Đối thoại Shangri-La: Mỹ tái khẳng định cam kết với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết, việc đảm bảo an ninh tại châu Á là một trong những ưu tiên hàng đầu của chính quyền Tổng thống Joe Biden.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore hôm 1/6. Ảnh: Reuters

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore hôm 1/6. Ảnh: Reuters

Trong bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore ngày 1/6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nhấn mạnh cam kết kiên định của Washington đối với an ninh khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Theo Reuters, ngày càng có nhiều lo ngại rằng việc Washington tập trung hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga và cuộc chiến Israel-Hamas ở Gaza, đồng thời nỗ lực ngăn xung đột không lan rộng đã làm giảm sự chú ý ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Austin khẳng định bất chấp những cuộc đụng độ lịch sử ở châu Âu và Trung Đông, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vẫn là nơi ưu tiên các hoạt động của Mỹ.

Người đứng đầu Lầu Năm Góc nêu rõ trong bài phát biểu: "Hãy để tôi nhắc lại một lần nữa: Mỹ chỉ có thể an toàn nếu châu Á an toàn. Đó là lý do chính quyền Washington đã duy trì sự hiện diện của mình trong khu vực này từ lâu".

Ông Austin nhấn mạnh tầm quan trọng của các liên minh trong khu vực. Ám chỉ đến Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho rằng việc giải quyết tranh chấp một cách hòa bình nên thông qua đối thoại chứ không phải cưỡng ép hay xung đột, và chắc chắn càng không phải cái gọi là trừng phạt.

Đồng thời, ông Austin cam kết sẽ tổ chức thêm các cuộc đàm phán với Trung Quốc trong tương lai. “Điều quan trọng là giới chức Mỹ và Trung Quốc phải tiến hành đối thoại để xác định rõ những vấn đề còn khúc mắc, điều này giúp hai bên tránh được sự hiểu lầm hoặc những tính toán sai lầm” - Bộ trưởng Austin nói.

Trước đó, hôm 31/5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và người đồng cấp Trung Quốc Đổng Quân đã tổ chức cuộc gặp song phương bên lề Đối thoại Shangri-La ở Singapore, khai mạc ngày 31/5 và kéo dài đến ngày 2/6.

Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Mỹ, ông Austin đã nhấn mạnh “tầm quan trọng của việc duy trì đường dây liên lạc quân sự mở” giữa Washington và Bắc Kinh, đồng thời “hoan nghênh kế hoạch triệu tập một nhóm làm việc về khủng hoảng-truyền thông vào cuối năm nay”.

Tuy nhiên, ông Austin cũng bày tỏ “quan ngại về hoạt động khiêu khích gần đây của Quân đội Trung Quốc (PLA) quanh eo biển Đài Loan”, tái khẳng định tầm quan trọng của hòa bình trong khu vực.

Đây là lần đầu tiên sau 2 năm các Bộ trưởng Quốc phòng hai nước hội đàm trực tiếp sau khi ông Austin gặp Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc khi đó là Ngụy Phượng Hòa vào tháng 11/2022 tại Campuchia.

Tại Đối thoại Shangri-La năm ngoái, Trung Quốc đã từ chối đàm phán song phương với Mỹ vì Washington đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với ông Lý Thượng Phúc, người trở thành Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc vào tháng 3/2023 và bị miễn nhiệm vài tháng sau đó.

Đối thoại Shangri-La do Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (IISS) có trụ sở tại Anh tổ chức thường niên. Sự kiện dự kiến thu hút đại diện, quan chức an ninh quốc phòng của hơn 40 quốc gia trên thế giới và khu vực.

Đây là diễn đàn để các nhà lãnh đạo, nhà hoạch định chính sách về quốc phòng, an ninh, chuyên gia, học giả thảo luận về các vấn đề an ninh đang nổi lên của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và lắng nghe, nghiên cứu, nắm bắt chiến lược của từng quốc gia.

Qua nhiều năm tổ chức, Đối thoại Shangri-La đã trở thành diễn đàn an ninh và quốc phòng hàng đầu châu Á.

Đối thoại Shangri-La 2024 sẽ bao gồm nhiều phiên thảo luận về các chủ đề “nóng” như: sự răn đe và trấn an ở châu Á-Thái Bình Dương; hợp tác quốc phòng và an ninh quốc gia; các mối quan hệ đối tác chiến lược của Mỹ trong khu vực; tăng cường quản lý khủng hoảng khi cạnh tranh gia tăng; xây dựng an ninh hợp tác ở châu Á-Thái Bình Dương, các thách thức trật tự an ninh xuyên khu vực...

Các quan chức an ninh và quốc phòng cũng sẽ thảo luận về việc thực thi luật biển và xây dựng lòng tin; cách tiếp cận của Trung Quốc đối với an ninh toàn cầu; AI, an ninh mạng và xung đột tương lai; phối hợp tiến hành các hoạt động nhân đạo trên thế giới...

Nguyễn Phương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/doi-thoai-shangri-la-my-tai-khang-dinh-cam-ket-voi-an-do-duong-thai-binh-duong.html