Đối thoại 20 năm hợp tác, mở ra nhiều cơ hội mới giữa ngành y tế Việt Nam và Đại học Y Harvard
PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế đã dẫn đầu đoàn đại biểu của Bộ Y tế tham dự Hội thảo khoa học chuyên đề & Đối thoại đối tác kỷ niệm 20 năm hợp tác thúc đẩy quan hệ đối tác phát triển ngành y tế Việt Nam.
Được sự ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Y tế, PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế đã dẫn đầu đoàn đại biểu tham dự Hội thảo khoa học chuyên đề & Đối thoại đối tác kỷ niệm 20 năm hợp tác thúc đẩy quan hệ đối tác phát triển ngành y tế Việt Nam giữa Bộ Y tế Việt Nam, Trường Đại học Y Harvard và các đơn vị trực thuộc tại thành phố Boston, Hoa Kỳ từ ngày 10 đến 12/10.
Năm 2023, Trường Đại học Y Harvard và các bệnh viện trực thuộc tổ chức kỷ niệm 20 năm hợp tác với Bộ Y tế Việt Nam và các trường đại học, các bệnh viện và các cơ sở y tế của Việt Nam. Để đánh dấu cột mốc quan trọng này, chuỗi các sự sự kiện y tế giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã được tổ chức để cùng nhìn lại những thành tựu trong mối quan hệ hợp tác giữa các bên và cùng nhau xem xét cách thức để củng cố, phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác và mở ra các lĩnh vực hợp tác mới trong tương lai.
Trong khuôn khổ chuỗi các hoạt động kỷ niệm, Trường Đại học Y Harvard đã tổ chức Hội thảo khoa học chuyên đề với chủ đề "Thúc đẩy quan hệ đối tác phát triển ngành Y tế Việt Nam" vào ngày 10/10.
Nội dung gồm các chủ đề: nâng cao chất lượng và tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của Việt Nam; tăng cường và đảm bảo năng lực cho nguồn nhân lực y tế của Việt Nam để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe trong thế kỷ 21; tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới và nghiên cứu y sinh; tăng cường khả năng ứng phó với các đại dịch và dịch bệnh mới nổi, biến đổi khí hậu và các mối đe dọa sức khỏe toàn cầu khác, dựa trên các bài học từ Việt Nam trong quá trình ứng phó với HIV/AIDS và COVID-19; và các lĩnh vực hợp tác khác giữa Trường Y Harvard và các đối tác Việt Nam.
Tại Hội thảo khoa học chuyên đề, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đã có bài phát biểu khai mạc trong đó nêu rõ: trong 20 năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong những năm qua Y tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng tự hào. Các chỉ số sức khỏe cơ bản cao hơn nhiều nước có mức thu nhập tương đương. Việt Nam đã đạt được những tiến bộ trong thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc trong lĩnh vực y tế.
Với đại dịch COVID-19, hệ thống y tế Việt Nam cũng đã kịp thời ứng phó và kiểm soát tốt tình hình dịch, triển khai tiêm vaccine COVID-19 một cách toàn diện và nhanh chóng, đạt tỉ lệ bao phủ và hiệu suất sử dụng vaccine COVID-19 cao. Các dịch bệnh khác cũng đã được kiểm soát một cách hiệu quả. Chất lượng dịch vụ y tế ngày càng được cải thiện. Mọi người dân đều được tiếp cận các dịch vụ y tế cơ bản. Chỉ số bao phủ dịch vụ y tế thiết yếu của Việt Nam đạt 70/100 điểm, cao hơn mức trung bình của Đông Nam Á ở mức 61 điểm và mức trung bình toàn cầu 67 điểm.
Những thành tựu này là kết quả của sự nỗ lực của cả hệ thống y tế Việt Nam và cũng là kết quả của việc hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm của các đối tác quốc tế trong nâng cao năng lực ngành y tế, trong đó có chương trình hợp tác 20 năm của Bộ Y tế và Trường Y Harvard.
Sự hợp tác này đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận như: đổi mới chương trình giáo dục y khoa bậc đại học và sau đại học tại 10 trường đại học y dược trên khắp Việt Nam, có tác động tới hơn 12.000 sinh viên y khoa; tăng cường hệ thống y tế cải thiện chất lượng và dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là trong lĩnh vực HIV/AIDS, phòng chống bệnh viêm gan và trong công tác kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, tác động tới hơn 15.000 nhân viên y tế; Xây dựng năng lực trong hợp tác nghiên cứu để hoàn thiện chính sách y tế.
