Đối thoại về Hợp tác công tư thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững

Ngày 17/4, trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh P4G Việt Nam 2025 đã diễn ra phiên Đối thoại giữa các nhà lãnh đạo với doanh nghiệp về Hợp tác công tư thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững. Báo Thế giới và Việt Nam tường thuật trực tiếp phiên Đối thoại và đưa tin về tất cả các phiên làm việc của Hội nghị.

Tham dự phiên Đối thoại có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Amina J. Mohammed; hơn 300 đại biểu, bao gồm Trưởng đoàn các nước và tổ chức quốc tế tham dự P4G, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, đại diện Ban Thư ký P4G, cùng khoảng 200–250 lãnh đạo các tập đoàn, hiệp hội và doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Thế giới đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có, từ biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, bất bình đẳng xã hội đến yêu cầu cấp thiết về chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ mới. Để vượt qua những thách thức này và kiến tạo một tương lai thịnh vượng, bền vững hơn, đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững không còn là lựa chọn mà đã trở thành một yêu cầu tất yếu.

Tuy nhiên, quy mô và tính phức tạp của những vấn đề này đòi hỏi sự chung tay góp sức của tất cả các bên liên quan, không một chính phủ hay một doanh nghiệp đơn lẻ nào có thể tự mình giải quyết được các thách thức này. Đây chính là lúc vai trò của hợp tác công - tư (Public-Private Partnership - PPP) trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Việt Nam đang đi đầu về năng lượng tái tạo tại Đông Nam Á

Phát biểu khai mạc phiên Đối thoại giữa các nhà lãnh đạo với doanh nghiệp về Hợp tác công tư thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Amina J. Mohammed đánh giá, Việt Nam đang là một trong những quốc gia đi đầu về năng lượng tái tạo tại Đông Nam Á, có cơ hội thu hút hàng nghìn tỷ USD.

Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Amina J. Mohammed phát biểu khai mạc phiên Đối thoại giữa các nhà lãnh đạo với doanh nghiệp về Hợp tác công tư thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững, ngày 17/4 tại Hà Nội. (Ảnh: Quang Hòa)

Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Amina J. Mohammed phát biểu khai mạc phiên Đối thoại giữa các nhà lãnh đạo với doanh nghiệp về Hợp tác công tư thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững, ngày 17/4 tại Hà Nội. (Ảnh: Quang Hòa)

Đầu tư năng lượng sạch có thể tạo cơ hội trong thế kỷ 21, là điều kiện để thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững khác như giảm nghèo, phát triển sinh kế, đảm bảo các nhu cầu về năng lượng và các mục tiêu khác.

Theo bà Amina J. Mohammed, các nền kinh tế mới nổi cần làm nhiều hơn để đạt được các mục tiêu vào năm 2030, đầu tư vào các mô hình mới nhằm đáp ứng các nhu cầu về đầu tư tại các quốc gia phát triển, trong đó có cơ sở hạ tầng mạng lưới điện thân thiện. Với các đối tác cam kết ủng hộ Việt Nam, yếu tố này cần phải mở rộng. Các lãnh đạo doanh nghiệp có thể giúp mở rộng tham vọng này thông qua hợp tác với chính phủ và trách nhiệm tài chính.

"Đối tác công tư đòi hỏi các động lực, các dự án có thể thanh khoản, từ đó thúc đẩy đầu tư, thu hút dòng tiền, xây dựng năng lượng tại địa phương, tăng sự chia sẻ và lợi ích cho tất cả các bên tham gia vào quan hệ đối tác. Bên cạnh đó, quyết tâm chính trị là quan trọng vì chúng ta ko còn nhiều thời gian. Các cơ quan công quyền cũng phải đóng vai trò nhất định, đặc biệt là thúc đẩy đào tạo nghề.

Hội nghị lần thứ 30 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP30) tại Brazil trong năm nay sẽ là Diễn đàn để chúng ta cùng xây dựng quan hệ đối tác, tham gia để thúc đẩy phát triển kinh tế và thúc đẩy xã hội", Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh.

