Đổi thay trên thành phố dệt anh hùng

Tự hào với vị thế một thời là đô thị lớn của miền bắc, các cấp ủy, chính quyền thành phố Nam Định quyết tâm thực hiện thắng lợi các giải pháp đột phá trên cơ sở phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế, đưa đến đổi thay toàn diện trong phát triển kinh tế-xã hội trên quê hương 'thành phố dệt anh hùng'.

Thành phố Nam Định đang đổi thay từng ngày hướng đến trở thành đô thị thông minh, hiện đại.

Thành phố Nam Định đang đổi thay từng ngày hướng đến trở thành đô thị thông minh, hiện đại.

Nằm giữa vùng nam đồng bằng sông Hồng, Nam Định đã sớm trở thành một trung tâm văn hóa, chính trị, tôn giáo ngay từ thế kỷ XIII trong lịch sử Việt Nam. Năm 1262, nhà Trần cho xây dựng phủ Thiên Trường, đặt dấu mốc đầu tiên cho đô thị Nam Định sau này.

Trong suốt thời kỳ lịch sử, vùng đất này đã nhiều lần đổi tên như Thiên Trường, Vị Hoàng, Sơn Nam, Thành Nam rồi Nam Định. Danh xưng Nam Định chính thức có từ năm 1822, gọi là trấn Nam Định, đến năm 1831 gọi là tỉnh Nam Định dưới thời Vua Minh Mạng.

Phát huy truyền thống, lịch sử

Năm 1921, người Pháp quy hoạch lại và ra Nghị định thành lập thành phố Nam Định, một trong số những thành phố được lập ra đầu tiên ở Liên bang Đông Dương. Trong quá trình phát triển, thành phố từng là thủ phủ của ngành công nghiệp dệt, là đô thị lớn thứ ba ở miền bắc sau Thủ đô Hà Nội và thành phố Hải Phòng.

Năm 2011, Nam Định được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận là đô thị loại I; thành phố cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch xây dựng thành trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học và xã hội của tỉnh Nam Định và của vùng nam đồng bằng sông Hồng.

Từ sau thời kỳ đổi mới đến nay, thành phố Nam Định có những bước phát triển nhưng chưa tương xứng tiềm năng, vị thế. Để tập trung xây dựng thành phố theo hướng thông minh, hiện đại, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định nhiệm kỳ 2020-2025 đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về tạo động lực, định hướng phát triển toàn diện, phấn đấu đến năm 2030, thành phố Nam Định sẽ cơ bản đạt một số chức năng trung tâm vùng nam đồng bằng sông Hồng.

Năm 2023 là năm có ý nghĩa quan trọng, có tính đột phá và quyết định với mục tiêu đẩy mạnh cải cách hành chính, thu hút đầu tư, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế-xã hội của thành phố Nam Định. Đứng trước cơ hội phát triển và thách thức, thành phố xây dựng các giải pháp có tính đột phá trên cơ sở phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh.

Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố đã đề ra và triển khai các giải pháp chiến lược:

Xây dựng thành phố Nam Định hình thành ba vùng phát triển; đẩy mạnh các mũi nhọn kinh tế gồm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, ưu tiên thu hút đầu tư, phát triển các ngành, lĩnh vực có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao; phát triển kinh tế số, tạo thuận lợi và xây dựng môi trường kinh doanh số, tăng cường các tiện ích đô thị thông minh; tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi với các khu vực trong thành phố và hạ tầng giao thông quốc gia.

Thành phố phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân hơn 17%/năm; giá trị sản xuất ngành thương mại, dịch vụ tăng bình quân hơn 10%/năm; giá trị xuất khẩu trên địa bàn đạt hơn 2 tỷ USD. Thu ngân sách nhà nước từ kinh tế trên địa bàn đạt hơn 4.000 tỷ đồng; thu nhập bình quân đạt hơn 150 triệu đồng/người/năm...

Xây dựng chính quyền phục vụ, hướng đến đô thị thông minh, hiện đại

Bí thư Thành ủy Nam Định Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định, sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thành phố đã phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội nhanh và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Năm 2022, tất cả chín chỉ tiêu kinh tế-xã hội đều đạt và vượt Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố.

Giá trị sản xuất công nghiệp thành phố quản lý (theo giá so sánh năm 2010) đạt hơn 20.940 tỷ đồng, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm 2021. Thu ngân sách nhà nước của thành phố đạt hơn 1.990 tỷ đồng, đạt 167% dự toán được giao; tổng giá trị xuất khẩu đạt hơn 1,5 tỷ USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2022) giảm chỉ còn 1,26%...

Trong công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thực hiện chuyển đổi số, xây dựng, phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số và đô thị thông minh, thành phố Nam Định là địa phương đầu tiên của tỉnh hoàn thành chỉ tiêu cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 theo Nghị quyết số 17 của Chính phủ; hoàn thành mục tiêu cung cấp 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện ở mức độ 4.

Bộ phận một cửa của thành phố và 25 xã, phường đã triển khai việc thanh toán trực tuyến phí, lệ phí trong giải quyết thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp.

Để tạo động lực đột phá phát triển thành phố Nam Định, các cấp ủy, chính quyền đang tập trung đẩy nhanh tiến độ một số công trình, dự án trọng điểm như: Cầu qua sông Đào (nối từ đường Song Hào đến đường Vũ Hữu Lợi), có tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng; khu đô thị mới phía nam sông Đào (giai đoạn 2); khu đô thị Mỹ Trung; dự án Văn hóa thời Trần, Bệnh viện đa khoa tỉnh…

Cùng với đó, thành phố chú trọng công tác chỉnh trang cảnh quan đô thị, nỗ lực tổ chức thi công, hoàn thành đường trục phía nam thành phố (đoạn từ đường Vũ Hữu Lợi đến Quốc lộ 21B); công viên Quảng trường Hòa Bình, khu xử lý rác thải tại xã Mỹ Thành, huyện Mỹ Lộc...

Thành phố cũng nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ; đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới phương thức, tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, công chức, người lao động, hướng đến xây dựng chính quyền phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025, thành phố Nam Định có không gian đô thị mở rộng theo quy hoạch đã được phê duyệt, bảo đảm các điều kiện đô thị trung tâm vùng, tỉnh Nam Định đã thông qua Đề án mở rộng thành phố Nam Định và thành lập một số phường thuộc thành phố.

Theo đó, thành phố Nam Định mở rộng sẽ có diện tích 120,9km², gồm toàn bộ địa giới hành chính của thành phố (hơn 46,4km²) và huyện Mỹ Lộc (gần 74,5km²). So diện tích hiện nay, thành phố Nam Định sẽ được mở rộng gấp khoảng 2,6 lần, mở ra hướng phát triển mạnh mẽ trong tương lai cho thành phố dệt anh hùng.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/doi-thay-tren-thanh-pho-det-anh-hung-post761856.html