Đối thoại - 'kênh' giải quyết những vấn đề của người lao động
Với chung mục tiêu quan tâm, chăm lo, bảo vệ người lao động, nhiều năm qua, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội và Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội thường niên phối hợp tổ chức Hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa Chủ tịch UBND Thành phố với công nhân lao động (CNLĐ) Thủ đô. Đây là 'kênh' hiệu quả để lãnh đạo Thành phố lắng nghe và giải quyết những tâm tư, nguyện vọng, đề xuất liên quan thiết thân đến CNLĐ.
Nhiều đề xuất, kiến nghị mong được cải thiện
Hà Nội là trung tâm chính trị, hành chính của quốc gia; là địa phương tập trung nhiều doanh nghiệp, đông CNLĐ. Trên địa bàn Thành phố hiện có khoảng 250 nghìn doanh nghiệp, với trên 2,7 triệu lao động. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt 70,25%. Những năm qua, điều kiện làm việc, thu nhập, nhà ở, đời sống của người lao động (NLĐ) luôn được các cấp các ngành và tổ chức Công đoàn Thành phố quan tâm; từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động. Mặc dù, 1/2 nhiệm kỳ phải đối mặt với khó khăn do đại dịch Covid-19, nhưng bên cạnh việc phòng chống dịch, các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố đã không ngừng tìm ra các giải pháp thích ứng, khắc phục khó khăn, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống, việc làm cho NLĐ.
Thu nhập bình quân của người lao động trên địa bàn Thành phố đạt trên 6,5 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, với mức thu nhập của người lao động như trên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tối thiểu, do tình hình lạm phát, người lao động phải chịu nhiều chi phí, như: Thuê nhà trọ, gửi trẻ, giá hàng hóa tiêu dùng tăng cao.... Đặc biệt, đối với CNLĐ nhập cư đang làm việc ở trong các khu công nghiệp và chế xuất, đời sống còn nhiều khó khăn hơn do phải thuê trọ, mức sống còn thấp hơn so với mặt bằng chung của toàn Thành phố.
Vấn đề nhà ở cho CNLĐ còn thiếu so với sự gia tăng nhanh của lực lượng lao động và vẫn luôn là yêu cầu cấp thiết của đoàn viên, người lao động. Hiện nay, Thành phố có 3 khu công nghiệp có dự án nhà ở đáp ứng gần 30% nhu cầu về chỗ ở của CNLĐ, còn khoảng 70% CNLĐ đang phải thuê nhà trọ ở trong khu dân cư. Trong đó, một số khu nhà trọ diện tích chật hẹp, an ninh trật tự và vệ sinh môi trường chưa đảm bảo. Ngoài ra, các công trình phúc lợi công cộng như: Trường mầm non công lập còn thiếu, nhà văn hóa, khu thể thao và khu vui chơi giải trí, các điểm sinh hoạt phục vụ CNLĐ ở các khu công nghiệp tập trung hầu như chưa có, điều kiện học tập của con em CNLĐ nhập cư còn nhiều khó khăn.
Đáng nói, tình trạng nợ lương, nợ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế vẫn còn diễn ra, nhất là sau đại dịch Covid-19. Theo thống kê của cơ quan chức năng, trên địa bàn Thành phố hiện có 85.979 đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp từ 2 tháng trở lên, với số tiền nợ trên 5.154,3 tỉ đồng, làm ảnh hưởng đến đời sống, chế độ chính sách của 1.279.714 người lao động, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tranh chấp lao động, đình công trên địa bàn Thủ đô. Tình trạng vi phạm pháp luật lao động cũng vẫn còn xảy ra tại một số doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố, đặc biệt những doanh nghiệp có quy mô nhỏ, ít lao động. Một số vi phạm phổ biến như: Hợp đồng lao động, tiền lương, thời giờ làm việc, an toàn vệ sinh lao động, xây dựng thang bảng lương thiếu rõ ràng,… ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của người lao động.
Trước tình hình đời sống, việc làm, phúc lợi và các chế độ chính sách của người lao động còn có những bất cập như trên, LĐLĐ thành phố Hà Nội xác định phải chú trọng thực hiện thật tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động. Và, một trong những giải pháp hiệu quả để thực hiện tốt điều này là tăng cường tổ chức hoạt động đối thoại giữa các cấp chính quyền với người lao động, giữa người sử dụng lao động với người lao động tại cơ sở. Trong đó, riêng ở cấp Thành phố, hàng năm, LĐLĐ Thành phố đều phối hợp với UBND Thành phố tổ chức Hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa Chủ tịch UBND Thành phố với đoàn viên, người lao động (trừ 2 năm 2020, 2021 không tổ chức được do dịch Covid-19).
