Đối thoại, giải đáp thắc mắc về thực hiện chính sách thuế
Ngày 30/11, Cục Thuế tỉnh Bắc Giang tổ chức chương trình đối thoại, hỗ trợ trực tuyến giữa cơ quan thuế với người nộp thuế (NNT) bằng phương thức trực tuyến qua website của Cục Thuế tỉnh. Qua đó, nhiều nội dung đã được cán bộ ngành Thuế giải đáp thỏa đáng.
Chương trình nhằm thực hiện đa dạng hình thức tuyên truyền, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho NNT; hỗ trợ, giải đáp các vướng mắc về chính sách thuế và thủ tục hành chính thuế cho NNT trên địa bàn tỉnh. Thông qua đó, Cục Thuế tỉnh và các tổ chức, cá nhân nộp thuế có cơ hội trao đổi, đối thoại cùng thực hiện tốt quy định pháp luật về thuế. Việc giải đáp trực tuyến được đánh giá là có hiệu quả, giúp doanh nghiệp (DN), NNT tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại.
Trước khi chương trình diễn ra, Cục Thuế tỉnh đã gửi thư mời đến 7.000 tổ chức, cá nhân, NNT; đồng thời đăng tải thông báo trên các kênh thông tin truyền thông để NNT, DN, người dân biết.
Chương trình đối thoại trực tuyến đã nhận được gần 250 câu hỏi, tập trung về hóa đơn điện tử, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân, kê khai thuế, hoàn thuế, thủ tục hành chính về thuế, xử phạt vi phạm hành chính về thuế…Đơn cử, đại diện Công ty TNHH Thương mại Vân Trường hỏi, đơn vị có xuất một hóa đơn điện tử tháng 7/2023, đến ngày 15/8/2023 phát hiện sai và hủy hóa đơn đồng thời xuất mới hóa đơn khác. Nhưng bên mua lại lấy hóa đơn sai đó đã kê khai và làm thanh toán.
Trong trường hợp này bên bán và bên mua xử lý như thế nào? Với nội dung này, đại diện Cục Thuế tỉnh đã trả lời cho DN căn cứ theo quy định Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ. Trường hợp DN đã thực hiện hủy hóa đơn trên phần mềm tạo lập hóa đơn điện tử và hoàn thành thủ tục hủy hóa đơn theo quy định thì hóa đơn đó không có giá trị sử dụng và không thể khôi phục lại được. Bên mua và bên bán căn cứ vào hóa đơn đã bị hủy thực hiện kê khai bổ sung hồ sơ khai thuế theo quy định tại Điều 47, Luật Quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ.
Một DN khác thắc mắc về việc Công ty có một số nhân viên là lao động nước ngoài làm quản lý các bộ phận. Để bảo đảm đời sống nhân viên, Công ty thuê nhà cho người lao động ở. Vậy chi phí thuê căn hộ Công ty trả thay người lao động có được coi là chi phí hợp lý không? Cá nhân người lao động được hưởng những khoản lợi ích đó có phải chịu thuế thu nhập cá nhân không?
Theo Cục Thuế tỉnh, nếu khoản chi trả hộ trên được quy định tại một trong các hồ sơ sau: Hợp đồng lao động; Thỏa ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty… và có đầy đủ hóa đơn, chứng từ theo quy định tại Thông tư số 78/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính (được sửa đổi, bổ sung bởi Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC) thì được tính vào chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập DN.
Đối với người lao động được Công ty trả hộ tiền thuê nhà thì tiền thuê nhà tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công theo số thực tế trả hộ nhưng không vượt quá 15% tổng thu nhập chịu thuế phát sinh (chưa bao gồm tiền thuê nhà, điện nước và dịch vụ kèm theo (nếu có)) tại đơn vị không phân biệt nơi trả thu nhập.
Được biết, từ đầu năm đến nay, ngoài các hội nghị hỗ trợ, giải đáp chính sách thuế, Cục Thuế tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp, giải pháp hỗ trợ NNT để đưa các chủ chương, chính sách thuế đi vào cuộc sống. Đồng chí Lê Bá Ngọc, Cục trưởng Cục Thuế cho biết, qua chương trình đối thoại này, cũng như trong thời gian tới, ngành Thuế hy vọng sẽ tiếp tục nhận được nhiều ý kiến đóng góp thẳng thắn để hoàn thiện theo hướng ngày càng công khai, minh bạch, hỗ trợ DN thực hiện chính sách, thủ tục hành chính thuế được đầy đủ, nhanh chóng và thuận tiện nhất.
Tin, ảnh: Trường Sơn