Đối thoại tạo sự hài hòa giữa người lao động và người sử dụng lao động

Ngày 12/5, Công đoàn Cơ quan Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội nghị thực hiện quy chế dân chủ tại doanh nghiệp nhằm cung cấp thông tin, trao đổi kinh nghiệm về tình hình hoạt động của các đơn vị.

Tham dự Hội nghị có Phó Chủ tịch CĐXDVN Đỗ Văn Quảng, Chủ tịch Công đoàn Cơ quan Bộ Xây dựng Trần Thị Lựu cùng đại diện lãnh đạo, Chủ tịch Công đoàn 8 Cty trực thuộc khối Cơ quan Bộ Xây dựng…

Hội nghị đã đề cập đến các nội dung như: Thỏa ước lao động tập thể; quy chế chi tiêu nội bộ; công tác về tiền lương, tiền thưởng; chế độ về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; chế độ nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ… Trong đó nhấn mạnh việc tăng thu nhập của người lao động (NLĐ) là yếu tố nổi bật quyết định sự thành công của doanh nghiệp.

Theo quy định của Nghị định 60/2013/NĐ-CP về việc thực hiện quy chế dân chủ tại nơi làm việc, doanh nghiệp phải công khai kế hoạch sản xuất kinh doanh với NLĐ. NLĐ có quyền kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài hình thức đối thoại định kỳ 3 tháng một lần và tổ chức hội nghị NLĐ 12 tháng một lần, doanh nghiệp đang áp dụng rất hiệu quả các hình thức đối thoại gián tiếp không thường xuyên khác.

Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo khối doanh nghiệp thuộc Cơ quan Bộ đã bày tỏ sự đồng thuận trong việc thực hiện quy chế dân chủ tại cơ sở thông qua hoạt động đối thoại định kỳ tại nơi làm việc.

Hoạt động đối thoại nhằm tạo ra sự hài hòa giữa mong muốn của NLĐ, người sử dụng lao động, đồng thời tạo ra sự minh bạch, giảm sự hiểu lầm và xây dựng lòng tin giữa người lao động và người sử dụng lao động.

Một số doanh nghiệp tổ chức đối thoại tốt đã tạo động lực, khuyến khích NLĐ đem kiến thức của mình đóng góp, từ đó làm tăng năng suất lao động, đem lại hiệu quả cao trong sản xuất, giúp NLĐ yên tâm làm việc và gắn bó với đơn vị hơn. Điển hình như Cty Tư vấn thiết bị kiểm định Incosaf, Coninco, CCBM…

Chia sẻ kinh nghiệm tại Hội nghị, các đại biểu cho biết: Để thực hiện đối thoại tại nơi làm việc tốt, cần có sự tuyên truyền nhận thức của cả hai bên gồm NLĐ (đại diện là Công đoàn) và người sử dụng lao động. Mục tiêu chung hướng đến là doanh nghiệp phát triển, nhiều lợi nhuận; NLĐ có quyền và lợi ích ngày càng cao. Việc đối thoại phải tuân thủ theo các quy định của luật pháp và phải được chuẩn bị kỹ nội dung chương trình, nhân sự.

Theo đánh giá của đại diện Ban Chính sách CĐXDVN, chính sách về thực hiện quy chế dân chủ tại doanh nghiệp đã có đầy đủ tuy nhiên ở nhiều nơi còn xem nhẹ.

Trong khi đó, việc tổ chức đối thoại định kỳ và xây dựng quy chế đối thoại tại doanh nghiệp sẽ góp phần giải đáp mọi thắc mắc của NLĐ. Việc thực hiện quy chế dân chủ có hiệu quả sẽ duy trì QHLĐ hài hòa, tránh được thiệt hại do tranh chấp lao động và tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển.

Lê Mỹ

Theo

Link gốc:

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/thoi-su/doi-thoai-tao-su-hai-hoa-giua-nguoi-lao-dong-va-nguoi-su-dung-lao-dong.html