Đối thoại, công bố nhiều tài liệu lưu trữ minh chứng về nguồn gốc đất khu vực sân bay Miếu Môn
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chiều 25-11, tại trụ sở Huyện ủy Mỹ Đức, Thanh tra Chính phủ tổ chức hội nghị đối thoại với công dân xã Đồng Tâm và các xã tiếp giáp với sân bay Miếu Môn. Buổi đối thoại diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn và được truyền thanh trực tiếp trên hệ thống loa truyền thanh của huyện Mỹ Đức để người dân trên địa bàn có thể theo dõi.
Tham dự buổi đối thoại có Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh; Phó Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Đỗ Văn Đương. Về phía lãnh đạo thành phố Hà Nội có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung; lãnh đạo các cơ quan của thành phố, huyện Mỹ Đức, huyện Chương Mỹ; đại diện lãnh đạo, nhân dân xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức) và 3 xã Trần Phú, Mỹ Lương, Đồng Lạc (huyện Chương Mỹ).
Quang cảnh hội nghị đối thoại.
Việc thanh tra được thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định
Thay mặt Thanh tra Chính phủ, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cho biết, Thanh tra thành phố Hà Nội đã tiến hành thanh tra để làm rõ các vấn đề liên quan đến đất sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức. Ngày 19-7-2017, Thanh tra thành phố ban hành Kết luận thanh tra số 2346/KL-TTTP-P5 "Về việc thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng và quá trình xử lý từ trước đến nay đối với diện tích đất khu sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức”, nội dung chính đã khẳng định: Toàn bộ 238ha đất thuộc địa bàn 3 xã Trần Phú, Mỹ Lương, Đồng Lạc (huyện Chương Mỹ) và xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức) đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định thu hồi, giao cho quân đội từ năm 1980 để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng.
Sau khi Kết luận thanh tra 2346/KL-TTTP-P5 được công bố, một số người không đồng tình và có khiếu nại với Thanh tra Chính phủ. Thanh tra Chính phủ đã quyết định tiến hành rà soát, kiểm tra tính chính xác, hợp pháp của kết luận nêu trên để làm căn cứ trả lời công dân. Ngày 25-4-2019, sau quá trình xem xét nghiêm túc, khách quan, Thanh tra Chính phủ ban hành Thông báo số 611/TB-TTCP về “Kết quả rà soát, kiểm tra tính chính xác, hợp pháp của Kết luận thanh tra số 2346/KL-TTTP-P5 ngày 19-7-2017 của Thanh tra thành phố Hà Nội”. Trong đó, Thanh tra Chính phủ khẳng định: “Việc tiến hành thanh tra của Thanh tra thành phố Hà Nội là đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về thanh tra; các nội dung của Kết luận thanh tra phù hợp với quy định pháp luật, bảo đảm tính chính xác. Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND thành phố Hà Nội thực hiện Kết luận thanh tra số 2346/KL-TTTP-P5 ngày 19-7-2017 của Thanh tra thành phố Hà Nội”.
Theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh, vừa qua, Thanh tra Chính phủ tiếp tục nhận được 2 lá đơn không đồng tình với Kết luận thanh tra số 2346/KL-TTTP-P5 và Thông báo số 611/TB-TTCP. Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Thanh tra Chính phủ tổ chức hội nghị đối thoại để tiếp tục thông tin, tuyên truyền giúp người dân hiểu rõ, hiểu đúng bản chất sự việc đã xảy ra tại xã Đồng Tâm; qua đó chấp hành đúng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quản lý, sử dụng đất đai; thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Minh chứng về tinh thần dân chủ, gần dân, trọng dân
Buổi đối thoại đã diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm. 10 lượt đại biểu nhân dân xã Đồng Tâm đã phát biểu ý kiến, đặt câu hỏi đề nghị làm rõ hơn một số nội dung Kết luận thanh tra số 2346/KL-TTTP-P5 và nêu một số thắc mắc của người dân trên địa bàn. Đáng chú ý, đa số các ý kiến bày tỏ đồng tình, nhất trí cao với Kết luận thanh tra số 2346/KL-TTTP-P5 của Thanh tra thành phố Hà Nội và Thông báo số 611/TB-TTCP của Thanh tra Chính phủ. Nhiều ý kiến đánh giá cao buổi đối thoại, coi đây là minh chứng về tinh thần dân chủ, gần dân, trọng dân của cơ quan nhà nước.
Hội nghị đối thoại đã diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm.
Ông Trần Ngọc Viễn (thôn Đồng Mít, xã Đồng Tâm), một trong 14 hộ dân sử dụng đất trong khu vực sân bay (hiện cả 14 hộ đã nhận tiền đền bù, ký cam kết bàn giao mặt bằng) cho biết, gia đình ông đồng tình với chủ trương giải phóng mặt bằng của Nhà nước nên đã nhận tiền đền bù, hỗ trợ và ký cam kết bàn giao mặt bằng vì hiểu rõ đây là đất quốc phòng và người dân phải có trách nhiệm chấp hành pháp luật, tạo điều kiện để quân đội xây dựng lực lượng, bảo vệ nhân dân.
“Tôi khẳng định đây là đất sân bay, vì từ khi tôi ở đây, liên tục có cán bộ quân đội xuống nhắc nhở không được xây dựng nhà ở, không được đào xới”, ông Trần Ngọc Viễn nói.
