Đối thoại an ninh Nhật - Nga: Đạt nhiều tiến bộ song vẫn tồn tại bất đồng
Sau 3 năm gián đoạn, ngày 20-3, các bộ trưởng Ngoại giao và bộ trưởng Quốc phòng của Nhật Bản và Nga nhóm họp tại Tokyo trong khuôn khổ cuộc đối thoại an ninh theo cơ chế '2+2' nhằm thảo luận tình hình an ninh khu vực và tìm kiếm đột phá trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước.
Cuộc đối thoại an ninh lần này diễn ra sau 3 năm gián đoạn kể từ sau cuộc gặp hồi tháng 11-2013 do việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea khiến các mối quan hệ giữa Moskva với Tokyo cùng các nước phương Tây khác trở nên “nguội lạnh”.
Tại cuộc đối thoại, hai bên đã đạt được nhiều đồng thuận về hợp tác quốc phòng và xây dựng lòng tin lẫn nhau để giải quyết mối đe dọa tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên cũng như nhiều vấn đề an ninh khác. Hai bên đã nhất trí kêu gọi Bình Nhưỡng ngừng chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa của nước này, tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cấm Triều Tiên sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo và tiến hành các vụ thử hạt nhân.
Ngoài vấn đề an ninh khu vực, chương trình nghị sự của đối thoại “2+2” cũng đề cập hợp tác an ninh hàng hải, mở rộng trao đổi quốc phòng và hợp tác chống khủng bố, chống ăn cắp bản quyền và chống buôn bán ma túy. Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Fumio Kishida nhận định, cuộc đối thoại không những góp phần xây dựng lòng tin mà còn góp phần vào sự ổn định và hòa bình trong khu vực. Hai bên đã nhất trí thảo luận chặt chẽ nhằm đạt được tiến bộ trong các cuộc đàm phán song phương đang diễn ra để ký kết hiệp ước hòa bình sau Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Mặc dù đạt được nhiều điểm đồng thuận song giữa Nhật Bản và Nga vẫn còn tồn tại những bất đồng liên quan đến việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Nhật Bản, cũng như việc Nga tiến hành hiện đại hóa quân đội trên quần đảo tranh chấp ngoài khơi Hokkaido.
Tại cuộc đối thoại, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã chỉ trích việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa nhằm đối phó với các mối đe dọa từ Triều Tiên, cho rằng hệ thống này có thể gây ra "những nguy cơ nghiêm trọng" đối với khu vực. Ông Lavrov nhấn mạnh, Moskva "đã lưu ý đến những nguy cơ nghiêm trọng do việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nếu điều này nhằm đối phó với những mối đe dọa từ Triều Tiên, việc triển khai hệ thống này cũng như các vũ khí trong khu vực là một sự đáp trả không tương xứng", ám chỉ Hệ thống Phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Lavrov cho biết, Moskva và Tokyo có cùng quan điểm rằng Bình Nhưỡng phải kiềm chế, tuân thủ đầy đủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đồng thời cho rằng không nên xem các biện pháp trừng phạt của HĐBA LHQ đối với Triều Tiên là công cụ trừng phạt mà chỉ là động lực thúc đẩy nước này quay trở lại bàn đàm phán.
Ngoài ra, nút thắt quan trọng nhất trong quan hệ giữa Nga - Nhật Bản chính là giải quyết bất đồng chủ quyền liên quan tới quần đảo tranh chấp ngoài khơi Hokkaido mà Tokyo gọi là Vùng lãnh thổ phía Bắc, còn Moskva gọi là quần đảo Nam Kurin. Tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo trên đã cản trở hai bên ký hiệp ước hòa bình sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Tuy nhiên, cuộc đối thoại theo cơ chế “2+2” vẫn chưa thể tìm ra hướng giải quyết cho vấn đề này.
Với những kết quả đạt được sau cuộc đối thoại, giới phân tích cho rằng, quan hệ giữa Nga và Nhật Bản trong thời gian tới sẽ được cải thiện, góp phần ổn định khu vực Đông Bắc Á vốn luôn tiềm ẩn những biến động khôn lường.