Đối thoại mỹ thuật Việt Nam - Nhật Bản
Triển lãm Đối thoại với dòng tranh gỗ Nhật Bản Ukiyo-e là kết quả nỗ lực của các họa sĩ trẻ trong hành trình thúc đẩy thực hành nghệ thuật, lấy cảm hứng từ mỹ thuật truyền thống Việt Nam và văn hóa Nhật Bản.
Kế thừa tinh hoa nghệ thuật truyền thống
Theo họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, giám tuyển triển lãm, tranh khắc gỗ Nhật Bản Ukiyo-e, hay còn có tên là tranh phù thế, tranh của thế giới phù du hư ảo, xuất hiện trong khoảng thế kỷ XVII - XX, là tổng hòa kỹ năng và khối óc của họa sĩ sáng tác cùng nghệ nhân khắc gỗ, in ấn, bồi biểu... Ukiyo-e trở thành biểu tượng của hội họa xứ Phù Tang và có ảnh hưởng lớn đến nhiều danh họa phương Tây.
“Thực tế ít người hiểu về dòng tranh Ukiyo-e trong khi ảnh hưởng của nó đến lịch sử nghệ thuật rất lớn. Bên cạnh đó, cũng không nhiều người Hà Nội hiểu về dòng tranh Hàng Trống, là sự kết hợp của khắc gỗ và vẽ tay. Chính vì vậy, chúng tôi muốn đẩy xa hơn dự án Từ truyền thống tới truyền thống thực hiện từ năm 2020, bằng cuộc đối thoại xuyên văn hóa, đa văn hóa này", họa sĩ Nguyễn Thế Sơn cho biết.
Triển lãm Đối thoại với dòng tranh gỗ Nhật Bản Ukiyo-e là kết quả 5 tháng miệt mài sáng tạo của nhóm họa sĩ trẻ từng và đang theo học Khoa Hội họa, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Các họa sĩ đã biến không gian Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội, thành một lớp học đặc biệt với sự tham gia của các diễn giả hiểu biết sâu về dòng tranh khắc gỗ. Từ đây, các sáng tạo cá nhân đã ra đời dựa trên nguồn cảm hứng từ dòng tranh Ukiyo-e, kết hợp chất liệu mỹ thuật truyền thống Việt Nam như lụa, sơn mài, giấy dó…
Triển lãm hy vọng thúc đẩy thực hành nghệ thuật thị giác, qua đó khích lệ, động viên các họa sĩ trẻ học hỏi, kế thừa tinh hoa nghệ thuật truyền thống để có thêm động lực và cảm hứng nuôi dưỡng đam mê sáng tạo.
Kết nối và ứng tác nghệ thuật
Ấp ủ hơn một năm cho việc lên ý tưởng, thu thập tài liệu, bộ tác phẩm Vũ điệu sắc màu được họa sĩ Bùi Kim Hiền và nhóm em nhỏ thực hiện trong 5 tháng. Tác phẩm chiếm một góc không gian triển lãm với những áng mây mang tạo hình vân mây Hàng Trống, vừa là người dẫn chuyện vừa là sự kết nối câu chuyện của 12 con giáp, của di sản Văn Miếu - Quốc Tử Giám, lý ngư vọng nguyệt, rước rồng đón Xuân…
Họa sĩ Bùi Kim Hiền cho biết “duyên” đã đến với chị khi được gặp các em bé đam mê nghệ thuật từ các trường vẽ, nhóm vẽ trong quá trình tham gia dự án Từ truyền thống đến truyền thống; chị đã chủ động gặp gỡ, trao đổi và phác thảo về bộ tác phẩm. Rất bất ngờ, nhóm các bạn nhỏ, bé nhất lớp 3, lớn nhất lớp 12, đã xâu chuỗi ý tưởng, hoàn thành bộ tranh.
Bùi Kim Hiền chia sẻ: “Nhóm họa sĩ tìm hiểu dòng tranh Hàng Trống, tranh Ukiyo-e, tranh tượng dân gian, rồi thể hiện tác phẩm trên chất liệu lụa truyền thống, thay vì giấy dó như dòng tranh Hàng Trống và Ukiyo-e vẫn sử dụng, có sự ứng tác kỹ thuật sơn mài. Tôi mong rằng, tác phẩm không chỉ thể hiện đối thoại về mặt ngôn ngữ, chất liệu mà còn kết nối các thế hệ đi trước và lớp họa sĩ sau này”.
Tranh lụa Người con gái hái dâu được Trần Thị Hội kể về cuộc đời của phụ nữ tài sắc vẹn toàn trong lịch sử Việt Nam là nguyên phi Ỷ Lan, vẽ theo phong cách tranh mỹ nhân họa của dòng tranh khắc gỗ Ukiyo-e, kết hợp với họa tiết dân gian truyền thống như một cách đối thoại, kết nối giá trị truyền thống của văn hóa Nhật Bản với văn hóa Việt Nam. Tác giả lựa chọn vẽ trên lụa truyền thống và bồi trên giấy dó, sắp đặt nhịp điệu như dòng chảy lịch sử thăng trầm của phụ nữ Việt.
Ứng tác với dòng tranh Ukiyo-e, họa sĩ Lê Thị Hải Yến chuyển thể bức Đương thì tam mỹ nhân sang chất liệu sơn mài và cũng có những vân mây trong tranh Hàng Trống, tạo nên cảm giác mới lạ mà không làm mờ nhạt vẻ đẹp của ba mỹ nhân trong tranh. Bức họa của họa sĩ Kitagawa Utamaro miêu tả chân dung ba người đẹp nổi tiếng thời bấy giờ, theo bố cục hình tam giác: Geisha Tomimoto Toyohina, cùng hai nữ phục vụ trà quán Naniwaya Kita và Takashima Hisa. Từ đó tác phẩm được coi là khá phổ biến, bố cục hình tam giác trở thành mốt những năm 1790.
Các tác phẩm Xinh của Hoàng Thị Việt Hương, Nhịp bước cảnh Xuân của nhóm tác giả Triệu Minh Hải, Đỗ Văn Thiện, Ngô Thu Hương, Nền của Trương Hoàng Hải, Trùng điệp của Nguyễn Thanh Thủy, Làng của Nguyễn Hà Anh… thực hiện trên các chất liệu khác nhau như gốm, sơn khắc, sơn mài, lụa cũng là sự kết hợp các câu chuyện, biểu tượng nổi bật trong tranh Ukiyo-e và các không gian biểu tượng của thủ đô Hà Nội, các vùng quê Việt Nam.
Theo họa sĩ Trần Hậu Yên Thế, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam - Hà Nội, nét mới của các tác phẩm triển lãm, về mặt chất liệu, ngôn ngữ, thể loại, hình tượng đều cho thấy sự giao thoa của 2 nền văn hóa Việt Nam - Nhật Bản. Ở đó, yếu tố cá nhân không bị che lấp mà vẫn hiện diện, minh bạch. Triển lãm cũng thể hiện những ứng xử linh hoạt của các họa sĩ, cũng là nhu cầu, trách nhiệm của nghệ sĩ trẻ trong phát huy và gìn giữ truyền thống tốt đẹp của văn hóa Việt Nam.