Đối thoại không khoảng cách để 'gỡ khó' cho HTX, nông dân
Sau cơn bão số 3 (Bão Yagi), nhiều nông dân, HTX đang gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh dẫn đến khó khôi phục sản xuất. Điều này nếu không được tháo gỡ kịp thời sẽ làm chậm bước tiến của ngành nông nghiệp Việt Nam.
Tại Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ IX năm 2024 với chủ đề: “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT lắng nghe nông dân nói” tổ chức ngày 14/10, ông Nguyễn Sỹ Bính, HTX Thủy sản Phất Cờ (Quảng Ninh), cho biết bão số 3 khiến mục tiêu đạt doanh thu 28-30 tỷ đồng vào cuối năm 2024 của HTX không còn.
Mong được giãn nợ, khoanh nợ, tiếp cận nguồn vốn
“Cơn bão số 3 đã cướp đi tất cả những gì HTX có và tích cóp. Sau bão thành viên không biết đi đâu về đâu vì hộ mất ít nhất là 4 tỷ đồng, hộ mất nhiều nhất là hơn 10 tỷ đồng”, ông Nguyễn Sỹ Bính chia sẻ và cho biết khó khăn nhất của HTX hiện nay là về tài chính. Đề nghị Nhà nước, sở ngành tham gia thống kê thiệt hại và hỗ trợ thiệt hại sau bão. Đồng thời kiến nghị các bộ ngành tiếp tục tìm nguồn vốn, hỗ trợ HTX cho vay với lãi suất hợp lý nhất và khoanh nợ, giãn nợ cho nông dân HTX.
Còn ông Hoàng Văn Liên, Giám đốc HTX tổng hợp Thiên An (Yên Bái), cho rằng hiện nay, mức hỗ trợ nông dân theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ là quá thấp, không phù hợp thực tiễn. Trong khi bảo hiểm nông nghiệp là vấn đề đặt ra vì chưa đi vào thực tiễn, chưa làm phao cứu sinh cho nông dân. HTX. "Chúng tôi mong Bộ NN&PTNT, Hội nông dân Việt Nam có chính sách, cơ chế để thúc đẩy bảo hiểm nông nghiệp trong thời gian tới cho nông dân, HTX", ông Liên nói.
Là mô hình sản xuất thu mua cà phê, hồ tiêu cho ông dân, ông Lê Anh Sơn, Giám đốc HTX Bình Minh (Đăk Nông), cho rằng nông dân đang thiếu thông tin thị trường nên thu hoạch xong bán hồ tiêu, cà phê ồ ạt làm ảnh hưởng đến nguồn cung và giá trị lợi nhuận.
Nhiều nông dân, HTX được gửi những kiến nghị và chia sẻ những khó khăn sau cơn bão số 3.
Muốn hạn chế tình trạng trên, vấn đề cho vay vốn để HTX có nguồn vốn thu mua cho nông dân, thành viên cần được giải quyết, từ đó bảo đảm được nguồn cung, tránh tình trạng... vỡ nợ. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện cho HTX xây dựng kho hàng quy mô lớn, thu hoạch và tích trữ theo quy trình vừa bảo đảm chất lượng, vừa bảo đảm nguồn cung.
Chia sẻ với nông dân, HTX về những khó khăn sau cơn bão số 3, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết rất nhiều nông dân, HTX đã nghe theo lời kêu gọi để đầu tư, liên kết phát triển sản xuất trên quy mô lớn. Nhưng trong cảnh xác xơ, nông dân, thành viên HTX vẫn có ý chí, nghị lực vươn lên rất lớn.
“Bà con, HTX rất mạnh mẽ vì nhiều người cho rằng ‘còn thở thì còn gỡ, của đi thay người. Và nông nghiệp là cái nghề, cái nghiệp của mình’. Đây là điều đáng quý đề tiếp tục phát triển sản xuất kinh doanh, đưa ngành nông nghiệp phát triển”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nói.
Trao đổi xung quanh câu chuyện về giãn nợ, khoanh nợ, Bộ trưởng Hoan cho biết, Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng tiến hành khoanh nợ, giãn nợ cho nông dân, HTX và trong thực tiễn đã và đang triển khai điều này. Còn vấn đề Nghị định 02 với các chính sách hỗ trợ cho nông dân, HTX, Bộ NN&PTNT đã và đang tích cực xem xét, kiến nghị Nhà nước để có những thay đổi phù hợp.
Ngay như vấn đề bảo hiểm nông nghiệp, có thể thấy sau cơn bão số 3, càng thấy rằng ý nghĩa, tầm quan trọng của bảo hiểm nông nghiệp trong phát triển sản xuất.
