Đối thoại Shangri-La 21 năm 2024: Cam kết và bất an

Khai mạc ngày 31/5 và khép lại vào ngày 2/6 tại Singapore, Hội nghị thượng đỉnh quốc phòng quan trọng hàng đầu của châu Á cũng như thế giới mang tên Đối thoại Shangri-La 2024 vốn không phải là nơi giải quyết các vấn đề địa chính trị nóng bỏng. Song, diễn đàn này luôn thu hút sự chú ý của các nhà phân tích quốc tế, bởi tại đây, quan điểm của các cường quốc cũng như các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương được trình bày tương đối thẳng thắn, thậm chí là gay gắt. Từ đó, những phác thảo về tình hình thời cuộc trong ngắn và trung hạn có thể được hình dung một cách dễ dàng hơn.

Việt Nam và con đường đã chọn

Đối thoại Shangri-La lần thứ 21 thu hút khoảng 550 đại biểu đến từ 40 quốc gia trên thế giới cùng thảo luận về những thách thức an ninh nghiêm trọng mà khu vực và thế giới đang phải đối mặt, nhằm hướng tới an ninh và ổn định tại châu Á - Thái Bình Dương. Hội nghị đã tiến hành các phiên họp đặc biệt, với các chủ đề “Sự răn đe và trấn an ở châu Á-Thái Bình Dương”; “Hợp tác quốc phòng và an ninh các nước nhỏ”; “Myanmar: Cơ hội ngoại giao trong bối cảnh tầm nhìn khác nhau về hòa bình”.

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân phát biểu tại diễn đàn.

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân phát biểu tại diễn đàn.

Đến với hội nghị và tham dự các phiên họp toàn thể, đoàn đại biểu Việt Nam do Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, dẫn đầu. Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến và đoàn công tác có nhiều cuộc gặp, tiếp xúc song phương với lãnh đạo quốc phòng các nước và các đối tác, nhằm thúc đẩy hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và các đối tác trong thời gian tới.

Tại cuộc gặp với Tiến sĩ Bastian Giegerich, Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Điều hành Viện IISS (đơn vị tổ chức Đối thoại Shangri-La), Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến đánh giá cao vai trò của Đối thoại Shangri-La với an ninh, an toàn ở khu vực, khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia Đối thoại Shangri-La, đồng thời đề nghị Văn phòng IISS khu vực châu Á (đặt tại Singapore) tăng cường hợp tác nghiên cứu, trao đổi học thuật với các cơ quan nghiên cứu của Việt Nam, trong đó có Viện Chiến lược quốc phòng. Tổng Giám đốc IISS Bastian Giegerich đã đồng ý và đề nghị hai bên thảo luận cụ thể để định hình những nội dung hợp tác này trong thời gian tới.

Đồng thời, tại phiên họp diễn ra chiều 1/6, Thiếu tướng Lê Quang Đạo - Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam đã có bài phát biểu với chủ đề “Thực thi pháp luật trên biển và xây dựng lòng tin”, trong đó thể hiện quan điểm chủ đạo của Đảng và Nhà nước Việt Nam: Tình hình an ninh, trật tự, an toàn trên các vùng biển đã và đang tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức an ninh, cả truyền thống và phi truyền thống, đòi hỏi phải tăng cường hợp tác quốc tế để cùng đối phó, giải quyết. Ông nhấn mạnh: Yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của hợp tác quốc tế là xây dựng lòng tin, bởi thời gian tới, các thách thức trên biển tiếp tục gia tăng và diễn biến phức tạp; đặt ra những yêu cầu mới, cao hơn nữa về hợp tác quốc tế thực thi pháp luật trên biển. Do đó, ông đề nghị các nước tiếp tục tăng cường hợp tác trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và pháp luật của các nước để thực hiện hiệu quả, thực chất hơn nữa các văn bản đã tham gia, ký kết; thúc đẩy ký kết các cơ chế hợp tác mới và đưa ra các sáng kiến thiết thực, hiệu quả hơn nữa để giải quyết, xử lý các thách thức an ninh biển; và các bên cần tiếp tục xây dựng lòng tin trong thực thi các văn bản hợp tác đã ký kết và trong xây dựng các văn bản hợp tác mới.

Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến và Tiến sĩ Bastian Giegerich, Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Điều hành của IISS.

Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến và Tiến sĩ Bastian Giegerich, Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Điều hành của IISS.

Giữa hai làn sóng

Cách tiếp cận đó từ phía Việt Nam - chú trọng về khía cạnh lòng tin và các cơ chế hợp tác, vì lợi ích chung - có thể xem là sự lựa chọn hợp lý nhất có thể tại diễn đàn Shangri-La lần này. Bởi, như đánh giá từ trang The Strategist của ASPI (Viện Nghiên cứu chính sách chiến lược Australia), “Cuộc đối đầu thường niên ở Singapore giữa các bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc và Mỹ đã có ít tiếng gầm gừ hơn một chút, nhưng lại có phần gay gắt hơn”.

Trên bề mặt, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin bắt đầu với câu nói quen thuộc trong quan hệ với Trung Quốc: “Đối thoại không phải là phần thưởng; đó là một điều cần thiết”. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ đối tác trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (Indo-Pacific), nêu bật những tiến triển đạt được trong việc tăng cường an ninh, ổn định và tương lai của khu vực. Ông cũng khẳng định cam kết của Mỹ đối với sự tăng trưởng và thịnh vượng của khu vực, đồng thời nhấn mạnh nhu cầu hợp tác trong việc giải quyết các thách thức an ninh và đầu tư vào các năng lực thúc đẩy an ninh và ổn định lâu dài. "Bất chấp những cuộc đụng độ lịch sử ở châu Âu và Trung Đông, Indo-Pacific vẫn là nơi hoạt động ưu tiên của chúng tôi", ông nói.