Trong thông điệp ghi hình gửi Hội nghị, Tổng Thư ký OECD Mathias Cormann chia sẻ, với vị thế là nhà cung ứng năng lượng tái tạo lớn nhất Đông Nam Á, Việt Nam có nhiều cơ hội thúc đẩy hợp tác với các đối tác quốc tế trong lĩnh vực năng lượng.

Ông bày tỏ sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ Việt Nam phát huy mô hình hợp tác công-tư, thu hút đầu tư, đào tạo kỹ năng xanh cho người lao động và trao đổi kinh nghiệm, thúc đẩy thảo luận chính sách về tăng trưởng xanh.

Hợp tác công - tư dẫn lối quá trình chuyển đổi xanh

Ông Francesco Corvaro, Đặc phái viên về Biến đổi Khí hậu của Thủ tướng Italy cho rằng tầm quan trọng chiến lược của hợp tác công - tư trong tiến trình hướng tới một nền kinh tế xanh, không chỉ tại Italy mà còn tại các quốc gia như Việt Nam.

Theo ông Corvaro, quá trình chuyển đổi xanh đòi hỏi phải đầu tư, đổi mới sáng tạo và sự phối hợp hiệu quả thông qua mối quan hệ đối tác công - tư. Tại Italy, chính phủ đã đóng vai trò tiên phong trong việc dẫn dắt đầu tư, từ đó thu hút khu vực tư nhân tham gia vào các lĩnh vực then chốt như năng lượng tái tạo và công nghệ xanh, đồng thời tạo ra việc làm mới cho thế hệ trẻ.

Ông Corvaro nhấn mạnh, chính phủ cần tạo môi trường ổn định để doanh nghiệp yên tâm đầu tư dài hạn. Bên cạnh đó, việc đầu tư công vào các dự án thích ứng khí hậu cũng giúp giảm thiểu rủi ro cho khu vực tư nhân, đặc biệt tại các nước đang phát triển.

Theo ông Francesco Corvaro, Đặc phái viên về Biến đổi Khí hậu của Thủ tướng Italy, quá trình chuyển đổi xanh đòi hỏi phải đầu tư, đổi mới sáng tạo và sự phối hợp hiệu quả thông qua mối quan hệ đối tác công - tư. (Ảnh: Quang Hòa)

Theo ông Francesco Corvaro, Đặc phái viên về Biến đổi Khí hậu của Thủ tướng Italy, quá trình chuyển đổi xanh đòi hỏi phải đầu tư, đổi mới sáng tạo và sự phối hợp hiệu quả thông qua mối quan hệ đối tác công - tư. (Ảnh: Quang Hòa)

Chia sẻ kinh nghiệm từ Italy, Đặc phái viên chỉ ra mô hình hợp tác giữa công ty quản lý lưới điện quốc gia Terna và khu vực công trong phát triển hệ thống lưới điện thông minh - nền tảng không thể thiếu để hiện thực hóa chuyển đổi năng lượng. “Không thể nói đến năng lượng tái tạo, trí tuệ nhân tạo hay trung tâm dữ liệu nếu chúng ta không có lưới điện hiện đại”, ông nói.

Ông Corvaro cũng đặc biệt lưu ý đến vai trò của chính quyền địa phương trong mô hình hợp tác công - tư. Tiêu biểu như thành phố Milan, nơi chính quyền địa phương hợp tác với doanh nghiệp nhằm cải thiện hệ thống giao thông công cộng, đây có lẽ là một hướng đi khả thi mà Việt Nam có thể tham khảo. “Kinh nghiệm cho thấy, nguồn lực công không đủ để thực hiện quá trình chuyển đổi xanh, vốn cần đến hàng trăm triệu USD. Tuy nhiên, chính sách công có thể tạo môi trường thuận lợi để khu vực tư nhân tham gia”, ông Corvaro chỉ rõ, đồng thời cho rằng hợp tác công – tư không chỉ giúp thúc đẩy đổi mới sáng tạo, mà còn đáp ứng nhanh chóng nhu cầu thực tế của xã hội.

