Đối thoại chủ nhật: Cần thực hiện nhiều giải pháp để giảm thiệt hại do mưa, lũ

Bão số 3 và mưa, lũ gây thiệt hại nặng nề đối với các tỉnh, thành phố miền Bắc. Vậy chúng ta phải làm gì để giảm thiệt hại do thiên tai, bão, mưa lũ gây ra trong thời gian tới?

Ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã có những chia sẻ với phóng viên xung quanh vấn đề này.

Phóng viên (PV): Thưa ông, thời gian qua, bão số 3 và mưa, lũ sau bão gây thiệt hại nặng nề đối với các tỉnh, thành phố phía Bắc. Vậy chúng ta cần làm gì để giảm thiệt hại do bão lũ gây ra, đặc biệt là để bảo vệ tính mạng của người dân trong thời gian tới?

 Ông Phạm Đức Luận. Ảnh: DIỆP ANH

Ông Phạm Đức Luận. Ảnh: DIỆP ANH

Ông Phạm Đức Luận: Dự báo tình hình thiên tai, bão, mưa lũ từ nay đến cuối năm 2024 còn diễn biến rất phức tạp, cực đoan, khó lường. Vì vậy, để bảo vệ tính mạng người dân, trong thời gian tới, chúng ta cần phải tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin kịp thời để người dân chủ động phòng tránh theo phương châm “4 tại chỗ”. Đặc biệt, phải làm sao để người dân, chính quyền địa phương không còn tâm lý chủ quan, nâng cao nhận thức trong ứng phó với mưa, lũ để tránh những thiệt hại đáng tiếc về người và tài sản.

PV: Hiện nay, không chỉ trong những trận bão, mà nguy cơ gây ngập úng ở các đô thị thường xảy ra sau khi có mưa lớn. Vậy làm thế nào để khắc phục tình trạng này, thưa ông?

Ông Phạm Đức Luận: Tình trạng ngập úng đô thị không chỉ xuất hiện trong năm nay mà đã xảy ra nhiều năm vừa qua, đặc biệt ở các đô thị lớn. Ví như năm 2022 xảy ra ngập lụt ở Đà Nẵng, Đồng Nai, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nội.

Vấn đề này, chính quyền các địa phương cần quan tâm chỉ đạo từ công tác quy hoạch đô thị, xây dựng, cải tạo hệ thống tiêu thoát nước; tăng cường khơi thông dòng chảy cống, rãnh bị tắc, thanh thải các vật cản trên các kênh, mương để tiêu thoát nước tốt hơn.

PV: Thưa ông, đô thị lớn ở các quốc gia trên thế giới thường có những hồ hoặc công trình lớn nhằm mục đích chứa nước mưa, giảm nguy cơ ngập lụt. Việc này được thực hiện ở Việt Nam như thế nào?

Ông Phạm Đức Luận: Ở Việt Nam trước kia, đặc biệt là TP Hà Nội có rất nhiều hồ có thể giúp tiêu thoát nước mưa. Tuy nhiên, qua quá trình phát triển đô thị, nhiều hồ bị thu hẹp diện tích, thậm chí một số hồ không còn. Đô thị thì phát triển, nhiều công trình nhà cao tầng mọc lên nhưng hệ thống tiêu thoát nước đô thị không tương ứng. Trong Luật Phòng, chống thiên tai (PCTT) đã quy định rất rõ, khi phát triển kinh tế-xã hội phải lồng ghép yêu cầu về PCTT, trong đó có chống ngập úng ở đô thị.

Ngập úng đô thị sẽ gây thiệt hại nặng nề hơn so với trước đây. Vì đô thị ngày càng phát triển, có nhiều tòa nhà chung cư với hàng trăm ô tô, xe máy để dưới các tầng hầm, nếu để xảy ra ngập úng thì thiệt hại về kinh tế sẽ rất lớn. Ngập úng đô thị cũng là nguy cơ cao gây thiệt hại về người.

PV: Thời gian qua, mưa lớn liên tiếp xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước, đặc biệt là các tỉnh miền núi phía Bắc. Vậy công tác vận hành các hồ chứa lớn: Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang có chịu nhiều áp lực không, thưa ông?

Ông Phạm Đức Luận: Quả thực chưa năm nào các hồ chứa nói trên đầy nước đến thế. Vì thế, chúng tôi đã phải vận hành các hồ theo quy trình liên hồ chứa rất thận trọng, nhiều lúc cũng rất căng thẳng. Công tác tham mưu, vận hành, đóng-mở các cửa xả đáy, xả mặt vừa phải bảo đảm được yêu cầu an toàn công trình, tham gia cắt lũ, bảo đảm an toàn cho hạ du, vừa phải giữ được nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, sản xuất điện và nước cho sinh hoạt vào mùa khô.

Mưa lũ do bão số 3 gây ngập lụt ở xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội. Ảnh: NGHINH XUÂN

Mưa lũ do bão số 3 gây ngập lụt ở xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội. Ảnh: NGHINH XUÂN

PV: Luật Phòng thủ dân sự đã có hiệu lực từ ngày 1-7-2024 và hiện nay chúng ta đang xây dựng nghị định hướng dẫn thi hành. Điều này có tác động như thế nào đến hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng quản lý, tham mưu về PCTT, thưa ông?

Ông Phạm Đức Luận: Luật Phòng thủ dân sự ra đời là bước phát triển tích cực. Tuy nhiên, một số vấn đề cần tiếp tục có các văn bản quy định rõ hơn nữa. Chẳng hạn, về lĩnh vực PCTT, luật mới chỉ quy định Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là Phó trưởng ban chỉ đạo mà lại chưa quy định cơ quan giúp việc. Do đó, cần tiếp tục có văn bản quy định về cơ quan giúp việc, vì còn liên quan đến tổ chức, bộ máy, kinh phí, trang thiết bị... Hiện nay, Cục Quản lý đê điều và PCTT tổ chức lực lượng trực quanh năm, 24/24 giờ, với gần 7.000 lượt người trực nắm bắt toàn bộ thông tin để kịp thời tham mưu, phục vụ công tác chỉ đạo phòng, chống, ứng phó với thiên tai.

Chúng tôi trực để theo dõi lượng nước về các hồ chứa, nhận các bản tin tính toán của các đơn vị tư vấn kỹ thuật, để từ đó tham mưu cho lãnh đạo chỉ đạo, điều hành sát với tình hình thực tiễn, phù hợp nhất. Do đó, chúng tôi mong nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Phòng thủ dân sự bổ sung các quy định để làm rõ hơn trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị đối với từng lĩnh vực.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

NGUYỄN KIỂM (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/doi-thoai-chu-nhat-can-thuc-hien-nhieu-giai-phap-de-giam-thiet-hai-do-mua-lu-796529