Đồng thời, ông Austin nêu bật Chiến lược hội tụ mới của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, theo đó tập hợp các quốc gia xung quanh các nguyên tắc và giá trị chung để đối phó với các mối đe dọa và thách thức, từ biến đổi khí hậu đến bóng ma của bệnh dịch, từ mối nguy hiểm hạt nhân đến chủ nghĩa khủng bố và bất ổn ở Trung Đông... Theo ông, mô hình “trung tâm và nan hoa” cho an ninh tại Indo-Pacific giờ đây sẽ được thay thế bằng “sự hội tụ mới” của “tập hợp các sáng kiến và thể chế bổ sung cho nhau, được thúc đẩy bởi một tầm nhìn chung và ý thức chung về nghĩa vụ chung”.

Nhưng, trong sâu thẳm, thông điệp năm nay của người đứng đầu Lầu Năm Góc bị giới quan sát đánh giá là dừng lại ở mức độ trấn an vừa đủ, không có quá nhiều điểm đột phá đáng chú ý, đặc biệt là khi đặt vào bối cảnh tình hình Biển Đông cũng như biển Hoa Đông đang có nhiều biến chuyển đáng lo ngại. Điều đó là bởi, như chính ông thổ lộ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã có cuộc gặp riêng với người đồng cấp Trung Quốc Đổng Quân và “Washington không muốn có quan hệ gây tranh cãi với Bắc Kinh”. Thực ra, theo The Strategist, chuyện hai bộ trưởng quốc phòng của hai đại cường đã có cuộc gặp riêng kéo dài 75 phút có thể xem là “những bước tiến nhỏ”.

Tuy nhiên, kể cả như vậy, những phản ứng dành cho bài phát biểu của Bộ trưởng Lloyd Austin, từ phía đoàn Trung Quốc, cũng vẫn mang màu sắc “đanh thép” và “cáu kỉnh”, cho dù là phiếm chỉ. Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân tuyên bố: “Chúng tôi sẽ không cho phép chủ nghĩa bá quyền làm suy yếu lợi ích của châu Á-Thái Bình Dương. Chúng tôi sẽ không cho phép bất kỳ ai mang xung đột địa chính trị hoặc bất kỳ cuộc chiến tranh nào, dù nóng hay lạnh, đến khu vực của chúng tôi”. Không để ai cần phải suy diễn, ông nhấn mạnh: “Ai dám tách Đài Loan khỏi Trung Quốc sẽ bị nghiền nát!”.

Có một thực tế không ai, không quốc gia nào trong khu vực có thể né tránh: Nước Mỹ, kể từ đầu thiên niên kỷ mới, đã xem Trung Quốc chính là đối thủ cạnh tranh chiến lược hàng đầu. Do đó, mọi nỗ lực “xoay trục” về châu Á - Thái Bình Dương (gần đây được mở rộng thành Indo-Pacific) của Washington là không thể đảo ngược. Nghĩa là, màn so kè giữa hai cường quốc này vẫn sẽ còn tiếp diễn, với hệ lụy tất yếu là sự xuất hiện thêm nhiều những “vùng xám” phức tạp, như nhận định từ phía Việt Nam.

Việc giảm leo thang căng thẳng giữa các siêu cường lại là điều đa số các quốc gia trong khu vực mong đợi, để tiếp tục phát triển, hướng tới hòa bình, ổn định, thịnh vượng... Song, không chỉ vậy, còn có những kịch bản dù cực kỳ u ám, nhưng vẫn được thực tế đặt ra, như cách The Strategist dẫn lời nhà phân tích hàng đầu của Jakarta - Dewi Fortuna Anwar: “Nếu Washington và Bắc Kinh lại đàm phán chặt chẽ với nhau, đồng thời thực hiện các chính sách cưỡng chế ở Biển Đông, thì cơ chế quản lý việc này sẽ là như thế nào? Bởi vì, chúng tôi cũng lo lắng: Nếu các bạn (nghĩa là các đại cường) quá thân mật, chúng tôi cũng sẽ bị giẫm đạp”.

Đó thật sự là câu hỏi chưa thể được trả lời, ít nhất là trong hiện tại. Tuy vậy, điều tích cực là nó đã được nói lên ở diễn đàn quân sự quốc tế quan trọng này, đại diện cho tâm tư bất an của không ít nước nhỏ, trước nguy cơ bị cuốn vào những cuộc “tranh bá đồ vương”, trên tiến trình tái định hình một trật tự thế giới mới.

Và, ít nhất, khi những quan điểm đa chiều được bộc lộ rõ ràng, việc biết được rằng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ xem “Xung đột hay chiến tranh với Trung Quốc không phải là điều không thể tránh khỏi”, cũng như chuyện các cuộc đối thoại giữa hai thế lực toàn cầu vẫn có nhiều cơ hội tiếp diễn, sẽ là những dữ liệu định hướng quý báu, cho công tác hoạch định chính sách của bất cứ quốc gia nào.

Mây Linh

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/doi-thoai-shangri-la-21-nam-2024-cam-ket-va-bat-an-i733903/