Đổi thay từ những ngôi làng 'nông thôn mới Hàn Quốc' tại Hậu Giang
Nhờ sự hỗ trợ của Quỹ Toàn cầu hóa nông thôn mới Hàn Quốc, bà con đã mạnh dạn chuyển đổi từ đất lúa, đất kém hiệu quả sang trồng màu, trồng cây ăn trái và các mô hình làm ăn có hiệu quả khác.
Giai đoạn 2016-2020, Quỹ Toàn cầu hóa nông thôn mới Hàn Quốc (SGF) phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang triển khai thí điểm hai làng nông thôn mới tại ấp 9, xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ và tại ấp Tân Quới Lộ, xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp (Làng nông thôn mới-Saemaul).
Qua gần 5 năm thực hiện dự án, SGF đã hỗ trợ hơn 1,2 triệu USD (gần 30 tỷ đồng) và Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang đối ứng gần 10 tỷ đồng đầu tư cho hai làng nông thôn mới này.
Đến nay, hai ngôi làng nông thôn mới đầu tiên đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Đầu tư hạ tầng, đổi mới sản xuất
Từ năm 2016 đến năm 2020, thông qua sự quan tâm hỗ trợ từ nhiều mặt của SGF và Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang, nên người dân tại hai làng nông thôn mới tại ấp 9, xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ và tại ấp Tân Quới Lộ, xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp đã tổ chức sản xuất tốt; ứng dụng công nghệ tiên tiến và đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Đến nay, SGF đã hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình nhà văn hóa cộng đồng, xây dựng trụ sở 2 hợp tác xã và hệ thống nông trại sản xuất nông nghiệp trên 4.000m2 nhà kính và nhà lưới/làng cũng như xây dường bêtông nội đồng trong khu trang trại, cổng chào, xây cầu qua khu trang trại.
Bên cạnh đó, địa phương, hợp tác xã cùng với SGF mắc điện 3 pha cho hệ thống nông trại trồng nấm rơm, dưa lưới với kinh phí 50 triệu đồng; đồng thời, tổ chức tuyên truyền cho người dân về bảo vệ môi trường.
Người dân tại 2 hợp tác xã ở làng nông thôn mới còn được hỗ trợ nhiều trang thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp như máy cắt lúa, máy kéo, máy cấy, máy xới, máy cày, kho lạnh bảo quản nông sản.
SGF đã phối hợp với chính quyền địa phương tại 2 làng nông thôn mới triển khai mô hình sản xuất lúa bằng hình thức sử dụng phân bón hữu cơ, mô hình cá-lúa.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang đầu tư nâng cấp tuyến Tỉnh lộ 930B, nhờ đó giao thông tại làng nông thôn mới ấp 9 xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ được thông suốt, thuận lợi để phát triển.
Ông Trần Văn A, nông dân làng nông thôn mới Tân Quới Lộ, xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp cho biết, trước năm 2017 ở làng bà con sản xuất nông nghiệp theo mô hình cá thể truyền thống, nên nguồn thu nhập rất thấp.
Giao thông đi lại thì gặp nhiều khó khăn, các tuyến kênh thủy lợi chưa được thông thoáng, khu vực sản xuất chưa có đê bao ngăn lũ, nên việc vận chuyển hàng hóa nông sản của bà con gặp nhiều khó khăn.
Sau khi được sự quan tâm đầu tư và hỗ trợ của chính quyền các cấp và nước bạn Hàn Quốc, hiện nay chất lượng cuộc sống ở làng được nâng lên rõ rệt.
Trồng lúa đã có máy bơm nước phục vụ, giá thành bơm thấp đem lại lợi nhuận cho bà con cao hơn. Kênh thủy lợi được nạo vét thông thoáng tạo thuận lợi cho giao lưu hàng hóa nông sản dễ dàng hơn.