Đặc biệt, trong đại dịch COVID-19, Trường Y Harvard và các bệnh viện trực thuộc đã phối hợp với Bộ Y tế và các trường đại học y dược, bệnh viện tại Việt Nam nhanh chóng xây dựng chương trình đào tạo cho sinh viên y khoa và nhân viên y tế để có thể tham gia tích cực trong phòng chống dịch, đồng thời huy động khoảng 950.000 đô la Mỹ để tập huấn cho hơn 8.792 sinh viên y khoa và 1.000 nhân viên y tế tại 194 bệnh viện, góp phần vào việc ứng phó và kiểm soát thành công đại dịch COVID-19 tại Việt Nam.
Tuy nhiên, hệ thống y tế Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế; chất lượng khám chữa bệnh, nhất là tại tuyến y tế cơ sở chưa cao; đầu tư cho y tế vẫn ở mức thấp so với yêu cầu phát triển của ngành y tế; trong khi đó nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng cao; gia tăng các bệnh không lây nhiễm, già hóa dân số…
Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương chia sẻ, định hướng của Y tế Việt Nam trong thời gian tới là phát triển hệ thống y tế bền vững theo hướng Công bằng - Hiệu quả - Phát triển, đảm bảo mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế cơ bản có chất lượng ngay tại nơi sinh sống, đồng thời có thể tiếp cận với các dịch vụ kỹ thuật cao, hiện đại khi có nhu cầu.
Ngành y tế sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc đầu tư, hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các bệnh viện trung ương, tuyến tỉnh, tuyến huyện; tăng cường hoạt động chỉ đạo tuyến, hướng dẫn hỗ trợ chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật; đẩy mạnh phát triển xã hội hóa y tế nhằm thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư cho y tế... Đồng thời, tăng cường năng lực cho y tế cơ sở trong cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, thực hiện mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.
Bộ Y tế Việt Nam đánh giá cao các kết quả nổi bật hợp tác trong 20 năm qua giữa Bộ Y tế và Đại học Y Harvard về công tác đào tại nhân lực y tế chất lượng cao và định hướng ưu tiên hợp tác của Bộ Y tế trong thời gian tới gồm 5 lĩnh vực:
(i) Hướng dẫn Luật Khám chữa bệnh trong đó có hướng dẫn thành lập Hội đồng Y khoa Quốc gia;
(ii) Tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng đào tạo trong các trường đại học y khoa, đẩy nhanh phê duyệt các dự án về đào tạo trong khuôn khổ hợp tác giữa hai bên;
(iii) Nâng cao chất lượng quản lý, quản trị bệnh viện;
(iv) Hợp tác về các lĩnh vực là thế mạnh của Trường Y Harvard như: ứng dụng công nghệ thông tin y tế, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu khoa học;
(v) Hợp tác hỗ trợ xây dựng các chính sách về y tế như các luật, các quy định thực hành y khoa.
Nhân dịp tham dự Hội nghị khoa học chuyên đề & Đối thoại đối tác kỷ niệm 20 năm hợp tác giữa Trường Đại học Y Harvard và ngành Y tế Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế, GS. David E. Golan - Hiệu trưởng Phụ trách nghiên cứu và Chương trình toàn cầu Chủ tịch thành viên Hội đồng quản trị Đại học Harvard thông qua hoạt động của Trường Y Harvard.
TS. Gyongyi Szabo - Giám đốc học thuật Trung tâm Y khoa Neth Israel Deaconess và Ths. Allison Moriaty - Phó Chủ tịch cấp cao, kế hoạch và vận hành nghiên cứu và đổi mới – Bệnh viện Brigham và Phụ nữ đã ký kết Phụ lục Bản ghi nhớ hợp tác làm cơ sở cho hợp tác giữa các bên trong thời gian tới.
Mục đích của việc ký kết Phụ lục Bản ghi nhớ nhằm gia hạn Bản ghi nhớ các bên đã ký kết năm 2017 đến ngày 30 tháng 9 năm 2028 và bổ sung sửa đổi một số nội dung hợp tác giữa các bên trong thời gian tới.
Nội dung chính, gồm:
(i) Tăng cường và duy trì giáo dục y khoa dựa trên năng lực cho sinh viên đại học và sau đại học, bao gồm nhưng không giới hạn việc phát triển chương trình giảng dạy chất lượng cao cho giai đoạn giảng dạy tiền lâm sàng và lâm sàng; và cung cấp đào tạo các phương pháp giảng dạy khác nhau để giảng dạy các chương trình học mới được phát triển;
(ii) Đào tạo và hướng dẫn cho nhân viên y tế Việt Nam để cung cấp dịch vụ chăm sóc lâm sàng chất lượng cao và tối ưu hóa các quy trình lâm sàng để cung cấp dịch vụ chăm sóc chất lượng cao;
(iii) Cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực cho Bộ Y tế và các cơ sở y tế tại Việt Nam nhằm hỗ trợ đạt được mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn dân, ứng phó với các mối đe dọa sức khỏe mới nổi, biến đổi khí hậu và sẵn sàng ứng phó các đại dịch;
(iv) Xây dựng năng lực nghiên cứu thông qua giám sát chặt chẽ kết quả các chương trình/dự án do HAIVN đề xuất;
và (v) Khám phá các cơ hội để tìm các nguồn tài trợ hợp tác mới để thực hiện thêm các hoạt động nghiên cứu bổ sung.
