Đối thoại, gỡ vướng đăng kiểm tàu biển, tàu thủy

Sáng 27/3, Cục Đăng kiểm Việt Nam tổ chức Hội nghị đối thoại doanh nghiệp về công tác đăng kiểm tàu biển và phương tiện thủy nội địa.

Khẩn trương khắc phục tình trạng thiếu nhân lực

Tại buổi đối thoại, nhiều doanh nghiệp cho biết, thời gian duyệt thiết kế đóng mới, sửa đổi phương tiện thủy nội địa (PTTNĐ) kéo dài gây khó khăn cho các đơn vị do phải chờ thiết kế được thẩm định mới có thể thi công.

Quang cảnh Hội nghị đối thoại về công tác đăng kiểm tàu biển và phương tiện thủy nội địa.

Quang cảnh Hội nghị đối thoại về công tác đăng kiểm tàu biển và phương tiện thủy nội địa.

Bên cạnh đó, Công ty TNHH MTV đóng tàu và công nghiệp hàng hải Sài Gòn cũng kiến nghị Cục Đăng kiểm VN nhanh chóng đào tạo và bổ sung thêm đăng kiểm viên, đặc biệt là tại những khu vực có lượng tàu lớn như TP.HCM để tăng cường tiến độ kiểm tra và cấp giấy tờ.

Về vấn đề này, ông Phạm Hải Bằng, Trưởng phòng Tàu biển, Cục Đăng kiểm VN cho biết, đây là tình hình bất khả kháng khi thời gian qua, tại phòng Tàu sông và các chi cục đăng kiểm đã xảy ra một số sai phạm dẫn đến thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực.

Cục Đăng kiểm VN hiện đang nỗ lực khắc phục tình trạng này, trong đó Bộ GTVT đã ban hành Thông tư 02/2024 giúp rút ngắn thời gian đào tạo, mở rộng phạm vi đầu vào và tận dụng nguồn lực đăng kiểm viên tàu biển sang làm đăng kiểm viên PTTNĐ để bổ sung số lượng đăng kiểm viên PTTNĐ hiện nay.

Cùng đó, Cục Đăng kiểm đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ và cấp giấy chứng nhận cho 27 đăng kiểm viên PTTNĐ hạng II, 30 đăng kiểm viên PTTNĐ hạng III, 47 nhân viên nghiệp vụ. Tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ cho đăng kiểm viên thực hiện công tác thẩm định thiết kế cho 232 đăng kiểm viên thẩm định thiết kế. Thực hiện công tác kiểm tra nâng hạng cho 27 đăng kiểm viên, công nhận lại cho 104 đăng kiểm viên và công nhận lần đầu cho 13 đăng kiểm viên.

Thời gian tới, Cục Đăng kiểm sẽ tập huấn thực hành công tác thẩm định thiết kế và kiểm tra hiện trường cho các đăng kiểm viên đã tập huấn lý thuyết. Từ đó, sẽ sớm bổ sung nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

Ông Phạm Hải Bằng, Trưởng phòng Tàu biển, Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Ông Phạm Hải Bằng, Trưởng phòng Tàu biển, Cục Đăng kiểm Việt Nam.

AIS, Radar có cần thiết?

Tham gia kiến nghị tại hội nghị, Viện nghiên cứu chế tạo tàu thủy - Trường Đại học Nha Trang cho rằng, việc trang bị các thiết bị AIS cho tàu hoạt động ở vùng SII chưa phù hợp với thực tế và nhu cầu sử dụng (khu vực hoạt động nhỏ hẹp, trong phạm vi quan sát bằng mắt thường, không có trạm thu phát... ví dụ như khu vực miền núi, Tây Nguyên, hồ chứa) gây lãng phí.

