Đối thoại chính sách môi trường Việt Nam - Nhật Bản
Ngày 12/1, Đối thoại chính sách môi trường Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 8 được tổ chức trực tiếp tại Hà Nội và kết nối trực tuyến với đầu cầu Nhật Bản. Ngài Yagi Tetsuya, Quốc Vụ khanh Bộ Môi trường Nhật Bản và Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đồng chủ trì Đối thoại.
Thay mặt tập thể Lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam, Thứ trưởng Lê Công Thành gửi lời chia buồn về những mất mát to lớn đối với người dân Nhật Bản trước những thiệt hại do trận động đất ở bán đảo Noto, tỉnh Ishikawa, Nhật Bản, xảy ra vào tối 01/01/2024; bày tỏ tin tưởng Chính phủ Nhật Bản sớm khắc phục những hậu quả của động đất để ổn định cuộc sống người dân.
Phát biểu khai mạc Đối thoại, Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết, Đối thoại chính sách môi trường Việt Nam - Nhật Bản được hai Bộ định kỳ phối hợp tổ chức trong nhiều năm qua. Kỳ họp lần thứ 8 đánh dấu mốc quan trọng trong quá trình hợp tác khi Bản ghi nhớ hợp tác giữa hai Bộ ký từ năm 2020 đã hết thời hạn 3 năm. Kỳ họp là cơ hội để hai Bộ bàn bạc, thảo luận nhằm tiếp tục mở ra giai đoạn mới trong hợp tác về lĩnh vực môi trường, biến đổi khí hậu và giảm thiểu rác thải nhựa.
Hợp tác giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu
Ngài Yagi Tetsuya nhận định, sự hợp tác giữa hai Bộ thời gian qua đã đạt được những kết quả cụ thể, thiết thực, đặc biệt trong lĩnh vực môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đó là việc Việt Nam tham gia Cơ chế Tín chỉ chung do Chính phủ Nhật Bản đề xuất nhằm triển khai hợp tác song phương với các quốc gia đang phát triển. Đến nay, hơn 40 dự án liên quan tới Cơ chế đã được thực hiện ở Việt Nam, góp phần giúp Việt Nam tăng cường năng lực thực hiện Điều 6 của Thỏa thuận Paris, đồng thời thúc đẩy quá trình giảm phát thải khí nhà kính.
Đánh giá cao sáng kiến của Nhật Bản về Cơ chế Tín chỉ chung, Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang nghiên cứu để tham mưu cho Chính phủ Việt Nam tăng cường quản lý tín chỉ carbon ở Việt Nam. Cơ quan chức năng của hai Bộ cũng rà soát, đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung trong các Quy tắc, Hướng dẫn thực hiện Cơ chế Tín chỉ chung tại Việt Nam cho phù hợp với các quy định của hai nước và quốc tế, đảm bảo có đóng góp cho các cam kết theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu.
Với mục tiêu của Sáng kiến “Đối tác triển khai Điều 6 Thỏa thuận Paris” do Bộ trưởng Bộ Môi trường Nhật Bản khởi xướng trong tháng 11/2022 tại COP27, Thứ trưởng cho rằng việc tham gia cơ chế này sẽ giúp Việt Nam học hỏi được nhiều kinh nghiệm nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật của Việt Nam; xác định nhu cầu về hỗ trợ, xây dựng các quy trình và thủ tục cần thiết và tạo nền tảng cho nhiều cơ hội hợp tác hơn nữa với các quốc gia tham gia Thỏa thuận Paris.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất Bộ Môi trường Nhật Bản hỗ trợ đào tạo, tập huấn kỹ thuật về báo cáo và đánh giá triển khai Điều 6 (bao gồm cả xác định nội dung điều chỉnh tương ứng); hỗ trợ hoàn thiện quy định pháp luật và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật phục vụ triển khai xác nhận, đăng ký và báo cáo kết quả giảm nhẹ của Việt Nam; hỗ trợ thiết kế thị trường carbon có tính toàn vẹn cao; hỗ trợ xây dựng Báo cáo minh bạch hai năm một lần định kỳ.
Về hợp tác trong giảm nhẹ thiên tai, Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết, Việt Nam quan tâm đến việc xây dựng giải pháp cho hệ thống cảnh báo sớm thiên tai, trong đó có mạng lưới trạm quan trắc khí tượng thủy văn. Bộ Tài nguyên và Môi trường khuyến khích các doanh nghiệp Nhật Bản tham gia thị trường dịch vụ khí tượng thủy văn tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Bộ hoàn toàn ủng hộ các sáng kiến về hệ thống cảnh báo sớm của Bộ Môi trường Nhật Bản. Bộ đã chỉ đạo Tổng cục Khí tượng Thủy văn Việt Nam làm đầu mối để liên hệ với các cơ quan, công ty của Nhật Bản để triển khai các sáng kiến nói trên.
Ngài Yagi Tetsuya, thông tin, Bộ Môi trường Nhật Bản đang nỗ lực để áp dụng biện pháp cảnh báo sớm ở các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương thông qua mô hình hợp tác công tư.
Tăng cường giải quyết ô nhiễm
Thứ trưởng Lê Công Thành mong muốn Bộ Môi trường Nhật Bản tiếp tục ủng hộ, hợp tác với Việt Nam về những nội dung này, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh triển khai Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó có Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.
Trân trọng ghi nhận thành quả hợp tác giữa hai bên mà minh chứng rõ nhất là việc xây dựng Nhà máy đốt rác phát điện ở Bắc Ninh, Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị Nhật Bản hỗ trợ thêm cho Việt Nam về quản lý rác thải điện tử và thu gom xử lý các khoáng chất trong loại rác thải này. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần hỗ trợ xử lý các tấm pin năng lượng mặt trời sau khi hết thời hạn sử dụng; chia sẻ kinh nghiệm quản lý chất thải rắn của Nhật Bản theo hướng kinh tế tuần hoàn, công nghệ carbon thấp, giảm phát thải khí nhà kính; hỗ trợ chuyên gia, tổ chức học tập kinh nghiệm xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia môi trường về công trình, thiết bị xử lý nước thải tại chỗ; hỗ trợ khảo sát, đánh giá tình hình thực hiện và rà soát điều chỉnh Chiến lược Quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến 2050 theo định hướng phát thải dòng bằng không, tiếp tục tăng cường tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải thu hồi năng lượng...
Về vấn đề ô nhiễm không khí, Thứ trưởng Lê Công Thành đề xuất phía Nhật Bản hỗ trợ các nội dung liên quan đến kiểm soát môi trường không khí gồm: kiểm kê nguồn khí thải (từ các nguồn phát sinh khí thải lớn như giao thông, sản xuất công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp, dân sinh); tăng cường năng lực cho một số tổ chức, đơn vị về đo kiểm khí thải xe mô tô 2 bánh; hiện đại hóa hệ thống quan trắc môi trường không khí xung quanh tự động, liên tục…
Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết, Luật Tài nguyên nước vừa được sửa đổi, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Luật mới đặc biệt quan tâm đến giải quyết ô nhiễm ở các đoạn sông, dòng sông bị ô nhiễm nặng. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng các đề án khắc phục tình trạng này và mong muốn phía Nhật Bản cung cấp các kinh nghiệm quý báu, các chuyên gia tham gia hỗ trợ thực hiện.
Ngài Yagi Tetsuya khẳng định, Bộ Môi trường Nhật Bản luôn sẵn sàng hợp tác, đồng hành cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.