Bộ trưởng cho rằng, sau Covid-19 chúng ta sống trong cảnh bình thường mới. Và sau bão lũ cũng vậy, nông dân, HTX và cả cơ quan quản lý sẽ rút ra những bài học kinh nghiệm để có những thay đổi phù hợp để nông dân, HTX có thể sống và sản xuất, kinh doanh trong “điều kiện bình thường mới”.
Khó khăn về tiếp cận nguồn đất
Ngoài khó khăn về chính sách hỗ trợ, một trong những vấn đề được các HTX quan tâm hiện nay đó là tiếp cận đất đai, và quy hoạch sản xuất kinh doanh.
Ông Nguyễn Ngọc Hải, thành viên HTX Bình Minh (Bắc Giang), cho rằng chỉ có gia tăng sản xuất thông qua chế biến mới giúp nông dân, HTX nâng cao được thu nhập. Hiện doanh thu của HTX năm 2024 ước tính khoảng 50-60 tỷ đồng/năm, nhưng tiếp cận nguồn đất đầu tư hạ tầng chế biến lại không thuận lợi. Trong khi HTX nguồn lực nhỏ, không thể đủ các điều kiện theo yêu cầu của Nhà nước và địa phương để vào các khu công nghiệp.
Theo ông Hải, với HTX, thành viên cần khoảng 30 tỷ đồng để đầu tư về đất. Còn nhiều HTX sản xuất quy mô nhỏ, cần diện tích từ 500-1.000 m2 thì không thể vào các khu công nghiệp được.
Do đó, vấn đề quy hoạch cụm công nghiệp làng nghề cần tính toán đến HTX, nông dân. Hỗ trợ hạ tầng cần đúng và trúng thì nông dân, HTX mới có nền tảng phát triển, mới tiếp cận được chính sách hỗ trợ.
“Nếu thành viên HTX có thu nhập cao, họ vẫn trích đóng thuế cho Nhà nước nên cần quan tâm tạo điều kiện cho nông dân, HTX tiếp cận được chính sách hỗ trợ một cách phù hợp với thực tiễn”.
Ông Trần Tiếp Phi, nông dân sản xuất tại Quảng Bình, cho biết nuôi cá lóc trên cát là nghề mới. Nói đến cồn cát ở Quảng Bình nhiều người tưởng là có diện tích rộng mênh mông nhưng nông dân lại thiếu quỹ đất. Giông bão gây bão cát, tác động trực tiếp đến ngành nuôi cá lóc, làm gẫy các cột điện gió. Vì vậy, các cấp ngành cần giúp đỡ nông dân mở rộng mô hình sản xuất, phát triển nông nghiệp.
Cũng trong cảnh thiếu đất sản xuất do bị xung đột giữa nuôi trồng thủy sản và sản xuất lúa, ông Nguyễn Hữu Ánh, Chi hội trưởng Chi hội nghề nghiệp nuôi trồng thủy sản nông dân sản xuất xuất tại Cà Mau, cho biết chính quyền địa phương luôn giữ quan điểm giữ đất nông nghiệp 100% không cho chuyển đổi mục đích, chuyển đổi nghề nghiệp. Do đó, một số hộ dân lại muốn chuyển đổi để nuôi cá chình, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Trước hàng loạt khó khăn về đất đai của các HTX, nông dân, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, Luật Đất đai 2024 đã đưa thuật ngữ đất đa mục đích vào sử dụng, nên nếu phát triển sản xuất trên đất nông nghiệp nhưng muốn chuyển đổi sang nuôi thủy sản, chăn nuôi đều được. Nhưng vấn đề ở đây là cách giải quyết cơ chế, chính sách, pháp luật của chính quyền địa phương vẫn còn chưa nhanh nhạy.
Do đó, các địa phương cùng đồng hành với người dân trong phát triển nông nghiệp thì không có những khó khăn về đất đai. Vì muốn phát triển được nông nghiệp, chỉ có quan tâm đến nông dân, HTX. Đây là lực lượng quan trọng để thúc đẩy nông nghiệp. Chính quyền địa phương cần cùng Nhà nước, Bộ ngành tháo gỡ, thể chế hóa Luật Đất đai 2024, Luật HTX 2023… để người dân, HTX nắm bắt thuận lợi hơn trong thực tiễn, từ đó thu hút doanh nghiệp vào liên kết.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, nếu khó khăn trong tiếp cận đất, nông dân, HTX cần xem xét làm sao trên cùng diện tích đó nhưng giá trị gia tăng lên. Đồng thời, nghiên cứu ra những sản phẩm mới, thực hiện chế biến bằng cách chia nhỏ nông sản, thủy sản bằng áp dụng công nghệ. Khi đó, diện tích có thể chưa tăng gấp đôi thì giá trị vẫn có thể tăng gấp đôi và gấp ba và thương hiệu của nông sản còn được phát triển.