Để Hội nghị đạt hiệu quả thực chất, trước khi diễn ra, LĐLĐ Thành phố đều tổ chức thu thập, lấy ý kiến, kiến nghị của CNLĐ thông qua hình thức phát phiếu tới các Công đoàn cơ sở. Mỗi dịp thu thập ý kiến, LĐLĐ Thành phố đều thu nhận và tổng hợp được hàng trăm ý kiến, kiến nghị gửi về từ các đại biểu CNLĐ và Công đoàn cơ sở, tập trung những vấn đề liên quan thiết thân đến người lao động, nổi bật nhất là vấn đề nhà ở cho công nhân. Chẳng hạn, công nhân rất mong muốn Thành phố có cơ chế chính sách, để CNLĐ được thuê, mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân với các cơ chế hỗ trợ của Nhà nước và giá cả phù hợp với thu nhập của người lao động hiện nay.
Cùng với nhà ở, nhà trẻ, trường học cho con em cũng là nhu cầu thiết thực của công nhân khi họ mong muốn Thành phố sẽ quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp nhà trẻ, trường học, trạm y tế phục vụ CNLĐ trong các khu công nghiệp và chế xuất; quan tâm cho con CNLĐ có hộ khẩu tạm trú được học tập ở các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn, đặc biệt là cấp trung học phổ thông.
Những kiến nghị của công nhân cũng tập trung nhiều ở việc thực hiện chính sách như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; tiền lương, việc làm cho người lao động; hồ sơ, thủ tục giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp… Cụ thể, CNLĐ đề nghị Thành phố kiến nghị Quốc hội khi sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội nghiên cứu giảm tuổi nghỉ hưu cho một số đối tượng lao động trực tiếp; tăng quyền lợi để thu hút người lao động tham gia và giảm số người rút bảo hiểm xã hội một lần; đề nghị Thành phố chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các doanh nghiệp chây ỳ, nợ lương, nợ đóng bảo hiểm xã hội và giải quyết tình trạng nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội tại một số doanh nghiệp trên địa bàn, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.
Ngoài ra, CNLĐ còn đề nghị Thành phố có giải pháp đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự trong các khu công nghiệp và xung quanh khu công nghiệp; đề nghị Thành phố bố trí các tuyến, các điểm dừng xe buýt trong các khu công nghiệp phục vụ công nhân lao động; đề nghị Thành phố quan tâm vấn đề nâng cao trình độ chuyên môn và đào tạo nâng cao kỹ năng tay nghề cho CNLĐ đáp ứng yêu cầu của nền công nghiệp 4.0; đề nghị Thành phố đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật về: Hệ thống chiếu sáng, tín hiệu đường giao thông, hệ thống thoát nước, vệ sinh môi trường tại các khu công nghiệp; lắp đặt hệ thống Wifi miễn phí phục vụ khu nhà trọ có đông CNLĐ của các khu công nghiệp thuê trọ…
Giải quyết thỏa đáng, kịp thời kiến nghị của CNLĐ
Phát biểu với CNLĐ tại các hội nghị đối thoại, lãnh đạo UBND Thành phố đều cho rằng: Hội nghị là hoạt động rất thiết thực, hiệu quả, là dịp để lãnh đạo Thành phố trực tiếp lắng nghe tâm tư, vướng mắc của CNLĐ và có giải pháp tháo gỡ, giải quyết khó khăn vướng mắc cho cả người sử dụng lao động và người lao động, hướng tới mục tiêu chung là doanh nghiệp ổn định sản xuất, phúc lợi người lao động được nâng cao, góp phần xây dựng đội ngũ công nhân ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng; xây dựng Thành phố ngày càng phát triển văn minh, hiện đại.
Với tinh thần đó, tại các hội nghị, sau khi nghe ý kiến của CNLĐ, các đồng chí lãnh đạo đứng đầu UBND Thành phố đều trực tiếp giải đáp các kiến nghị của công CNLĐ và ở từng nhóm vấn đề, lãnh đạo Thành phố lại giao cho các sở, ban, ngành chức năng liên quan giải đáp. Các ý kiến giải đáp, trao đổi của lãnh đạo Thành phố và các sở ban ngành đều đáp ứng thỏa đáng mong mỏi của người lao động. Đặc biệt, sau hội nghị đối thoại, Chủ tịch UBND Thành phố tiếp tục ra văn bản kết luận chỉ đạo các ban ngành chức năng bắt tay thực hiện các đề xuất, kiến nghị của CNLĐ.
Đơn cử, tại Hội nghị đối thoại năm 2023, đối với vấn đề nhà ở là mối quan tâm lớn của công nhân, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định, Thành phố sẽ cố gắng đẩy nhanh tiến độ, dự án để trong nhiệm kỳ này khởi công được một số nhà ở xã hội theo kế hoạch, chương trình 1 triệu nhà ở xã hội cho người lao động. “Các doanh nghiệp đã tương đối sẵn sàng. Thành phố mong muốn cuối năm 2023 và 2024 tập trung khởi công một số khu nhà ở. Hà Nội cũng sẽ có chính sách riêng để công nhân với mức lương bình quân 7 triệu đồng có thể tiếp cận được nhà ở xã hội, có tính khả thi”.