Một yếu tố quan trọng khác được ông Corvaro đề cập là đào tạo nguồn nhân lực và phát triển kỹ năng, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ mới. Theo đó, nếu không đầu tư cho thế hệ trẻ ngay từ bây giờ, thế giới không thể đạt được mục tiêu khí hậu hay xây dựng một thế giới bền vững trong tương lai.

Để giải quyết khủng hoảng, hợp tác là bắt buộc

Theo ông Alejandro Dorado, Cao ủy về Kinh tế tuần hoàn Tây Ban Nha, lý do quan trọng nhất thúc đẩy các mô hình hợp tác công – tư (PPP) mạnh mẽ hơn chính là sự hội tụ giữa khủng hoảng môi trường – khí hậu và làn sóng chuyển đổi công nghệ.

Trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo, công nghệ xanh và quá trình số hóa đang thay đổi toàn diện nền kinh tế toàn cầu, Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) cảnh báo rằng nhân loại chỉ còn chưa đến 10 năm để ngăn chặn thảm họa nóng lên toàn cầu. Đồng thời, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) cũng đã liệt kê sự suy giảm đa dạng sinh học là một trong những rủi ro kinh tế lớn nhất hiện nay.

Trong khi đó, chủ nghĩa đa phương – cơ chế hợp tác giữa các quốc gia – đang bị nghi ngờ hoặc suy yếu ở một số nơi. Thế giới cần tăng cường hợp tác để vừa giải quyết các vấn đề môi trường, vừa tận dụng các cơ hội do đổi mới công nghệ mang lại. Đây là những thách thức và cơ hội toàn cầu, vượt qua mọi biên giới, ảnh hưởng đến tất cả chúng ta.

“Không chính phủ hay doanh nghiệp nào có thể đơn độc giải quyết những khủng hoảng hiện tại. Hợp tác là bắt buộc. Khu vực công đóng vai trò cung cấp khuôn khổ pháp lý, chính sách tài khóa, công cụ đầu tư, khả năng triển khai ở quy mô lớn và đảm bảo lợi ích công cộng.

Ông Alejandro Dorado Cao ủy về Kinh tế tuần hoàn Tây Ban Nha cho biết, Tây Ban Nha hiện đang là một ví dụ tiêu biểu trong việc triển khai mô hình PPP. (Ảnh: Quang Hòa)

Ông Alejandro Dorado Cao ủy về Kinh tế tuần hoàn Tây Ban Nha cho biết, Tây Ban Nha hiện đang là một ví dụ tiêu biểu trong việc triển khai mô hình PPP. (Ảnh: Quang Hòa)

Trong khi đó, khu vực tư nhân đóng góp sự linh hoạt, nguồn vốn, công nghệ tiên tiến và năng lực đổi mới sáng tạo. Chỉ khi hợp tác sâu sắc, chúng ta mới có thể hài hòa giữa mục tiêu lợi nhuận và các giới hạn của hành tinh, để cùng thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng sạch, phát triển kinh tế tuần hoàn, bảo tồn và phục hồi thiên nhiên, cũng như chuyển đổi số bao trùm”, ông Alejandro Dorado nhấn mạnh.

Ông Alejandro Dorado cho biết, Tây Ban Nha hiện đang là một ví dụ tiêu biểu trong việc triển khai mô hình PPP, thông qua việc huy động hơn 80 tỷ Euro từ Quỹ Hồi phục châu Âu (Next Generation EU). Trong đó, 30 tỷ Euro được phân bổ cho khu vực tư nhân thông qua các dự án chiến lược PERTE, nhằm đầu tư vào các lĩnh vực xanh và bền vững.