Ông Nguyễn Quyết Thắng (nguyên Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm) quả quyết: “Nếu đất “đồng Sênh” mà của xã Đồng Tâm thì tôi xin chịu kỷ luật. Vì khi tôi làm cán bộ xã, không được bàn giao gì cả”. Ông Nguyễn Quyết Thắng cũng cho rằng, đến nay, ngoài nhóm “Đồng thuận” do ông Lê Đình Kình đứng đầu, toàn bộ người dân Đồng Tâm đều đồng tình với Kết luận thanh tra số 2346/KL-TTTP-P5 của Thanh tra thành phố cũng như Thông báo số 611/TB-TTCP của Thanh tra Chính phủ. Ông Nguyễn Quyết Thắng bày tỏ: “Đại đa số người dân Đồng Tâm là tốt. Chỉ có một nhóm nhỏ cố tình làm mất an ninh trật tự”.
Ông Nguyễn Quyết Thắng cũng đề nghị, Phó Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phản ánh với Quốc hội thực tế, vụ việc xã Đồng Tâm có thể không đến mức phức tạp nếu một vài đại biểu Quốc hội không tham gia ủng hộ nhóm "Đồng thuận".
“Những đại biểu này về Đồng Tâm nhưng chỉ nghe nhóm “Đồng thuận” rồi phát biểu ý kiến, trong khi 14 hộ dân sử dụng đất quốc phòng là nhân chứng thì họ không tiếp xúc”, ông Nguyễn Quyết Thắng phản ánh.
Hồ sơ thu hồi đất quốc phòng được lưu trữ rất tốt
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Chánh Thanh tra thành phố Hà Nội Nguyễn An Huy, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Triều đã lần lượt trả lời từng câu hỏi của người dân theo thẩm quyền. Nhiều tài liệu, bản đồ lưu trữ minh chứng về nguồn gốc đất khu vực sân bay Miếu Môn cũng đã được công bố tại buổi đối thoại.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại hội nghị đối thoại.
Trước những mong muốn của người dân Đồng Tâm sớm ổn định tình hình, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, trên địa bàn xã Đồng Tâm còn hơn 2% hộ nghèo, trong khi thành phố phấn đấu năm 2020 sẽ không còn hộ nghèo. Vì vậy, thành phố sẽ chỉ đạo hỗ trợ các hộ thoát nghèo thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Ngay sau hội nghị này, thành phố sẽ làm việc với huyện Mỹ Đức, xã Đồng Tâm để có giải pháp cụ thể hỗ trợ hơn nữa nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa của xã; đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội...
Đồng chí Nguyễn Đức Chung đề nghị, các đại biểu tham gia buổi đối thoại trở thành nòng cốt vận động nhân dân xã đồng thuận, tạo điều kiện để sắp tới quân đội tiến hành xây dựng hàng rào khu vực đất sân bay Miếu Môn thuận lợi. Huyện, xã cần chỉ đạo để giải quyết triệt để vướng mắc liên quan đến lấn chiếm đất đai trên địa bàn.
Trả lời câu hỏi vì sao Thanh tra Chính phủ không tiến hành thanh tra lại mà chỉ rà soát, kiểm tra Kết luận thanh tra số 2346/KL-TTTP-P5, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cho biết, Thanh tra Chính phủ hoàn toàn có thể thanh tra lại, nếu trong quá trình rà soát, kiểm tra phát hiện Đoàn thanh tra của Thanh tra thành phố Hà Nội có sai phạm, dẫn đến kết luận không đúng về sự việc. Nhưng quá trình rà soát, kiểm tra, Thanh tra Chính phủ không phát hiện sai phạm, nên không thực hiện.
Ông Nguyễn Văn Thanh cũng làm rõ một số nội dung được người dân băn khoăn, nhưng thực tế đã thể hiện rõ trong Kết luận thanh tra số 2346/KL-TTTP-P5 và Thông báo số 611/TB-TTCP. Ngoài ra, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết: “Trong quá trình xem xét vụ việc, chúng tôi thấy hồ sơ thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng của 4 xã được lưu trữ rất tốt. Biên bản bàn giao 31ha đất của nông trường Lương Mỹ cho quân đội cũng rất rõ ràng. Hồ sơ cụ thể như vậy nên kết luận rõ ràng là tất yếu”.
Phó Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Đỗ Văn Đương phát biểu tại hội nghị đối thoại.
Phát biểu tại hội nghị đối thoại, Phó Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Đỗ Văn Đương đánh giá, không khí đối thoại diễn ra rất dân chủ. Phần trả lời của các đồng chí lãnh đạo rõ ràng, xác đáng, có căn cứ pháp luật.
“Kết luận thanh tra số 2346/KL-TTTP-P5 của Thanh tra thành phố Hà Nội và Thông báo số 611/TB-TTCP của Thanh tra Chính phủ được sự thống nhất, đồng thuận rất cao của Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chứ không chỉ riêng thành phố Hà Nội, nên thật dễ hiểu khi được đa số nhân dân đồng tình”, ông Đỗ Văn Đương nhận định.
Phó Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương tích cực tuyên truyền để tăng cường đồng thuận thực hiện Kết luận thanh tra số 2346/KL-TTTP-P5, tránh ngộ nhận về nguồn gốc đất cũng như lợi ích liên quan. Khi quân đội triển khai xây dựng hàng rào khu vực đất sân bay Miếu Môn, toàn thể người dân Đồng Tâm cần thực hiện tốt hai điều: Không ngăn cản bộ đội xây dựng tường rào và không phá hoại tường rào. Vì những hành vi này chắc chắn sẽ bị cả xã hội, cả dân tộc lên án.
“Đồng Tâm là xã anh hùng, phải phát triển nhanh, mạnh hơn các xã khác. Tôi đề nghị các cụ người cao tuổi nhắc nhở, làm gương cho con cháu. Bà con nhân dân hết sức tỉnh táo, tránh nghe theo những lời xúi giục của kẻ xấu. Tất cả phải cố gắng giữ gìn đoàn kết, đưa xã vươn lên”, Phó Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Đỗ Văn Đương nhấn mạnh.