Đối thoại kinh tế Việt Nam và Pháp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hợp tác
Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, ngày 20/1, kỳ họp thường niên Đối thoại cấp cao kinh tế Việt Nam - Pháp lần thứ 7 đã được tổ chức trực tuyến, trong bối cảnh hai nước đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức do biến thể Omicron của đại dịch COVID-19 gây ra.
Kỳ họp lần này là một bước cụ thể hóa những nội dung đã cam kết tại Tuyên bố chung của hai nước Pháp và Việt Nam trong chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vào đầu tháng 11/2021. Đây cũng là dịp để hai bên tiếp tục chia sẻ, cập nhật thông tin về tình hình phát triển kinh tế giữa hai nước, thảo luận, trao đổi và tìm giải pháp đối với những vấn đề quan hệ đa phương, song phương, nổi bật là các dự án ODA và dự án đầu tư được hai bên đặc biệt quan tâm trong giai đoạn tới.
Dưới sự đồng chủ trì của ông Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại (Bộ Kế hoạch và Đầu tư và bà Magali CESANA, Vụ trưởng Vụ các vấn đề song phương và quốc tế doanh nghiệp Pháp (Tổng cục Kho bạc, Bộ Kinh tế và Tài chính Pháp), kỳ họp đối thoại cấp cao Kinh tế Việt - Pháp lần thứ 7 đã thu hút sự tham gia của đông đảo đại diện các bộ, ngành, và địa phương hai nước Pháp và Việt Nam. Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Pháp Đinh Toàn Thắng và Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas WARNERY cũng có mặt tại phiên họp.
Ông Phạm Hoàng Mai đã tóm tắt sơ bộ về tình hình kinh tế xã hội của đất nước trong thời gian qua và Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025. Về phần mình, bà Magali CESANA cũng cập nhật các định hướng Chiến lược tại Việt Nam về phát triển kinh tế, đầu tư, các lĩnh vực ưu tiên phát triển trong thời gian tới. Bà cho biết về đầu tư, hiện nay Pháp là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam tại châu Âu và là thị trường chiếm tỷ trọng lớn trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và châu Âu.
Một trong những nội dung lớn được đề cập tại kỳ họp lần này là việc triển khai Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh Châu Âu và Việt Nam (EVFTA) đã có hiệu lực từ hơn một năm qua. Hai bên mong muốn Hiệp định cần được thực hiện và triển khai mạnh mẽ, đi vào thực tế cuộc sống của doanh nghiệp hai nước với nhiều kết quả thực chất hơn nữa.
Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch thương mại Việt Nam - Pháp đạt mức tăng trưởng tốt với tốc độ tăng trưởng bình quân 15,7%/ năm trong giai đoạn năm 2011-2019. Năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều ở mức trên 4,8 tỷ USD, giảm nhẹ ở mức 0,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu là 3,21 tỷ USD, giảm 2,6% và nhập khẩu đạt trên 1,59 tỷ USD, tăng 4,8%. Mặc dù, kim ngạch thương mại năm 2021 giữa hai nước có giảm nhẹ (-0,3%), nhưng nếu xét đến ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh Covid tác động đến kinh tế toàn cầu nói chung từ cuối năm 2019 đến nay, thì con số như vậy cũng cho thấy tác động tích cực của EVFTA trong việc thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam và Pháp.
Phía Pháp hi vọng sẽ tháo gỡ được các khó khăn trong việc tiếp cận thị trường Việt Nam, cụ thể về một số vấn đề như : các biện pháp kiểm soát vệ sinh và kiểm dịch động thực vật tại Việt Nam, tiến trình cung cấp sản phẩm và cấp giấy phép trên thị trường cho các sản phẩm dược phẩm của Pháp tại Việt Nam, quy định về sở hữu trí tuệ…
Bên cạnh đó, các bạn Pháp bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ và niềm tin đối với những cơ hội hợp tác giữa hai nước trong bối cảnh các Hiệp định EVFTA và IVIPA đã được ký kết, đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, đặc biệt là những đột phá, mở cửa về thể chế, chính sách, cũng như nỗ lực của Việt Nam trong phòng chống dịch và phục hồi kinh tế. Cùng với đó là những tín hiệu tốt về tăng trưởng kim ngạch thương mại song phương hai nước không ngừng gia tăng; quan hệ hợp tác, đầu tư giữa doanh nghiệp hai nước cũng đang ngày một phát triển tích cực.
Kỳ họp trực tuyến đã diễn ra rất cởi mở và chủ động, có sự tham gia thảo luận của cả hai bên. Phía bạn đặt nhiều câu hỏi về các dự án đầu tư ưu tiên của Việt Nam trong thời gian tới, tóm tắt những thành tựu đã đạt được trong quá trình hợp tác kinh doanh đầu tư tại Việt Nam, đề xuất các biện pháp để tháo gỡ khó khăn đối với các dự án đang triển khai tại Việt Nam. Hai bên kỳ vọng sẽ sớm thấy kết quả vận hành đoạn trên cao vào cuối năm 2022 của Dự án "Tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn - Ga Hà Nội", sự hợp tác và tham gia của các nhà đầu tư Pháp trong các dự án tương lai như: Sân bay quốc tế Long Thành, Chợ đầu mối quốc tế nông sản tại thành phố Hà Nội, Trung tâm điện lực LNG Cà Ná, Nhà máy điện Sơn Mỹ 1 và các dự án năng lượng tái tạo của tập đoàn Total và tập đoàn EDF.
Bên cạnh đó, hai bên đề xuất thêm một số nội dung mới cần tăng cường hợp tác liên quan tới các dự án đầu tư trong lĩnh vực chuyển đổi số và nông nghiệp. Đặc biệt, trong đầu tư nông nghiệp cần hướng tới tính bền vững, áp dụng các kỹ thuật cao, tiên tiến của Pháp để nâng cao năng suất, xanh hóa vùng trồng, tận dụng lao động địa phương và nguồn nhiên liệu sẵn có, tạo nhiều giá trị gia tăng trong tương lai.
Kết thúc Kỳ họp đối thoại cấp cao kinh tế Việt - Pháp lần 7, hai bên khẳng định tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai bên. Việt Nam sẽ nỗ lực giải quyết những vấn đề tồn tại của các dự án, đồng thời đưa ra các giải pháp đối với từng trường hợp cụ thể phù hợp với quy định hiện hành của Chính phủ Việt Nam, tạo lập hành lang pháp lý thông thoáng để thu hút đầu tư của Pháp vào những lĩnh vực cùng quan tâm, trong đó chú trọng đến những lĩnh vực có hàm lượng kỹ thuật, công nghệ cao phù hợp với thế mạnh của các tập đoàn có uy tín của Pháp trên trường quốc tế.