Đối thoại - Chìa khóa tháo gỡ mọi khúc mắc

Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng được cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo sâu sát. Khi đó, hoạt động đối thoại đã và đang là một trong các biện pháp hữu hiệu góp phần giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại hành chính.

Do ảnh hưởng tình hình dịch bệnh Covid-19 và thực hiện các biện pháp áp dụng phòng ngừa (giãn cách xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phân loại vùng theo mức độ nguy cơ ảnh hưởng của dịch bệnh) nên số lượt công dân trực tiếp đến các cơ quan hành chính nhà nước giảm. Hơn 1 năm qua, toàn tỉnh tiếp trên 1.600 lượt công dân (giảm khoảng 40% so với cùng kỳ) và hầu hết những vụ khiếu nại, phản ánh, kiến nghị của công dân nội dung chủ yếu tập trung ở lĩnh vực hành chính. Thực hiện tiếp dân, lãnh đạo, cán bộ luôn kiên trì lắng nghe, phân tích, giải thích và nhiệt tình hướng dẫn công dân gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Theo đó, các cơ quan hành chính nhà nước đã tiếp nhận trên 1.500 đơn các loại và đã giải quyết khiếu nại đạt trên 97%; giải quyết kiến nghị, phản ánh đạt 100%. Quá trình giải quyết, các cấp đã tăng cường đối thoại và xem đây là phương thức làm rõ mọi vấn đề còn khúc mắc; cơ sở quan trọng cho một quyết định giải quyết khiếu nại hành chính được khách quan, đúng đắn.

Thanh tra tỉnh Sóc Trăng thực hiện tốt công tác đối thoại giải quyết khiếu nại hành chính. Ảnh: C.H

Thanh tra tỉnh Sóc Trăng thực hiện tốt công tác đối thoại giải quyết khiếu nại hành chính. Ảnh: C.H

Nói về tầm quan trọng của công tác đối thoại giải quyết khiếu nại hành chính, đồng chí Nguyễn Việt Hoàn - Chánh Thanh tra tỉnh đã từng khẳng định: “Việc tổ chức đối thoại nhằm mục đích công khai, minh bạch hồ sơ vụ việc, tiếp nhận đầy đủ các thông tin liên quan đến việc giải quyết, làm rõ nội dung, yêu cầu của người khiếu nại, người bị khiếu nại, những vấn đề còn có ý kiến khác nhau giữa các bên và hướng giải quyết khiếu nại. Việc trao đổi, giải thích trực tiếp nhằm tạo sự thống nhất nhận thức quy định của pháp luật, đồng thuận giữa các bên trong phương án giải quyết vụ việc trên cơ sở tôn trọng thực tế khách quan, đảm bảo đúng chính sách, pháp luật, có tính khả thi và hướng đến kết thúc vụ việc tranh chấp giữa cơ quan hành chính và người dân trên thực tế”.

Với vai trò là người chủ trì các buổi đối thoại giải quyết khiếu nại hành chính được UBND tỉnh giao, đồng chí Nguyễn Việt Hoàn luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân trình bày đầy đủ, rõ ràng các nội dung yêu cầu và đưa ra các cơ sở pháp lý để chứng minh việc yêu cầu là có căn cứ. Đồng thời, yêu cầu người bị khiếu nại (cơ quan hành chính nhà nước) phải đưa ra các căn cứ pháp lý để chứng minh việc bác yêu cầu khiếu nại của công dân là có cơ sở pháp lý. Còn thanh tra viên, cán bộ trực tiếp thẩm tra, xác minh vụ việc phải có trách nhiệm báo cáo rõ kết quả xác minh, đưa ra các căn cứ pháp lý để bảo vệ việc đề xuất, kiến nghị của mình. Đồng thời, yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền tham dự buổi đối thoại phải thẳng thắn trao đổi, đặt vấn đề những nội dung chưa rõ để thanh tra viên trực tiếp xác minh, người bị khiếu nại giải trình, báo cáo thêm tình tiết vụ việc nhằm đảm bảo việc giải quyết được chính xác, khách quan, công tâm.

Thực tế, hoạt động đối thoại đã đạt những kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại trên lĩnh vực hành chính. Nhiều trường hợp khi tổ chức đối thoại với cơ quan nhà nước, người khiếu nại đã nhận thức rõ sự việc khiếu nại của mình không đúng pháp luật nên tự nguyện rút đơn khiếu nại hoặc rút một phần yêu cầu. Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại sẽ phát hiện những quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức thuộc phạm vi quản lý hoặc các quyết định hành chính, hành vi hành chính của cá nhân mình là trái pháp luật. Từ đó, có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp đối với người khiếu nại. Thông qua việc tổ chức đối thoại, nhiều vụ việc khiếu nại được giải quyết dứt điểm, hạn chế tình trạng khiếu nại kéo dài, vượt cấp.

Chỉ thị số 35/CT-TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết KNTC đã quy định rõ: "Người đứng đầu tổ chức đảng, chủ tịch UBND các cấp, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về tình hình KNTC và công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC trong phạm vi địa bàn, lĩnh vực phụ trách. Thực hiện nghiêm chế độ tiếp công dân theo quy định của Luật Tiếp công dân, gắn việc tiếp công dân với xử lý, giải quyết KNTC, kiến nghị, phản ánh. Chú trọng tiếp công dân tại cơ sở, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của người dân. Chủ động đối thoại, vận động, thuyết phục công dân để giải quyết, tháo gỡ triệt để khiếu kiện, bức xúc của công dân".

Như vậy, đối thoại là phương thức thể hiện tính công khai, dân chủ, minh bạch trong giải quyết khiếu nại. Việc chú trọng và tổ chức tốt công tác đối thoại trong giải quyết khiếu nại là yêu cầu cấp thiết, góp phần củng cố và tăng cường sự đoàn kết trong nhân dân, khẳng định bản chất tốt đẹp của Nhà nước ta: "Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”.

C.H

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/phap-luat-ban-doc/doi-thoai-chia-khoa-thao-go-moi-khuc-mac-53379.html