HTX là yếu tố cốt lõi trong phát triển nông nghiệp
Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn, cho biết, ở Đăk Nông và nhiều địa phương khác hiện nay vẫn diễn ra vấn đề trồng chặt, chặt trồng cây nông nghiệp.
Để giải quyết vấn đề này, trước tiên, phát triển vùng nguyên liệu cần đặt lên hàng đầu. Vậy nhưng, yếu tố phối hợp trong liên kết giữa HTX và doanh nghiệp vẫn còn nhiều điểm nghi ngại. Doanh nghiệp vẫn sợ nông dân không giữ chữ tín trong bán hàng vào mùa thu hoạch.
Do đó, theo Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, giải pháp quan trọng cho vấn đề này chính là phát triển mô hình HTX để giúp người dân tiếp cận thông tin chính thống, giữ mối liên kết trong ký kết hợp đồng để phát huy vai trò liên kết với doanh nghiệp.
Đi liền với đó, cần quan tâm giải quyết vấn đề vùng nguyên liệu bởi chỉ có đầu tư vùng nguyên liệu ổn định mới có những chính sách phù hợp cho nông dân, HTX và mới giúp HTX có cơ sở sản xuất, doanh nghiệp yên tâm sản xuất và giải quyết bài toán trồng-chặt, chặt-trồng.
Với mong muốn tháo gỡ khó khăn cho HTX, nông dân trong sản xuất, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, các HTX, nông dân hiện vẫn gặp khó khăn ở cả 2 đầu, đầu vào và đầu ra. Đầu vào, vật tư nếu mua nhỏ lẻ thì giá cao, kéo chi phí sản xuất tăng, lợi nhuận giảm. Còn đầu, ra, khâu tiêu thụ vẫn chưa rộng mở dẫn đến không có nguồn thu.
Nhưng nhìn nhận kỹ có thể thấy, ngay vấn đề đầu vào, người dân, HTX vẫn có thói quen làm việc với các cửa hàng nhỏ lẻ tại địa phương vì các cửa hàng này vẫn cho người dân, HTX nợ tiền thu mua vật tư đầu vào. Còn vấn đề đầu ra, mối liên kết giữa HTX và doanh nghiệp vẫn còn lỏng lẻo bởi thiếu niềm tin và quy trình liên kết chưa chặt chẽ, chính quyền địa phương chưa thực sự đồng hành cùng người dân, HTX tháo gỡ khó khăn.
Do đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng khó khăn trong sản xuất vừa đến từ nông dân, HTX, vừa đến từ các bộ ngành, địa phương. Để tháo gỡ vướng mắc, các Bộ ngành, địa phương và cả người nông dân, HTX cần ngồi lại để tìm ra cách mua chung, bán chung để hạ giá đầu vào, tìm cách mở đầu ra trong sản xuất thông qua vai trò chính của mô hình kinh tế tập thể. Chỉ có liên kết thông qua HTX mới tháo được những nút thắt mà ngành nông nghiệp đang gặp phải.
Bà Nguyễn Hoàng Yến, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), cho rằng riêng nông lâm ngư nghiệp đang chiếm 15 % GDP cả nước với giá trị xuất khẩu đạt 53 tỷ USD.
Nhưng từ những khó khăn của HTX, nông dân đang gặp phải có thể thấy, nút thắt ở đây chính là vấn đề liên kết chưa bền chặt, quy mô sản xuất còn nhỏ do phát triển HTX còn những bất cập nhất định. Trong khi quy định trên thị trường ngày càng chặt chẽ về an toàn thực phẩm, nhiều hàng rào kỹ thuật được đặt ra bên cạnh vấn đề xung đột chính trị gây đứt gãy chuỗi sản xuất.
Vì vậy, bà Nguyễn Hoàng Yến cho rằng việc cần làm hiện nay là phát triển HTX, chú trọng phát triển chuỗi giá trị hàng hóa đi đôi với cải thiện tài chính nông nghiệp. Bởi HTX đóng vai trò quan trọng trong liên kết, nếu tháo gỡ được những khó khăn cho khu vực HTX sẽ tháo gỡ được khó khăn cho ngành nông nghiệp.
Chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Lân Hùng cho biết "bão, lũ là câu chuyện của trời, không thể chống lại được". Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên quá bi quan về những thiệt hại đã xảy ra mà phải hướng đến làm sao để khôi phục sản xuất một cách nhanh nhất.
Vị chuyên gia này khuyên rằng HTX, nông dân cần tìm cách tiếp cận, học hỏi những ngành nghề mới để vươn lên làm giàu, nâng cao hiệu quả sản xuất và góp phần thích ứng với biến đổi khí hậu.