Hội Du lịch Cù Lao Chàm cũng cho biết, hiện nay tất cả các phương tiện hoạt động vận tải hành khách tuyến đường thủy Hội An – Cù Lao Chàm đã trang bị đầy đủ các trang thiết bị như AIS, Radar, MF/HF, EPIRB tuy nhiên 3 thiết bị: Radar, MF/HF, EPIRB không mang lại hiệu quả cho phương tiện trong quá trình hoạt động. Từ đó, đề nghị Cục Đăng kiểm VN xem xét giảm 3 trang thiết bị trên nhằm giảm gánh nặng về chi phí cho doanh nghiệp.

Ông Vũ Anh, Trưởng phòng Tàu sông, Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Ông Vũ Anh, Trưởng phòng Tàu sông, Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Trả lời về vấn đề này, ông Vũ Anh, Trưởng phòng Tàu sông – Cục Đăng kiểm VN cho biết, AIS là thiết bị có nhiều tính năng: tránh va, xác định tốc độ, xác định vị trí để tìm kiếm cứu nạn và quản lý tuyến hoạt động. Hiện Bộ GTVT đang đánh giá tổng kết việc vận hành sử dụng thiết bị này trên PTTNĐ và xem xét đưa vào quy định tại Quy chuẩn sửa đổi, bổ sung Quy chuẩn 72:2013/BGTVT (Quy chuẩn 72).

Theo ông Vũ Anh, không thể bỏ quy định lắp đặt thiết bị này vì sẽ gây mất an toàn cho tàu, tuy nhiên khi sửa đổi Quy chuẩn 72 có thể xem xét, nghiên cứu thiết bị AIS chỉ cần đáp ứng 1 số tính năng quan trọng với giá thành rẻ hơn để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

Đối với thiết bị Radar, ông Vũ Anh cho biết đây là thiết bị cần thiết để kiểm soát tốc độ, phòng tránh đâm va và khi gặp thời tiết xấu. Trong khi đó, EPIRB là thiết bị duy nhất (trường hợp bất khả kháng) phát vị trí tàu bị nạn đến các đơn vị quản lý giúp việc tìm kiếm cứu nạn được nhanh chóng và kịp thời.

"Đối với thiết bị MF/HF sẽ đánh giá lại vùng hoạt động của phương tiện và xem xét đưa vào Quy chuẩn 72 sửa đổi", ông Vũ Anh nói thêm.

Ông Nguyễn Chiến Thắng, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết với phương châm lấy doanh nghiệp và người dân làm trung tâm phục vụ, Cục Đăng kiểm VN đang tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp và người dân trong công tác đăng kiểm.

Ông Nguyễn Chiến Thắng, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết với phương châm lấy doanh nghiệp và người dân làm trung tâm phục vụ, Cục Đăng kiểm VN đang tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp và người dân trong công tác đăng kiểm.

Nhiều khó khăn đối với doanh nghiệp hàng hải, thủy nội địa

Trước đó, phát biểu khai mạc buổi đối thoại, ông Nguyễn Chiến Thắng, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT về việc tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và hoàn thiện thể chế quy định pháp luật về công tác đăng kiểm tàu biển và phương tiện thủy, Cục Đăng kiểm tổ chức hội nghị đối thoại nhằm lắng nghe các ý kiến của đại diện các doanh nghiệp vận tải, cơ sở đóng tàu, cơ sở thiết kế, từ đó có những tháo gỡ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các đơn vị, doanh nghiệp.

Theo ông Thắng, thời gian vừa qua có nhiều khó khăn đối với các doanh nghiệp hàng hải và đường thủy nội địa do nguồn hàng khan hiếm, giá cước vận tải thấp, giá nhiên liệu biến động thất thường, các doanh nghiệp vận tải thủy, công nghiệp tàu thủy, logistic trong nước chưa thể cải thiện nâng cao thị phần.

Năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục căng thẳng làm ảnh hưởng đến hoạt động giao thông vận tải đường biển; khó khăn đối với công nghiệp đóng tàu và vận tải biển, đường thủy nội địa vẫn tiếp tục kéo dài.

