Đối thoại 2+2 Mỹ-Nhật - Quan ngại sâu sắc trước sức mạnh ngày càng gia tăng của Trung Quốc

Ngày 7/1, tại đối thoại 2+2 Mỹ-Nhật, hai nước đã lên tiếng bày tỏ quan ngại sâu sắc trước sức mạnh ngày càng gia tăng của Trung Quốc, đồng thời cam kết phối hợp nhằm đẩy lùi các âm mưu gây bất ổn khu vực.

Mỹ khẳng định cam kết bảo vệ Nhật Bản theo Hiệp ước Hợp tác và An ninh Tương hỗ Mỹ-Nhật bằng cách sử dụng tất cả các năng lực của mình, trong đó có vũ khí hạt nhân. (Nguồn: Reuters)

Mỹ khẳng định cam kết bảo vệ Nhật Bản theo Hiệp ước Hợp tác và An ninh Tương hỗ Mỹ-Nhật bằng cách sử dụng tất cả các năng lực của mình, trong đó có vũ khí hạt nhân. (Nguồn: Reuters)

Ngăn chặn, đối phó với hành động gây bất ổn

Những tuyên bố trên, được đưa ra trong thông cáo chung sau cuộc họp trực tuyến theo định dạng “2+2” giữa ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng hai nước, còn gọi là Ủy ban Tham vấn An ninh Mỹ-Nhật.

Cuộc họp này có sự tham dự của các Bộ trưởng Ngoại giao Yoshimasa Hayashi và Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi của Nhật Bản, cùng những người đồng cấp Antony Blinken và Lloyd Austin của Mỹ.

Theo thông cáo chung, các bộ trưởng đã nêu bật mức độ ngày càng nguy cấp mà Trung Quốc đang đặt vai trò an ninh của Nhật Bản vào trọng tâm lớn hơn. Các bộ trưởng đã bày tỏ quan ngại về những tính toán của Trung Quốc “hòng làm suy yếu trật tự dựa trên luật lệ” gây ra những thách thức trong lĩnh vực “chính trị, kinh tế, quân sự và công nghệ đối với cả khu vực lẫn thế giới”.

Thông cáo cho biết: “Hai bên quyết tâm phối hợp để ngăn chặn và, nếu cần thiết, đối phó với các hành động gây bất ổn trong khu vực này”.

Daniel Russel, nhà ngoại giao cấp cao hàng đầu của Mỹ phụ trách châu Á dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama và hiện đang cộng tác với Viện Chính sách xã hội châu Á nhận định: “Đây rõ ràng là một thông điệp tổng hợp, phản ánh mối quan ngại chung, không phải chỉ là nỗ lực của Mỹ nhằm thuyết phục Nhật Bản ký vào những cam kết mơ hồ… Đặc biệt, quyết tâm chung nhằm đối phó trước các hành động gây bất ổn thể hiện sự đoàn kết của liên minh”.

Các bộ trưởng hai nước cũng thừa nhận các thách thức cấp bách đến từ các căng thẳng địa chính trị, dịch Covid-19, khủng hoảng khí hậu, đồng thời tái khẳng định cam kết đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, cũng như các giá trị và nguyên tắc cơ bản.

Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, tại cuộc họp này, Nhật Bản đã nhắc lại quyết tâm nâng cao năng lực phòng thủ nhằm tăng cường quốc phòng và đóng góp cho hòa bình và ổn định của khu vực. Phía Mỹ hoan nghênh quyết tâm này của Nhật Bản và bày tỏ sẽ tối ưu hóa sự bố trí cũng như năng lực của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương như đã đề cập trong báo cáo Đánh giá Bố trí Toàn cầu gần đây.

Mỹ cũng tái khẳng định cam kết bảo vệ Nhật Bản theo Hiệp ước Hợp tác và An ninh Tương hỗ Nhật Bản-Mỹ bằng cách sử dụng tất cả các năng lực của mình, trong đó có vũ khí hạt nhân.

Cũng tại cuộc họp, các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao của hai nước đã tái khẳng định sự ủng hộ đối với hoạt động thương mại hợp pháp không bị cản trở và tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có tự do hàng hải và hàng không và các hoạt động sử dụng biển một cách hợp pháp.

Hai bên cũng tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ đối với sự đoàn kết và vai trò thiết yếu của ASEAN cũng như Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP).

Các bộ trưởng nhấn mạnh sự cần thiết của việc tăng cường các sáng kiến hợp tác an ninh và xây dựng năng lực với các đối tác ở Đông Nam Á và các quốc đảo Thái Bình Dương.

Bên cạnh đó, các bộ trưởng bày tỏ quan ngại về các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông và Biển Đông.

Phát triển các công cụ mới

Ngoại trưởng Blinken cho biết liên minh Mỹ-Nhật Bản “không những phải tăng cường các công cụ có sẵn, mà còn cần phát triển các công cụ mới”.

Sau cuộc họp, Ngoại trưởng Nhật Bản Hayashi Yoshimasa cho biết Tokyo vừa giải trình kế hoạch sửa đổi chiến lược an ninh quốc gia nhằm thúc đẩy cơ bản các năng lực quốc phòng, vốn được người đồng cấp Mỹ ủng hộ mạnh mẽ.

Tháng 10/2021, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cam kết sửa đổi chiến lược an ninh quốc gia của nước này để cân nhắc “tất cả các lựa chọn, trong đó có việc sở hữu các năng lực tấn công kẻ thù”.

Chính quyền Thủ tướng Kishida cũng vừa phê duyệt khoản ngân sách quốc phòng kỷ lục cho năm 2022, đánh dấu năm thứ 10 liên tiếp Nhật Bản tăng chi tiêu trong lĩnh vực quốc phòng.

Cũng theo một thỏa thuận mới được ký kết, Nhật Bản sẽ gia hạn gói hỗ trợ khoảng 50.000 binh lính Mỹ đóng quân tại nước này với thời hạn 5 năm. Ngoại trưởng Blinken cho rằng thỏa thuận mới này “sẽ đầu tư nhiều nguồn lực lớn hơn để cải thiện năng lực sẵn sàng chiến đấu và khả năng tương tác giữa quân đội hai nước”.

Sau cuộc họp này, tại Tokyo, Bộ trưởng Hayashi và Đại sứ lâm thời của Mỹ tại Nhật Bản Raymond Greene đã ký thỏa thuận về việc Nhật Bản hỗ trợ chi phí cho hoạt động đồn trú của các lực lượng quân sự Mỹ.

Theo đó, kể từ tháng 4 năm nay, Tokyo sẽ chi tổng cộng 1.050 tỷ Yen (khoảng 9,2 tỷ USD) trong vòng 5 năm tới để hỗ trợ hoạt động đồn trú của các lực lượng Mỹ ở Nhật Bản, tăng gần 70 tỷ Yên, khoảng 5%, so với số tiền mà Tokyo đã chi trong giai đoạn 2016-2020.

Tokyo đã xây dựng một liên minh chặt chẽ theo hiệp ước với Washington. Nhật Bản lo liệu chi phí cho các lực lượng và trang bị quân dụng của Mỹ tại nước này.

Thỏa thuận trước đó hết hạn vào tháng 3/2021 nhưng được gia hạn thêm 1 năm do Washington thay đổi chính quyền.

(theo Reuters, AFP)

Vy Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/doi-thoai-22-my-nhat-quan-ngai-sau-sac-truoc-suc-manh-ngay-cang-gia-tang-cua-trung-quoc-170272.html