Các lĩnh vực này bao gồm năng lượng tái tạo, lưu trữ năng lượng và hydro xanh (gần 11 tỷ Euro); giảm phát thải trong công nghiệp (3,1 tỷ Euro); số hóa trong quản lý tài nguyên nước (3,5 tỷ Euro); xe điện (hơn 4,2 tỷ Euro); và kinh tế tuần hoàn (gần 500 triệu Euro).

5 chính sách tạo đà cho Đà Nẵng đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh

Đại diện cho Đà Nẵng - một thành phố trẻ, năng động của Việt Nam, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh, Hội nghị thượng đỉnh P4G lần thứ tư là sự kiện mang ý nghĩa toàn cầu, hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Đây là cơ hội để Việt Nam khẳng định những cam kết mạnh mẽ và địa phương đóng góp các hành động thiết thực trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Tại phiên đối thoại, ông Lê Trung Chinh đã chia sẻ 5 giải pháp, chính sách từ góc độ thành phố Đà Nẵng để xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh vận hành hiệu quả, tận dụng được các thế mạnh và phục vụ mục tiêu phát triển chung của địa phương, thu hút đầu tư, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Thứ nhất, đề xuất cơ chế chính sách đặc thù, vượt trội, chưa có tiền lệ nhằm kiến tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo và chuyển đổi xanh và các chính sách đặc thù về khoa học và công nghệ nhằm thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới công nghệ và phát triển sản phẩm xanh.

Đông đảo đại biểu tham dự phiên Đối thoại giữa các nhà lãnh đạo với doanh nghiệp về Hợp tác công tư thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh P4G Việt Nam 2025, ngày 17/4 tại Hà Nội. (Ảnh: Quang Hòa)

Đông đảo đại biểu tham dự phiên Đối thoại giữa các nhà lãnh đạo với doanh nghiệp về Hợp tác công tư thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh P4G Việt Nam 2025, ngày 17/4 tại Hà Nội. (Ảnh: Quang Hòa)

Thứ hai, huy động nguồn lực xã hội để thiết lập các không gian đổi mới sáng tạo cho cộng đồng, thúc đẩy liên kết quốc tế và xã hội hóa nguồn lực phát triển.

Thứ ba, huy động sự tham gia các các sở, ban, ngành và kết nối các nguồn lực trên địa bàn thành phố sức mạnh của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phục vụ khu vực công, đồng hành cùng phát triển thành phố thông minh.

Thứ tư, đẩy mạnh liên kết với mạng lưới đổi mới sáng tạo quốc tế.

Thành phố tích cực khai thác nguồn lực từ cộng đồng chuyên gia người Việt Nam tại nước ngoài, kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu, thu hút chất xám và công nghệ mới, phục vụ chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.

Thứ năm, thúc đẩy kết nối đầu tư và tài chính xanh cho các startup.

“Thành phố Đà Nẵng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời mong muốn mở rộng hợp tác với các đối tác quốc tế, các định chế tài chính và doanh nghiệp toàn cầu trong lĩnh vực chuyển đổi xanh và đổi mới sáng tạo”, ông Lê Trung Chinh khẳng định.

4 nội dung quan trọng

Phát biểu kết luận Phiên Đối thoại, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao các bài phát biểu của lãnh đạo các quốc gia, ý kiến thảo luận và đề xuất chất lượng của đại diện các tổ chức, doanh nghiệp quốc tế.

Thủ tướng chia sẻ mặc dù đất nước bước ra từ chiến tranh, từng phải đối mặt với bao vây, cấm vận, là nước đang phát triển, có nền kinh tế đang chuyển đổi, độ mở lớn, chịu tác động mạnh trước các thách thức bên ngoài nhưng đất nước luôn đoàn kết, chung tay, chung sức, đồng lòng, chưa bao giờ bỏ người dân nào lại phía sau.

Thủ tướng Phạm Minh Chính điểm lại 4 nội dung quan trọng đã được thống nhất tại Đối thoại. (Ảnh: Quang Hòa)

Thủ tướng Phạm Minh Chính điểm lại 4 nội dung quan trọng đã được thống nhất tại Đối thoại. (Ảnh: Quang Hòa)

Nhìn về tương lai, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam luôn lắng nghe, thấu hiểu những ý kiến của doanh nghiệp và tập trung 4 nhóm vấn đề.