Lộ giao thông được nối liền các ấp, ban đêm có đèn thắp sáng bảo đảm an ninh trật tự ở địa phương. Bà con trong làng đoàn kết làm ăn tập thể theo hướng hợp tác xã, từ đó đời sống ngày càng được nâng cao.
Theo ông Trần Đức Trung, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, đến nay, người dân ở làng nông thôn mới ấp 9 đã có sự chuyển biến trong nhận thức cũng như hành động, mạnh dạn chuyển đổi từ đất lúa, đất kém hiệu quả sang trồng màu, trồng cây ăn trái và các mô hình làm ăn có hiệu quả khác; đồng thời, đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được 56ha, các sản phẩm làm ra từ khi chuyển đổi đều đạt năng suất và chất lượng sản phẩm như: mô hình trồng đậu bắp Nhật, trồng dưa lê, dưa kim hồng ngọc, trồng ớt.
Ông Lê Như Lê, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phụng Hiệp, cho biết khi phối hợp thực hiện dự án làng nông thôn mới-Saemaul, đến nay huyện có 2/10 xã đạt chuẩn nông thôn mới theo quy định.
Tại đây đã hình thành được hợp tác xã, trang bị kiến thức cho người dân từ sản xuất bình thường chuyển sang ứng dụng công nghệ như trồng dưa lưới, nấm bào ngư, sản xuất chất lượng cao hướng đến hữu cơ.
Hình mẫu nhân rộng
Theo ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang, từ những kết quả tích cực đạt được sau thời gian phối hợp giữa tỉnh Hậu Giang với SGF thực hiện 2 làng nông thôn mới, đây sẽ là hình mẫu để các địa phương trong tỉnh nghiên cứu nhân rộng.
Hậu Giang đề nghị SGF tại Việt Nam tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ người dân trong hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế nông nghiệp theo mô hình nông thôn mới Saemaul; đồng thời, làm cầu nối, xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm nông sản của hai làng nông thôn nói riêng và của tỉnh nói chung sang thị trường Hàn Quốc.
Bên cạnh đó, Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh tiếp tục tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh xây dựng và thực hiện dự án làng nông thôn mới trong giai đoạn tiếp theo.
Các địa phương Phụng Hiệp, huyện Long Mỹ, có kế hoạch phát triển, nhân rộng mô hình làng nông thôn mới tại địa phương, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các nhân viên và tình nguyện viên của SGF triển khai dự án trên địa bàn các huyện.
Ông Kwak Busung, Trưởng đại diện SGF tại Việt Nam, cho biết hai làng nông thôn mới được SGF phối hợp với tỉnh Hậu Giang thực hiện trong thời gian qua là hai làng đầu tiên của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Hai bên đã triển khai được nhiều công việc theo mục tiêu, kế hoạch đề ra để xây dựng thành công hai làng nông thôn mới ở Hậu Giang.
Người dân hai làng đã phát huy tinh thần cần cù, tự lực và hợp tác trong sản xuất và đời sống. Dù chương trình hợp tác đã kết thúc nhưng SGF tại Việt Nam sẽ đề xuất tiếp tục có những chính sách hỗ trợ cho 2 làng nông thôn mới của tỉnh Hậu Giang trong thời gian tới.
Theo ông Lê Như Lê, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, trong thời gian tới, huyện đẩy mạnh việc vận động, tuyên truyền về chiều rộng lẫn chiều sâu bằng nhiều hình thức, từ trong cán bộ đảng viên đến các đoàn thể và bà con nông dân thực hiện sản xuất, nâng cao thu nhập; nhất là xây dựng nông thôn mới theo mô hình Làng nông thôn mới-Saemaul.
Địa phương sẽ tăng cường phối hợp với các tổ chức, ban, ngành đoàn thể, hợp tác xã thực hiện hướng dân xây dựng mô hình, chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm; đồng thời, tổ chức lại sản xuất theo mô hình tập trung, quy mô lớn là các hợp tác xã sản xuất theo chuỗi, theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, VietGAP, GlobalGAP./.