Đổi thay vùng đất anh hùng
Sơn Điền và Đinh Trang Thượng là xã vùng sâu, vùng căn cứ cách mạng của huyện Di Linh với đa số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), người dân nơi đây đã nỗ lực vượt khó, đoàn kết cùng nhau phát triển kinh tế. 75 mùa Xuân, vùng căn cứ cách mạng huyện Di Linh đã có nhiều đổi thay, đồng bào đã thay đổi tư duy, lựa chọn các phương thức sản xuất phù hợp với điều kiện của địa phương, từ đó cuộc sống của người dân đã được nâng lên, bon làng thêm nhiều khởi sắc.
Chúng tôi đến Sơn Điền vào thời điểm không khí “Tết độc lập” tràn ngập những nẻo đường. Trong số 7 thôn của xã thì có 4 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn (nay sau khi sáp nhập còn lại 5 thôn). Toàn xã có 673 hộ với 3.056 khẩu, trong đó đồng bào DTTS chiếm khoảng 97%, trình độ dân trí không đồng đều. Song, những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đã đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi nên người dân Sơn Điền đã phát huy tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh phát triển kinh tế; từ sản xuất lúa một vụ nay người dân đã sản xuất lúa hai vụ, biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt và chăn nuôi. Toàn xã có 171 ha lúa nước, năng suất bình quân đạt từ 40 - 45 tạ/ha, có 1.763 ha cà phê với sản lượng năm 2019 đạt trên 3.500 tấn, hiện đàn trâu, bò, heo, dê có khoảng 1.100 con, gia cầm các loại trên 2.800 con.
Ông K’Vít - Bí thư Đảng ủy xã Sơn Điền, cho biết: “Được sự quan tâm của các cấp chính quyền, cơ sở hạ tầng nông thôn, nhất là đường giao thông đã tác động tích cực đến đời sống, phát triển kinh tế của người dân trong xã. Hiện xã Sơn Điền đang thi công công trình thủy lợi Đạ Sar với mức đầu tư 20 tỷ đồng để phục vụ tưới tiêu cho 150 ha cà phê cùng 80 ha lúa 2 vụ cho người dân. Hay tuyến đường chính đến trung tâm xã cũng đang được sửa chữa, nâng cấp, giúp người dân đi lại thuận tiện hơn. Trong thời gian tới, xã sẽ định hướng mở thêm các tuyến đường mới để lưu thông các mặt hàng nông sản của người dân được thuận lợi”.
Trong tiết trời “Xuân” se lạnh, trên vùng căn cứ cách mạng Sơn Điền người dân đang rộn ràng chào đón Tết độc lập, sự tưng bừng phấn khởi ấy được thể hiện trên từng khuôn mặt, nụ cười. Bởi trong năm 2019, trên mảnh đất này có 2 công trình phúc lợi, đó là công trình thủy lợi tại thôn Ka Liêng và cầu Đạ Sar với chiều dài 24 m đã đưa vào sử dụng phục vụ người dân địa phương...
Cùng với các chương trình, dự án đầu tư của Nhà nước, việc tăng cường công tác tuyên truyền, vận động bà con xây dựng đời sống văn hóa; chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi; áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất đã tác động tích cực làm thay đổi trong nếp nghĩ, cách làm, xóa dần các tập quán canh tác lạc hậu đã tồn tại nhiều năm. Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng về với Sơn Điền trong những ngày này, chúng ta sẽ cảm nhận được những đổi thay ở khắp các bon. Những vùng đất rẫy triền đồi quanh các cánh rừng mà trước đây bà con chỉ gieo tỉa bắp, lúa nương năng suất kém nay đã được phủ màu xanh cà phê; nhiều ngôi nhà xây mái ngói đã “mọc” lên ở khắp bon, tạo cho bức tranh ở vùng căn cứ cách mạng này thêm sự tươi mới.