Với phương châm lấy doanh nghiệp và người dân làm trung tâm phục vụ, Cục Đăng kiểm VN đang tập trung cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp và người dân trong công tác đăng kiểm; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực và tăng cường giám sát kiểm tra; nâng cao chất lượng thực thi văn bản pháp luật; đơn giản hóa và minh bạch các quy trình đăng kiểm.

Tại Hội nghị, ông Phạm Hải Bằng, Trưởng phòng Tàu biển – Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết thêm, đội tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam hiện tại đang duy trì hoạt động là 1182 tàu, tổng dung tích 6,85 triệu GT, tổng trọng tải 11,2 triệu tấn.

Số lượng tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến quốc tế là 574 tàu với tổng trọng tải là 9,79 triệu tấn, tổng dung tích là 5,97 triệu GT. Trong đó có 294 tàu mang lưỡng cấp với tổng trọng tải là 7,91 triệu tấn, tổng dung tích là 4,8 triệu GT.

Số PTTNĐ đã vào đăng kiểm lần đầu là khoảng 290.000 phương tiện; có khoảng 191.000 phương tiện đã quá 10 năm không quay lại đăng kiểm (chiếm 66%); số tàu hoạt động ven biển phân cấp VR-SB 2.994 phương tiện (trong đó có 1.274 phương tiện chở hàng, 51 phương tiện chở container, 535 phương tiện chở khách 151 phương tiện chở người).

Đến thời điểm hiện nay, có 84 cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu biển và hơn 321 cơ sở đóng PTTNĐ đã được Cục ĐKVN đánh giá và công nhận đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Qua theo dõi, chất lượng đóng mới, hoán cải, sửa chữa tại các cơ sở đóng tàu đang từng bước được cải thiện, chất lượng dần được nâng cao.

Trong năm 2023, đầu năm 2024, Bộ GTVT đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật góp phần tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong đăng kiểm tàu biển, PTTNĐ, góp phần bổ sung nhanh chóng nguồn nhân lực đăng kiểm viên PTTNĐ.

Về phương hướng công tác đăng kiểm năm 2024, ông Bằng cho biết, Cục Đăng kiểm sẽ tiếp tục đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia như: Bộ luật HHVN, Luật Giao thông đường thủy nội địa để nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác đăng kiểm tàu biển, PTTNĐ, chứng nhận sản phẩm công nghiệp; các Nghị định liên quan để cắt giảm điều kiện kinh doanh của các cơ sửa đóng tàu và PTTNĐ; Kịp thời ban hành các sửa đổi, bổ sung, cập nhật các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ATKT & BVMT cho tàu biển, PTTNĐ mà Cục ĐKVN đã trình Bộ GTVT (trong đó có: Quy chuẩn phân cấp và đóng tàu biển vỏ thép, Quy chuẩn phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa, Quy chuẩn kiểm tra an toàn tàu cỡ nhỏ,...).

Cùng đó, nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo, đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ đăng kiểm trong công tác đăng kiểm; kiên quyết xử lý đối với các cá nhân có biểu hiện sợ trách nhiệm, từ chối thực hiện công việc được giao. Định kỳ tổ chức kiểm tra chuyên ngành hoặc đột xuất công tác đăng kiểm tại các chi cục đăng kiểm để chủ động phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi trong thực thi công vụ của các cá nhân liên quan.

Thường xuyên tập huấn nghiệp vụ, cập nhật kiến thức để nâng cao năng lực về thẩm định thiết kế, kiểm tra phương tiện, SPCN cho các đăng kiểm viên của các đơn vị đăng kiểm nhằm tăng số lượng và chất lượng nguồn nhân lực.

Đặc biệt, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào dịch vụ đăng kiểm, tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin 4.0 vào dịch vụ đăng kiểm; Cấp hồ sơ đăng kiểm điện tử; Nâng cao chất lượng dịch vụ đăng kiểm, bảo đảm an toàn, nhanh chóng, hiện đại, thân thiện với môi trường.

Yến Chi

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/doi-thoai-go-vuong-dang-kiem-tau-bien-tau-thuy-192240327115004545.htm