Đối thoại tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện dự án đường Vành đai TP.Tân An
Liên quan đến dự án (DA) đường Vành đai TP.Tân An, tỉnh Long An, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần tiếp tục tiếp và đối thoại với một số hộ dân để tháo gỡ vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng, bồi thường, tái định cư. Tại cuộc đối thoại, Chủ tịch UBND tỉnh thông tin rõ về chủ trương, tầm quan trọng của DA và mong muốn các hộ dân đồng tình để thực hiện DA được thuận lợi.
Còn 228 hộ chưa đồng tình
Mở đầu cuộc đối thoại, Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần cho biết, DA đường Vành đai TP.Tân An dài 22km, bắt đầu từ xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa đến xã Nhơn Thạnh Trung, TP.Tân An là 1 trong 3 công trình trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 (2 công trình khác là Đường tỉnh 830 và trục động lực Tiền Giang - Long An - TP.HCM).
Theo đó, tỉnh rất quan tâm đến thực hiện 3 DA này và đôn đốc thực hiện, bởi khi DA hoàn thành sẽ là động lực quan trọng để tỉnh phát triển mạnh mẽ hơn. Đến nay, Đường tỉnh 830 nối từ Đức Hòa về Cảng Long An cơ bản hoàn thành. Trục động lực Tiền Giang - Long An - TP.HCM là DA rất lớn và hiện cũng đang lập thủ tục, hồ sơ.
"Đối với DA đường Vành đai TP.Tân An, bao gồm cả cầu vượt qua sông Vàm Cỏ Tây có tổng kinh phí dự kiến đầu tư trên 2.600 tỉ đồng. Theo dự kiến, DA này sẽ hoàn thành vào năm 2022" - Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần nói.
DA đường Vành đai TP.Tân An có 1.642 hộ dân nằm trong diện giải phóng mặt bằng. Hiện chỉ còn 228 hộ chưa đồng tình, trong đó có 80 hộ đang có đơn kiến nghị.
Việc thực hiện DA đường Vành đai TP.Tân An sẽ tiến hành giải tỏa 73m, trong đó phần mặt đường 33m và mỗi bên đường mở rộng 20m. "Kinh phí ngân sách khó khăn nên huy động thêm những nguồn vốn khác, trong đó có việc đầu tư hoàn thiện hạ tầng ở phần đất thu hồi hai bên tuyến đường và đấu giá bán để lấy tiền thực hiện phần DA mặt đường rộng 33m" - Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần cho biết.
Thời gian qua, TP.Tân An và tỉnh đã tiếp và đối thoại với nhiều hộ dân. Nhìn chung, chủ trương thực hiện DA được người dân đồng tình cao. Riêng đối với những trường hợp còn kiến nghị, khiếu nại là vì chưa đồng tình với đơn giá bồi thường, tái định cư, liên quan đến 20m mở rộng mỗi bên đường.
Tiếp xúc, đối thoại với Chủ tịch UBND tỉnh, ông Phạm Hữu Nhanh cũng đặt vấn đề, khi đã bàn giao đất thì sau phần 20m mỗi bên đường, những người ở sau đó sẽ không có lối đi? "UBND tỉnh cam kết sẽ bảo đảm đường đi ra, vào nên người dân không phải lo lắng. Bởi khi tiến hành tổ chức đấu giá phần hai bên đường thì phải thực hiện xong hạ tầng điện, nước, giao thông..." - ông Trần Văn Cần trả lời.
Thực hiện theo Luật đất đai
Về vấn đề người dân cho rằng giá bồi thường thấp, Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần cho biết, đơn giá bồi thường không phải do tỉnh tự nhiên phê duyệt hay là UBND TP.Tân An đưa ra. Theo đó, đơn giá đưa ra đã được tính toán và thẩm định chặt chẽ, kỹ lưỡng qua nhiều khâu, nhiều bước, hội đồng định giá, nhiều cấp, nhiều ngành và thực hiện theo quy định của pháp luật.
Trên cơ sở đơn giá được Chủ tịch UBND tỉnh thông qua, UBND TP.Tân An căn cứ theo đơn giá này và dựa theo số liệu kiểm kê mới có phương án đền bù.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng chia sẻ với những băn khoăn, trăn trở của người dân trong diện giải phóng mặt bằng vì có trường hợp lo lắng sẽ có những biến động khi thay đổi chỗ ở mới. Tuy nhiên, chính quyền mong muốn người dân thống nhất, đồng tình với chủ trương phát triển hạ tầng kỹ thuật, nâng cấp đô thị thành phố Tân An cho khang trang, xứng tầm bởi gần đây TP.Tân An đã lên đô thị loại II.
Riêng vấn đề tái định cư, Chủ tịch UBND tỉnh mong người dân yên tâm và cam kết sẽ bằng hoặc tốt hơn nơi ở trước. "Quan điểm của tỉnh là không để người dân thiệt thòi, mất quyền lợi khi thực hiện DA" - ông Trần Văn Cần nhấn mạnh.
Về vấn đề thu hồi 20m mỗi bên đường, Chủ tịch UBND tỉnh nói rõ là không phải thu hồi đất của dân để bán mà nhằm mục đích phát triển hạ tầng kỹ thuật. Việc này không phải tỉnh muốn làm sao thì làm mà được thực hiện theo Điều 62 của Luật Đất đai.
Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh quan điểm, mục đích và mong muốn những hộ còn lại chưa thống nhất sẽ nghiên cứu thêm, từ đó hiểu rõ hơn chủ trương, ý nghĩa để đồng thuận thực hiện DA.
"Về tiến độ DA này, mới đây, tỉnh đã cho khởi công được một đoạn nối từ Quốc lộ 1 đến đường 827A. Theo kế hoạch, trong năm 2019 sẽ khởi công một đoạn nữa bằng nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới. Dự kiến, trong năm 2020 sẽ hoàn thành 2 đoạn này" - Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần thông tin.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần, đơn giá bồi thường không phải do tỉnh tự nhiên phê duyệt hay là UBND TP.Tân An đưa ra mà được tính toán và thẩm định chặt chẽ qua nhiều khâu, nhiều bước, hội đồng định giá, nhiều cấp, nhiều ngành và thực hiện theo quy định của pháp luật.
Trên cơ sở đơn giá được Chủ tịch UBND tỉnh thông qua, UBND TP.Tân An căn cứ theo đơn giá này và dựa theo số liệu kiểm kê mới có phương án đền bù. Riêng vấn đề tái định cư thì người dân yên tâm, UBND tỉnh cam kết sẽ bằng hoặc tốt hơn nơi ở trước"./.