Đổi thay trên vùng quê biên giới

Chúng tôi vừa có dịp trở lại vùng đất biên cương Sốp Cộp - nơi hợp lưu của 3 dòng suối Nậm Lạnh, Nậm Ca và Nậm Ban, để chứng kiến sự đổi thay của miền quê trong truyền thuyết 'Nơi con chim bay bạc đầu chưa tới'.

Người dân bản Nà Mòn, xã Mường Và thu hái cam.

Người dân bản Nà Mòn, xã Mường Và thu hái cam.

Huyện Sốp Cộp được chia tách từ huyện Sông Mã tháng 1/2004. Huyện có 8 xã, diện tích 1.477 km², hơn 120 km đường biên giới giáp với nước bạn Lào. Sau 18 năm, trung tâm huyện Sốp Cộp đã mang dáng dấp của một đô thị. Không còn thấy những cây cầu tạm bắc qua suối Nậm Ca, Nậm Lạnh ngày nào, mà thay vào đó là cầu bê tông vững chãi, con đường nhựa thênh thang mới hoàn thành nối quốc lộ 4G vào đến cầu Nậm Ca. Hệ thống đường trung tâm hành chính huyện được quy hoạch, xây dựng ô bàn cờ. Bản Hua Mường giờ nhộn nhịp, với đầy đủ các loại hình dịch vụ, thương mại, các công trình khu vực trung tâm hành chính, chính trị; khu dân cư với nhà xây cao tầng; các khu văn hóa - thể dục thể thao; các trường học... được xây dựng khang trang.

Đồng chí Quàng Văn Tiêu, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, chia sẻ: Câu nói “Nơi con chim bay bạc đầu chưa tới” đối với huyện Sốp Cộp giờ đã đi vào quên lãng, bởi nếu hơn chục năm về trước, phải mất nhiều giờ đồng hồ cho quãng đường đất 30 km từ thị trấn Sông Mã (Sông Mã) về trung tâm huyện Sốp Cộp; dốc Con Kiến cao vút, quanh co vắt vẻo theo sườn núi, dốc Khe Sanh bên này vách đá, bên kia vực thẳm. Thì nay, chỉ mất 45 phút đi trên con đường nhựa phẳng phiu xuyên qua rừng đặc dụng; dốc Con Kiến, Khe Sanh được hạ thấp và mở rộng. Sốp Cộp đang khởi sắc.

Khu trung tâm hành chính huyện được UBND tỉnh công nhận đô thị loại V. Hiện, huyện đang triển khai xây dựng khu đô thị trung tâm huyện, với quy mô gần 2 ha, sẽ là điểm nhấn của thị trấn Sốp Cộp trong tương lai. Hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật từng bước được xây dựng đồng bộ. Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, tạo nhiều chuyển biến mới trong phát triển nông nghiệp, bộ mặt nông thôn; đã có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Không chỉ ở trung tâm huyện, mà tất cả các xã trong huyện đã được xây dựng trụ sở làm việc, trường học, trạm y tế kiên cố, khang trang; đường ô tô đến trung tâm các xã được bê tông và rải nhựa.

Phát triển kinh tế nông nghiệp là trọng tâm, huyện đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu, gắn với triển khai các chính sách hỗ trợ của tỉnh; xây dựng các mô hình kinh tế, chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp người dân nâng cao thu nhập. Ông Vũ Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND huyện Sốp Cộp, cho biết: Đến nay, tổng diện tích cây lương thực có hạt toàn huyện đạt trên 6.200 ha; diện tích cây ăn quả hơn 1.900 ha, sản lượng quả các loại trên 400 tấn; 458 ha cây cà phê, trong đó diện tích cho thu hoạch là 296 ha, năng suất đạt 10 tấn/ha; trồng hơn 40 ha nguyên liệu dứa tại các xã Dồm Cang, Sốp Cộp, Mường Và. Ngoài ra huyện còn phối hợp với Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Mường Và trồng hơn 60 ha cây mắc ca.

Ông Tòng Văn Ên, bản Men, xã Dồm Cang, năm nay 76 tuổi, phấn khởi nói: Từ khi xã được công nhận nông thôn mới, trẻ con học trong trường mới khang trang, trạm y tế khám chữa bệnh cũng đầy đủ thuốc và người dân được đi lại trên những con đường sạch sẽ, chúng tôi vui lắm. Bản rất vui, vì vụ cà phê năm nay được mùa, được giá, nhà nào cũng phấn khởi.

Phát huy kết quả đạt được, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Sốp Cộp tự tin vượt qua khó khăn thách thức, giành nhiều kết quả toàn diện hơn. Đồng chí Quàng Văn Tiêu, Phó Bí thư Thường trực huyện ủy, thông tin thêm: Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Sốp Cộp tiếp tục tập trung phát triển nông lâm nghiệp toàn diện, bền vững; khai thác các nguồn lực, từng bước đầu tư xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Quàng Hưởng

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/doi-thay-tren-vung-que-bien-gioi-46233