Trong thời gian diễn ra Hội thảo, đoàn công tác của Việt Nam đã tham gia trình bày và thảo luận tại các phiên họp chuyên đề.
Tại phiên chuyên đề 1 của Hội thảo, TS. Hà Anh Đức, Chánh văn phòng Bộ Y tế đã có bài trình bày về bối cảnh và tầm nhìn hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.
Các diễn giả là các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia của Việt Nam, chuyên gia của Trường Harvard đã cùng nhau thảo luận những thách thức, cơ hội và định hướng ưu tiên và những cơ hội đạt được bao phủ y tế toàn dân cũng như thúc đẩy các quan hệ đối tác trong tiến trình đạt được bao phủ y tế toàn dân trong đó nhấn mạnh vai trò của tài chính y tế, nguồn nhân lực y tế, sự tham gia của các đối tác….
Tại phiên thảo luận chuyên đề về Bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đã trực tiếp chia sẻ về các chính sách và thực trạng nguồn nhân lực y tế của Việt Nam, những khó khăn thách thức trong phát triển nguồn nhân lực y tế đặc biệt là y tế cơ sở.
Lãnh đạo Bộ Y tế đưa ra các giải pháp ưu tiên phát triển nguồn nhân lực y tế của Việt Nam để thực hiện mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân như:
Xây dựng kế hoạch quốc gia về phát triển nguồn nhân lực y tế, mở rộng các loại hình đào tạo để tăng số lượng nguồn nhân lực y tế cho y tế có cở sở, miền núi vùng sâu vùng xa để đảm bảo số lượng nguồn nhân lực y tế;
Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế, Việt Nam cần thực hiện tổ chức kỳ thi quốc gia về cấp chứng chỉ hành nghề, thực hiện việc cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn dựa trên quy định về đào tạo liên tục;
Ban hành và nâng cao hiệu quả triển khai các chính sách đảm bảo điều kiện cho y tế cơ sở hoạt động, đổi mới cơ chế tài chính cho y tế cơ sở; đổi mới hoạt động của y tế cơ sở theo nguyên lý y học gia đình;
Đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế; đảm bảo cung ứng đủ thuốc có chất lượng;
Bảo đảm chính sách tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân viên y tế nói chung, nhân viên y tế cơ sở tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ và đặc thù công việc. Có chính sách thu hút bác sĩ về công tác tại tuyến y tế cơ sở, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn;
Thực hiện đổi mới chương trình đào tạo dựa trên yêu cầu về năng lực và nâng cao chất lượng đào tạo. Chú trọng đào tạo liên tục cập nhật kiến thức cho nhân viên y tế.
Về nội dung về tăng cường khả năng thích ứng của hệ thống y tế thống qua việc chuẩn bị cho đại dịch và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, đoàn Việt Nam đã có 2 bài trình bày của Bệnh viện Nhi Trung ương với nội dung điểm lại cách ứng phó của Việt Nam với đại dịch COVID-19 và những bài học kinh nghiệm chuẩn bị cho các mối đe dọa đến sức khỏe và bài trình bày của Đại học Y Dược Huế về thực trạng biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến sức khỏe và chia sẻ các chiến lược thích ứng và giảm nhẹ đảm bảo khả năng phục hồi của ngành y tế.
Tại phiên thảo luận, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đã chia sẻ biến đổi khí hậu có tác động đến sức khỏe con người và hệ thống y tế theo nhiều cách khác nhau, và cũng là một trong những nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm, các bệnh truyền nhiễm trong đó có các bệnh lây truyền từ động vật sang người, các dịch bệnh mới nổi.
Các hệ thống y tế cũng có nguy cơ chịu tác động trực tiếp do khí hậu, có thể làm suy yếu hoặc phá hủy cơ sở hạ tầng y tế, ảnh hưởng tới nước sạch và vệ sinh, hệ thống quản lý chất thải y tế. Ngành y tế góp phần gây ra khoảng 5% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu, do đó ngành y tế cũng cần phải thực hiện các hoạt động giảm phát thải, gồm thông qua mua sắm bền vững và quản lý chất thải y tế.