Đối với vấn đề phát triển nguồn nhân lực của thành phố, Chủ tịch Trần Sỹ Thanh nêu quan điểm thành phố Hà Nội sẽ phát triển theo hướng mở rộng, công nghệ cao, đòi hỏi nguồn nhân lực đáp ứng công nghệ cao. Do đó, Hà Nội sẽ có chính sách để phát huy lợi thế trung tâm văn hóa, giáo dục đào tạo, đặc biệt là chú trọng vào các trường nghề, đào tạo nhân lực chất lượng cao để đáp ứng xu thế phát triển. “Thành phố sẽ có những chính sách cụ thể, rõ ràng về phát triển công nghiệp, công nhân, nhân lực chất lượng cao sau khi Luật Thủ đô được ban hành, Quy hoạch Thủ đô được phê duyệt, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được điều chỉnh”, Chủ tịch Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND Thành phố cũng khẳng định với công nhân rằng Thành phố sẽ có cơ chế xây dựng chính sách tiền lương tương đối cụ thể, bảo vệ tối đa nhất quyền lợi của người lao động, nhưng vẫn đảm bảo tính hấp dẫn tối thiểu nhà đầu tư đến Việt Nam, kể cả nhà đầu tư trong nước.
Trong 5 năm (2018 - 2023) tổ chức Hội nghị đối thoại cấp Thành phố, đã có 2.745 ý kiến bằng văn bản và 91 ý kiến, kiến nghị trực tiếp của đoàn viên và CNLĐ gửi đến lãnh đạo Thành phố, tập trung kiến nghị giải quyết những vấn đề thiết thân đối với người lao động... UBND Thành phố đã tiếp thu các ý kiến và chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền quận, huyện, thị xã xem xét giải quyết. Ở cấp trên cơ sở, có 94,6% Công đoàn cấp trên cơ sở đã phối hợp với UBND và chính quyền đồng cấp tổ chức đối thoại với CNLĐ trên địa bàn; 77,4% Công đoàn cơ sở khối doanh nghiệp phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức gặp gỡ, đối thoại 3 bên giữa Công đoàn - người sử dụng lao động - người lao động để giải quyết kịp thời những kiến nghị, đề xuất của đoàn viên và người lao động (ngoài đối thoại định kỳ, đột xuất theo quy định).
Trong văn bản kết luận Hội nghị, Chủ tịch UBND Thành phố đã giao 21 nhiệm vụ cho các Sở, ngành, địa phương, đơn vị, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, khẩn trương triển khai thực hiện các ý kiến, kiến nghị của CNLĐ đã được trả lời, giải quyết tại hội nghị. Trong đó, lãnh đạo Thành phố giao Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội chủ trì, phối hợp LĐLĐ thành phố Hà Nội, doanh nghiệp tại các khu công nghiệp rà soát và dự báo nhu cầu đến năm 2030 đối với nhà ở cho công nhân, người lao động làm việc tại các khu công nghiệp; rà soát quy hoạch để bổ sung quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội; phối hợp với Sở Xây dựng, LĐLĐ Thành phố, các sở, ngành liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức thực hiện các giải pháp phát triển nhà ở xã hội cho CNLĐ với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, 100% các khu công nghiệp, khu chế xuất của Thành phố đến năm 2030 đều có khu nhà ở xã hội phục vụ công nhân, người lao động.
Lãnh đạo Thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì kiểm tra, giám sát các dự án xây dựng nhà ở công nhân đang triển khai nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Sở Thông tin và Truyền thông được giao nhiệm vụ đôn đốc và phối hợp với các sở, UBND các quận, huyện, Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, các doanh nghiệp viễn thông rà soát, tổng hợp báo cáo UBND Thành phố đề xuất triển khai hệ thống Wifi công cộng tại các khu công nghiệp và các khu nhà ở đông CNLĐ trên địa bàn Thành phố và đề nghị các doanh nghiệp viễn thông có chính sách khuyến mại, giảm giá gói cước viễn thông phù hợp với thu nhập của công nhân tại các khu công nghiệp.
LĐLĐ thành phố Hà Nội được giao phối hợp chặt chẽ Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Quy hoạch Kiến trúc và các cơ quan liên quan của Thành phố triển khai nghiên cứu, đề xuất cơ chế, mô hình xây dựng nhà ở công nhân, các thiết chế văn hóa cho CNLĐ tại các khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố; phối hợp Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đôn đốc các sở, ban, ngành, UBND các huyện liên quan thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố, tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố…
Có thể nói, hoạt động đối thoại đã thể hiện tình cảm, sự quan tâm của lãnh đạo Thành phố với tổ chức Công đoàn và CNLĐ Thủ đô. Qua nhiều năm tổ chức, hội nghị đối thoại cấp Thành phố nói riêng, hoạt động đối thoại của các cấp chính quyền với CNLĐ nói chung đã trở thành “kênh” thông tin hữu ích để lãnh đạo Thành phố và các cấp lắng nghe, nắm bắt, tiếp nhận tâm tư, nguyện vọng, phản ánh, kiến nghị của CNLĐ, kịp thời chỉ đạo giải quyết, thực hiện, tạo niềm tin giữa đội ngũ công nhân, viên chức, lao động, người dân với Đảng, chính quyền và tổ chức Công đoàn các cấp.