liên xã được bêtông khang trang, sạch sẽ, nhiều ngôi nhà tường khang trang mọc lên san sát, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoạt động nhộn nhịp,... báo hiệu sự no ấm, đủ đầy.

Chủ tịch UBND huyện Tân Thạnh - Lê Thanh Đông cho biết: “Sau ngày hòa bình, đời sống người dân trên địa bàn huyện gặp rất nhiều khó khăn; trong đó, 70% đất đai hoang hóa, 20% người dân mù chữ, trên 90% nhà cửa tạm bợ. Mỗi xã chỉ có 1 điểm trường cấp 1 dựng bằng tre; giao thông, thủy lợi chỉ có kênh Dương Văn Dương và đường liên tỉnh 29 từ huyện Cai Lậy (Tiền Giang) đến thị xã Kiến Tường,...

Với những khó khăn, thách thức đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện luôn nỗ lực khắc phục hậu quả chiến tranh, ra sức xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp. Đến nay, huyện có 8/12 xã đạt chuẩn nông thôn mới; hộ nghèo giảm còn trên 2%; 32/39 trường đạt chuẩn quốc gia; đường giao thông bảo đảm phục vụ xe 4 bánh đến trung tâm 13/13 xã, thị trấn; hệ thống cửa hàng tiện lợi phát triển; các cụm công nghiệp từng bước được hình thành;...”.

Đường giao thông liên ấp, liên xã, liên huyện đều được bêtông sạch, đẹp

Đường giao thông liên ấp, liên xã, liên huyện đều được bêtông sạch, đẹp

Có mặt tại xã Nhơn Ninh - 1 trong 3 xã đầu tiên của huyện Tân Thạnh được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, chúng tôi càng thêm tự hào về truyền thống cách mạng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây luôn được phát huy qua nhiều thế hệ.

Ông Bùi Văn Hoài, ngụ ấp Tân Chánh A, xã Nhơn Ninh, khẳng định: “Chúng tôi cảm thấy rất phấn khởi khi diện mạo nông thôn thay đổi, đời sống người dân không ngừng được nâng lên, xóa dần mức sống chênh lệch giữa nông thôn và thành thị. Đạt kết quả này, người dân nơi đây luôn tự hào về truyền thống cách mạng anh hùng, ra sức thi đua lao động, sản xuất, tích cực tham gia các phong trào xây dựng xã văn hóa, nông thôn mới do địa phương phát động”.

Rời xã Nhơn Ninh, chúng tôi đến xã Nhơn Hòa Lập - một trong những địa phương thuộc căn cứ địa của vùng Đồng Tháp Mười, nơi từng gánh chịu nhiều hậu quả của chiến tranh. Lúc đó, mỗi người dân nơi đây là một chiến sĩ trên mặt trận chống giặc, xóm, ấp trở thành tường thành kiên cố, vững chắc chặn bước quân thù, che chắn vùng căn cứ địa cách mạng. Ngày nay, những dấu vết của chiến tranh đã mờ đi theo năm tháng nhưng tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây ngày càng được phát huy.

Chủ tịch UBND xã Nhơn Hòa Lập - Đinh Văn Định cho biết: “Trải qua những năm tháng chiến tranh ác liệt, với biết bao trận “bom cày, đạn xới” nhưng người dân luôn tự hào nơi đây là cái nôi của cách mạng. Phát huy truyền thống cách mạng trên quê hương anh hùng, người dân tích cực đóng góp sức người, sức của xây dựng quê hương ngày càng đổi mới, đời sống người dân không ngừng nâng lên về vật chất lẫn tinh thần. Xã vừa hoàn thành 19/19 tiêu chí xã nông thôn mới và đang làm hồ sơ để được công nhận vào năm 2021”.

Nếu ai có dịp trở lại huyện Tân Thạnh sẽ cảm nhận được vùng đất cách mạng năm nào đang bừng lên sức sống mới, diện mạo mới. Qua đây, giúp thế hệ hôm nay thêm yêu và trân quý công lao của thế hệ cha ông đi trước, ra sức học tập, lao động, góp phần đưa quê hương ngày càng phát triển./.

Lê Ngọc

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/doi-thay-tren-que-huong-cach-mang-a120690.html