Một là thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; xây dựng môi trường số minh bạch, công khai. Hai là thúc đẩy cách mạng về tổ chức bộ máy, giảm trung gian, đầu mối giải quyết công việc. Ba là thúc đẩy hội nhập quốc tế, kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa. Bốn là thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh với tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ; phát huy vai trò các thành phần kinh tế, trong đó, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia.

Thủ tướng Chính phủ điểm lại 4 nội dung quan trọng đã được thống nhất tại Đối thoại. Đó là: Hợp tác công-tư là chìa khóa để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững; Các quốc gia đang phát triển cần xây dựng một hệ sinh thái đầy đủ, toàn diện, hiệu quả để thúc đẩy hợp tác công-tư phát triển kinh tế xanh, kinh tế số; Tăng trưởng xanh, phát triển bền vững phải đi đôi với phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Nhân lực chất lượng cao là yếu tố quyết định thành công của các dự án hợp tác công tư xanh.

Về phía khu vực công, Thủ tướng Chính phủ đề nghị cần tập trung vào hoàn thiện thể chế, thúc đẩy tài chính xanh, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào đổi mới sáng tạo, công nghệ xanh và phát triển bền vững, tăng cường hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ xanh và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đẩy mạnh hợp tác công tư và chuyển đổi xanh hiệu quả, bền vững.

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị cộng đồng doanh nhân, hiệp hội doanh nghiệp, cần phát huy hơn vai trò chủ động, tăng cường đầu tư vào công nghệ xanh, chuyển đổi số, áp dụng tiêu chuẩn toàn cầu, tham gia các dự án hạ tầng xanh theo mô hình công tư, thực hiện ESG, hỗ trợ hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và chủ động đóng góp xây dựng chính sách phát triển bền vững.

"Các doanh nghiệp, nhà đầu tư bắt tay ngay vào các dự án cụ thể, để mỗi doanh nghiệp là một chiến sĩ tinh nhuệ, quả cảm trên mặt trận kinh tế, nỗ lực cùng Đảng, Nhà nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc", Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi.

Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh P4G Việt Nam 2025 đã diễn ra các hoạt động: Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn tiếp song phương các Trưởng đoàn, đại diện các nước thành viên P4G; Lễ đón chính thức và chụp ảnh chung của các Trưởng đoàn; Khai mạc Triển lãm Tăng trưởng xanh, kết nối doanh nghiệp...

Xem thêm các bài viết về Hội nghị thượng đỉnh P4G Việt Nam 2025 trên TG&VN tại đây.

Việt Nam đăng cai Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu (P4G) lần thứ tư năm 2025, diễn ra từ ngày 14-17/4.

Đây là cơ chế hợp tác đa phương do Đan Mạch khởi xướng từ năm 2017 và có sự tham gia của 8 nước thành viên khác là Việt Nam, Hàn Quốc, Ethiopia, Kenya, Colombia, Hà Lan, Indonesia, Nam Phi và 5 tổ chức đối tác là Viện Tài nguyên thế giới (WRI), Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI), mạng lưới C40 (C40 cities), Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) và Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC).

P4G đã trải qua 3 kỳ Hội nghị thượng đỉnh do Đan Mạch, Hàn Quốc và Colombia tổ chức, nhằm thúc đẩy hợp tác đối tác công-tư và tạo ra một liên minh các nhà lãnh đạo chính trị thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và các mục tiêu phát triển bền vững 2030.

Việc đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh năm nay được xem là cơ hội để Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng quảng bá du lịch xanh, tăng cường quan hệ với các đối tác, tranh thủ nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững của đất nước.

Nhóm PV TG&VN

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/doi-thoai-ve-hop-tac-cong-tu-thuc-day-doi-moi-sang-tao-va-phat-trien-ben-vung-311304.html