Như vậy, nhu cầu về hệ thống y tế có khả năng chống chịu với khí hậu đã rõ ràng, và việc lồng ghép thích ứng với biến đổi khí hậu vào y tế cũng đồng nghĩa với việc xây dựng các cơ sở y tế giảm phát thải carbon và có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu.
Hiện nay Bộ Y tế Việt Nam đang tiến hành các thủ tục tham gia ATACH - Liên minh hành động chuyển đổi về sức khỏe và khí hậu do Tổ chức Y tế thế giới khởi xướng tại COP 26 năm 2021. Thông qua việc tham gia ATACH sẽ góp phần hỗ trợ Bộ Y tế thực hiện các cam kết của Chính Phủ Việt Nam cũng như thực hiện Kế hoạch hành động của ngành y tế ứng phó với BĐKH giai đoạn 2019-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Với chuyên đề nội dung đảm bảo chăm sóc lấy con người làm trung tâm trong thiết kế hệ thống y tế và cung cấp dịch vụ chăm sóc, đại diện Cục phòng, chống HIV/AIDS tham gia trình bày và tọa đàm tại với 3 nội dung:
(1) Đảm bảo nguyên lý chăm sóc lấy con người làm trọng tâm trong quá trình thiết kế hệ thống y tế và cung cấp dịch vụ y tế;
(2) Đầu tư mạnh mẽ cho nghiên cứu;
(3) Các chiến lược và bài học trong việc triển khai điều trị và dự phòng viêm gan B/C trên nhóm đích.
Chuyên đề "Đảm bảo nguyên lý chăm sóc lấy con người làm trọng tâm trong quá trình thiết kế hệ thống y tế và cung cấp dịch vụ y tế" đại diện Cục Phòng, chống HIV/AIDS báo cáo tham luận về "sàng lọc, quản lý ca bệnh trong chẩn đoán và điều trị các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, rối loạn lipd máu, đái tháo đường, sàng lọc ung thư cổ tử cung và sức khỏe tâm thần ở người nhiễm HIV đang từng bước được mở rộng trên cơ sở hệ thống chăm sóc sức khỏe sẵn có tại Việt Nam.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương và các thành viên trong đoàn đã tham dự Hội thảo chuyên đề thảo luận về đầu tư vào nghiên cứu và sự đổi mới mạnh mẽ trong đó có trao đổi về mô hình hợp tác nghiên cứu và thực hiện các nghiên cứu, nghiên cứu về hiệu quả chi phí, nâng cao năng lực trong nghiên cứu lâm sàng, hợp tác khoa học cơ bản và lâm sàng giữa Trường Y Harvard và một số Trường Đại học Y Dược của Việt Nam như: Đại học Y Dược Tp HCM, Đại học Y Dược Huế, Đại học Y Dược Đà Nẵng, Đại học Y Dược Hải Phòng, Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương, Đại học Y Dược Thái Nguyên, Đại học Y Dược Thái Bình, Khoa Y Đại học Quốc gia Tp HCM, một số bệnh viện như Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Y Dược Huế, Bệnh viện Chợ Rẫy….
Ngoài ra, hội thảo còn có một số phiên họp chuyên đề khác như tích hợp các chứng năng của các trung tâm học thuật y khoa, kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở y tế, rà soát tiến độ triển khai việc đổi mới chương trình đào tạo tại các cơ sở đào tạo tại Việt Nam và những thách thức, cơ hội chung cho các bên.
Kết thúc hội thảo chuyên đề, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương khẳng định: "Với những kết quả đạt được trong mối quan hệ đối tác 20 năm qua cùng với những bài học thực tiễn trong qua trình triển khai các chương trình hợp tác, với sự tôn trọng lẫn nhau cùng chung tầm nhìn, cùng chia sẻ mục tiêu và thực hiện thông qua cơ chế điều phối và có sự tham gia trực tiếp của lãnh đạo các bên, chúng ta sẽ tiếp tục thành công trong mối quan hệ hợp tác này, tiếp tục đem lại những kết quả chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho người dân Việt Nam và những đóng góp cho sự nghiệp phát triển nền y học và chăm sóc sức khỏe của thế giới".
Chuyến công tác do Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương làm trưởng đoàn tham dự Hội thảo khoa học chuyên đề và đối thoại đối tác kỷ niệm 20 năm hợp tác, thúc đẩy quản hệ đối tác phát triển ngành y tế Việt Nam đã kết thúc thành công tốt đẹp, mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới giữa Bộ Y tế, các cơ sở đào tạo, các bệnh viện của Việt Nam với Trường Đại học Y Harvard và các đơn vị trực thuộc trong thời gian tới.