Nhắc tới bà Ka Thuyền (thôn Bờ Nơm), ông K’Hồng (thôn Kon Sỏ), anh K’Ngả… thì hầu như ai cũng đều trầm trồ khen ngợi, bởi trước đây gia đình họ cũng thuộc diện nghèo khó nhưng nhờ tích cực lao động sản xuất, đến nay đã có của ăn, của để, hàng năm thu từ 10 đến 15 tấn cà phê nhân và xây dựng được căn nhà khang trang trị giá từ vài trăm đến hơn một tỷ đồng, đầu tư các nông cụ phục vụ sản xuất và mua sắm ô tô con phục vụ sinh hoạt. “Những năm qua, bà con chúng tôi đã ý thức trong việc áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh chuyển đổi giống cây cà phê mới cho năng suất cao; đồng thời chú trọng phát triển các mô hình trồng xen. Đến nay, đời sống bà con trong xã đã ổn định hơn trước rất nhiều”, ông K’Brẻoh ở bon Jang Pàr vui vẻ nói.
Nhờ chính sách đầu tư của Nhà nước cùng sự nỗ lực vượt khó vươn lên của người dân, nên đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS ở vùng căn cứ cách mạng Sơn Điền đã có sự chuyển mình rõ nét. Nếu năm 2015, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 16 triệu đồng/người/năm thì đến cuối năm 2019 đã nâng lên 25 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo năm 2016 chiếm 33% thì đến cuối năm 2019 giảm xuống còn 8,2%.
Còn với đồng bào DTTS ở xã Anh hùng Đinh Trang Thượng, điểm nổi bật nhất của người dân nơi đây là sự thay đổi tư duy trong việc tổ chức sản xuất. Đồng bào đã chú trọng đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả… Toàn xã hiện có 2.517 ha đất canh tác cà phê, trong đó 552,9 ha diện tích đã được tái canh và diện tích trồng xen 118,7 ha. Năng suất cà phê bình quân đạt từ 3-3,5 tấn/ha.
Không chỉ chú trọng chuyển đổi cà phê giống mới cho năng suất cao, nhiều năm nay, người dân Đinh Trang Thượng đã đẩy mạnh trồng xen các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế như: sầu riêng, bơ, mít, bưởi da xanh; đồng thời, từ năm 2019 đến nay đã có khoảng 40 hộ dân chuyển đổi một số diện tích cà phê già cỗi, kém hiệu quả sang trồng khoảng 18 ha dâu nuôi tằm, từng bước phá vỡ thế độc canh cây cà phê để hướng đến đa dạng hóa cây trồng, nâng cao nguồn thu nhập cho người nông dân.
Chủ tịch UBND xã Đinh Trang Thượng K’Đô, chia sẻ: “Hiện nay, trên địa bàn xã đã xây dựng được 9 mô hình sản xuất nông nghiệp, trồng trọt và chăn nuôi. Nhìn chung các mô hình đang từng bước phát huy hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người dân. Toàn xã hiện có 996 hộ, khoảng 3.800 nhân khẩu, trong đó đồng bào DTTS chiếm trên 95%; thu nhập bình quân đầu người đạt 34 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 6,3%. Hiện xã đã hoàn thành 17/19 tiêu chí nông thôn mới và tiếp tục từ nay đến cuối năm phải hoàn thành thêm 2 tiêu chí về thu nhập và cơ sở vật chất trường học; phấn đấu đến cuối năm 2020 Đinh Trang Thượng sẽ về đích nông thôn mới”.
75 năm mùa Xuân đã qua kể từ Tết Độc lập năm 1946, nay về với xã Anh hùng Đinh Trang Thượng, chúng tôi cảm nhận niềm vui như được nhân lên và đang lan tỏa khắp bon trù phú yên vui, những vườn cà phê xanh ngát, trĩu quả, hứa hẹn một năm bội thu và có nhiều sự bứt phá đi lên ở vùng đất anh hùng giàu truyền thống cách mạng này.
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/202009/doi-thay-vung-dat-anh-hung-3020057/