Đối thoại Shangri-La lần thứ 21: Thu hẹp những khác biệt, quản lý rủi ro
Đối thoại Shangri-La lần thứ 21 chính thức khai mạc tại khách sạn Shangri-la, Singapore trong ít phút nữa. Được coi là diễn đàn về an ninh quan trọng bậc nhất của châu Á, Đối thoại Shangri-La năm nay thu hút sự tham gia của đông đảo quan chức chính phủ, các chuyên gia về an ninh quốc phòng nhằm thảo luận về những thách thức đang nổi lên.
19h tối nay (theo giờ Hà Nội), Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos sẽ có bài phát biểu dẫn đề, mở màn Đối thoại Shangri-la lần thứ 21. Trước giờ khai mạc, Tổng thống Philippines bày tỏ vui mừng khi được mời là diễn giải chính của Đối thoại lần này.
“Đối thoại Shangri-La rất quan trọng vì đây là cơ hội để các nước thảo luận về các mối quan tâm an ninh và quốc phòng. Tôi nghĩ rằng đây là cơ hội kịp thời khi được tham dự Diễn đàn và nêu rõ quan điểm của Philippines về quốc phòng và ngoại giao, đồng thời tiếp tục nêu bật cam kết của Philippines đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và chủ nghĩa đa phương mang tính xây dựng trong bối cảnh những thách thức địa chính trị mà khu vực đang phải đối mặt”, ông Marcos nói.
Theo Tiến sĩ Bastian Giegerich, Tổng Giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), đối thoại năm nay được tổ chức, với sự tham dự của hơn 550 đại biểu, là quan chức chính phủ, quan chức quốc phòng-an ninh, ngoại giao, các chuyên gia nghiên cứu... trong lĩnh vực quốc phòng-an ninh của 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam.
“Chúng ta sẽ được nghe những quan điểm, đánh giá của các nhà lãnh đạo, Bộ trưởng, quan chức quốc phòng cấp cao đến từ châu Á, Bắc Mỹ, châu Âu, Trung Đông, về những vấn đề an ninh khu vực cấp bách nhất, những đề xuất của họ về những gì cần làm, trước những thách thức đối với trật tự quốc tế. Vì vậy, việc thúc đẩy các hoạt động ngoại giao quốc phòng như tại Đối thoại Shangri La đang trở nên ngày một quan trọng hơn”, ông Giegerich cho hay.
Đối thoại Shangri La năm nay sẽ có 7 phiên họp toàn thể, tập trung thảo luận các nội dung, từ vai trò của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, cách tiếp cận của Trung Quốc đối với các vấn đề an ninh toàn cầu, các chính sách quản lý khủng hoảng, rủi ro trong giai đoạn cạnh tranh, việc thực thi luật pháp quốc tế, tự do hàng hải, hay hợp tác quốc phòng an ninh giữa các nước nhỏ, cơ hội ngoại giao cho vấn đề Myanmar...
Bên lề đối thoại Shangri La, hôm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã có cuộc gặp đầu tiên với người đồng cấp Trung Quốc Đổng Quân. Đây là cuộc gặp quân sự cấp cao nhất Mỹ – Trung kể từ cuối năm 2022, sau khi hai bên từ chối gặp chính thức tại Đối thoại Shangri La năm ngoái. Tại cuộc gặp – mà phía Trung Quốc đánh giá mang tính xây dựng, Bộ trưởng Quốc phòng hai nước đã trao đổi quan điểm về tình hình căng thẳng ở biển Đông, eo biển Đài Loan gia tăng thời gian gần đây, cuộc xung đột tại Ukraine và dải Gaza.
Theo Giáo sư Stephen Robert Nagy của Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế, học giả Nghiên cứu các vấn đề quốc tế, cuộc gặp là một bước đi cần thiết để xây dựng lòng tin giữa hai bên.
“Những thách thức tồn tại trong mối quan hệ Mỹ và Trung Quốc sẽ không thể giải quyết được trong thời gian ngắn. Nó đòi hỏi một thời gian dài, có thể hàng thập kỷ. Dẫu vậy, cần có những bước đi xây dựng lòng tin đầu tiên và cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ – Trung lần này là một bước đi hướng tới mục đích như vậy. Nó có thể giúp hạ nhiệt phần nào những căng thẳng giữa hai bên, để những căng thẳng đó có thể lường trước và nằm trong tầm kiểm soát. Chúng ta hi vọng cuộc gặp lần này có thể giúp tạo ra một số biện pháp xây dựng lòng tin, tạo tiền đề giúp hai nước này giải quyết những khác biệt lớn liên quan đến vấn đề Đài Loan và Biển Đông”, Giáo sư Stephen Robert Nagy nhận định.
Ngoài ra, cuộc gặp 3 bên Mỹ – Nhật – Hàn, cuộc gặp song phương Hàn- Nhật cũng sẽ thu hút sự quan tâm đặc biệt do liên quan đến tình hình trên bán đảo Triều Tiên.
Ngay trước thềm lễ khai mạc Đối thoại Shangri-La lần thứ 21, Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế cũng đã công bố bản đánh giá lần thứ 11 về An ninh khu vực Châu Á- Thái Bình Dương. Ba chủ đề được cụ thể hóa trong 6 chương đề cập đến áp lực và hạn chế xung quanh sự cạnh tranh giữa các cường quốc; giá trị lâu dài của liên minh và quan hệ đối tác; và tác động của công nghệ tiên tiến đối với động lực an ninh khu vực.
Trong bối cảnh đó, Đối thoại Shangri-la lần thứ 21 được kỳ vọng sẽ mang lại cơ hội đối thoại trực tiếp về những khác biệt và những quan ngại an ninh để từ đó tìm ra những giải pháp đối phó với các thách thức chung.