Đối thoại để sẻ chia!
Trong thời điểm doanh nghiệp gặp khó khăn về đơn hàng, nếu không có sự chia sẻ từ các bên thì rất dễ dẫn đến các tranh chấp. Đây cũng chính là lúc tổ chức Công đoàn phát huy vai trò cầu nối.
7 tháng đầu năm 2023, các doanh nghiệp (DN) tại Bình Dương tiếp tục gặp khó khăn, điều này khiến hơn 83.000 lao động bị ảnh hưởng. Tập trung chủ yếu vào một số ngành nghề như dệt may (chiếm 17%); chế biến gỗ (chiếm 16%); da giày (chiếm 15%),
Lắng nghe công nhân
Khẳng định, đối thoại chính là kênh thông tin hữu hiệu giúp doanh nghiệp và NLĐ hiểu nhau hơn, thời gian qua Công đoàn Công ty Cổ phần Sao Việt (KCN Đồng An 1, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) đã tích cực nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của NLĐ để phản ánh kịp thời đến DN, nhờ đó, dù DN gặp khó khăn, nhưng luôn được NLĐ chia sẻ và đồng hành.
Ông Nguyễn Bình Yên, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Sao Việt- cho biết, năm 2023, đơn hàng của DN giảm 40-50%, vì thế thu nhập của NLĐ cũng bị giảm đến 50%, hiện tại, CN chỉ làm giờ hành chính và 1 tuần chỉ làm 5 ngày. "Vì thu nhập thấp nên nhiều CN có ý định sẽ nghỉ việc để tìm kiếm cơ hội mới. Lúc nghe thông tin này, tôi cùng với Ban Chấp hành Công đoàn đã tổ chức cuộc họp và giao cho các tổ trưởng Công đoàn về từng xưởng vận động anh chị em cố gắng làm việc, vì thời điểm này công ty đang gặp rất nhiều khó khăn cần sự chia sẻ từ NLĐ để duy trì hoạt động. Sau đó, tôi lên gặp Ban Giám đốc để báo cáo sự việc, đồng thời đề xuất với Ban Giám đốc thời điểm này không được cắt giảm bất kỳ khoản tiền nào của CN, vì họ cũng đang gặp rất nhiều khó khăn"- ông Nguyễn Bình Yên nói.
Với sự nhanh nhạy của Công đoàn cơ sở, cả DN và NLĐ đã hiểu và chia sẻ cùng nhau, NLĐ dù thu nhập giảm nhưng vẫn vui vẻ, còn DN thì giữ chân được NLĐ để chờ đơn hàng mới. Ngoài ra, để giúp NLĐ vượt qua thời điểm khó khăn này, Công đoàn vẫn duy trì siêu thị Công đoàn tại DN để NLĐ được có cơ hội mua hàng giá rẻ.
Hiện nay, siêu thị bày bán hàng trăm mặt hàng thiết yếu với giá giảm từ 10 - 30% so với giá cả mặt hàng cùng loại trên thị trường. Điều đặc biệt nhất là đoàn viên Công đoàn và CN có hoàn cảnh khó khăn có thể liên hệ với Công đoàn mượn trước phiếu mua hàng có trị giá từ 100.000 - 200.000 đồng để mua hàng tại siêu thị, đến tháng lãnh lương sẽ trả lại cho Công đoàn.
Trong khi đó, ông Đinh Sỹ Nhân, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Asama (KCN Sóng Thần 2, TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương)- chia sẻ, ngoài việc tổ chức hội nghị NLĐ mỗi năm một lần, thì trong năm công ty còn có nhiều kênh đối thoại khác như thùng thư đóng góp ý kiến, hay là mỗi tháng họp tổ Công đoàn để tìm hiểu, nắm bắt tâm tư của NLĐ, nếu họ đang gặp rắc rối, hoặc đang hoang mang về một chế độ, chính sách nào đó của công ty, chúng tôi lập tức báo cho Ban Giám đốc để kịp thời giải quyết ngay, tránh tạo thành dư luận không tốt, gây sự hiểu nhầm giữa các bên.
Phát huy vai trò cầu nối
Bà Nguyễn Kim Loan, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương, cho biết sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như biến động chính trị trên thế giới đã làm nhiều DN trên địa bàn phá sản, giải thể, khiến nhiều công nhân (CN) bị mất việc.
Để hỗ trợ CN mất việc, ngoài chủ động đeo bám tình hình tại các DN gặp khó khăn, phải cắt giảm lao động, LĐLĐ tỉnh Bình Dương còn yêu cầu các Công đoàn cơ sở nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên để có biện pháp giúp đỡ. LĐLĐ tỉnh cũng thông tin danh sách các DN có nhu cầu tuyển dụng lao động đến CN mất việc.
Bà Kim Loan cho rằng hiện nay nhiều DN ở Bình Dương đang gặp khó khăn về đơn hàng, phải thu hẹp sản xuất, có nơi buộc cắt giảm lao động, nghiêm trọng hơn một số công ty đã đóng cửa nhà máy, dừng hoạt động sản xuất kinh doanh. Do đó, NLĐ cùng chia sẻ khó khăn với DN để hiểu nhau, cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này, bởi khi DN duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh, thì NLĐ mới có việc làm, có thu nhập, ổn định cuộc sống, chăm lo tốt hơn cho gia đình, con cái…
"Về phía DN, tổ chức Công đoàn mong muốn dù trong hoàn cảnh nào, cũng phải tôn trọng và lắng nghe kiến nghị, đề xuất của NLĐ, cùng trao đổi và tìm ra giải pháp tháo gỡ khó khăn theo hướng vì lợi ích và sự phát triển của DN và cũng vì quyền lợi chính đáng của NLĐ. Khi phát sinh vấn đề, DN cần chủ động trao đổi thông tin với Công đoàn để thông qua đó, Công đoàn sẽ cùng DN nghiên cứu tìm ra giải pháp tối ưu và sẽ là cầu nối để tuyên truyền vận động NLĐ, cùng xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa và ổn định" - bà Kim Loan nói.
Theo bà Loan, vai trò của Công đoàn cơ sở rất quan trọng trong việc kết nối thông tin giữa chủ DN và NLĐ, do đó thời gian qua, LĐLĐ đã chỉ đạo các cấp Công đoàn tích cực nắm bắt thông tin và tổ chức đối thoại bằng nhiều kênh tại DN để các bên hiểu nhau hơn. Thời gian qua các cấp Công đoàn trong tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị đối thoại tại nơi làm việc, cũng như thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Đáng chú ý, khối DN ngoài nhà nước tổ chức đối thoại tại nơi làm việc đạt 72% chỉ tiêu được giao. Việc thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể và nâng chất lượng bữa ăn ca của NLĐ trong các DN, nhất là DN khu vực ngoài nhà nước được các cấp Công đoàn quan tâm, trong 6 tháng đầu năm có 58 bản thỏa ước được ký mới, đạt 96% chỉ tiêu được giao, nâng tổng số bản thỏa ước hiện có gần 2.500, đạt tỉ lệ 73%; 273 Công đoàn lượng nâng chất lượng bữa ăn ca, đạt 104% kế hoạch…
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cong-doan/doi-thoai-de-se-chia-20230817085049612.htm