Đối thoại với doanh nghiệp về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan
Các chính sách và thủ tục hành chính về thuế và hải quan đòi hỏi phải liên tục được hoàn thiện, cập nhật kịp thời cho phù hợp với yêu cầu thực tế của doanh nghiệp.
Sáng nay (24/11), Bộ Tài chính phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan năm 2020 khu vực phía Bắc.
Cải cách mạnh mẽ, đồng hành cùng DN
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, năm 2020 là một năm xảy ra nhiều biến động cho nền kinh tế khi dịch Covid-19 bùng phát khiến hoạt động kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp (DN) gặp nhiều khó khăn. Để nỗ lực vượt qua thách thức này, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Bộ Tài chính, ngành Hải quan đã và đang thực hiện nhiều giải pháp thiết thực tạo thuận lợi thương mại, hỗ trợ DN khắc phục ảnh hưởng của dịch Covid-19 vượt qua khó khăn, tập trung đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Cụ thể, Bộ Tài chính đã gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19; giảm thuế thu nhập DN phải nộp của năm 2020 đối với DN, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác; tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2025; giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết ngày 31/12/2020; thực hiện miễn thuế nhập khẩu (NK) đối với các mặt hàng để phục vụ việc phòng chống dịch bệnh như khẩu trang y tế, nguyên liệu để sản xuất khẩu trang, nước rửa tay sát trùng...; giảm thuế NK đối với một số nhóm mặt hàng nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN và thúc đẩy phát triển các ngành nông nghiệp, cơ khí, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ô tô...
“Tổng số tiền thuế và thu ngân sách đã gia hạn, miễn, giảm theo các chính sách đã ban hành đến nay là khoảng 99.300 tỷ đồng, ước thực hiện cả năm 2020 là khoảng 110.000 tỷ đồng (trong đó, số tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 80.000 tỷ đồng; số được miễn, giảm khoảng 30.000 tỷ đồng)”, Thứ trưởng Vũ Thị Mai thông tin.
Thứ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trong năm 2020 nhưng các kết quả thu ngân sách Nhà nước của cả giai đoạn vẫn cơ bản đạt mục tiêu đề ra. Quy mô thu ngân sách nhà nước bình quân giai đoạn 5 năm 2016-2020 đạt khoảng 24,5% GDP, tỷ lệ thu từ thuế, phí khoảng 20,4% GDP. Nguồn thu từ thuế, phí đã ngày càng bền vững và đảm bảo cho đầu tư phát triển, duy trì bộ máy, đảm bảo an sinh xã hội và an ninh quốc phòng.
Lắng nghe, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, cộng đồng DN luôn ghi nhận sự cải cách mạnh mẽ của Bộ Tài chính mà cụ thể là ngành Thuế và Hải quan trong thời gian qua trong việc đồng hành, cảm thông, chia sẻ và có hướng dẫn về thủ tục để DN thực hiện đúng và kịp thời chỉnh sửa những lỗi mắc phải. Đặc biệt, nhiều vấn đề DN phản ánh đã được lắng nghe, trao đổi và có hướng xử lý giải quyết mang đến sự an tâm lớn cho cộng đồng DN.
Trong tình hình hiện nay, khi nền kinh tế nói chung và hoạt động kinh doanh, sản xuất của DN nói riêng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, hội nghị diễn ra nhằm trao đổi và bàn bạc các vấn đề liên quan đến hoạt động của ngành Thuế và Hải quan trong mối quan hệ với cộng đồng DN, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và hỗ trợ, tạo môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi; đặc biệt, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn, góp phần vực dậy hoạt động kinh doanh sản xuất của DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Trong đó, cơ quan Thuế, Hải quan đã ứng dụng CNTT tiên tiến vào triển khai thủ tục, hỗ trợ rất nhiều cho DN vượt qua khó khăn, “đứng vững” khi dịch bùng phát mạnh.
Theo đánh giá, công tác tổ chức hội nghị đối thoại với người nộp thuế trong thời gian qua của cơ quan Thuế đã tạo thuận lợi cho người nộp thuế trong việc thực hiện nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước, góp phần tạo môi trường thuận lợi để khuyến khích người dân và DN tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, quá trình triển khai các hoạt động cải cách, hiện đại hóa, đổi mới phương thức quản lý theo hướng hiện đại, phù hợp với thông lệ quốc tế, với phương châm lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ, hợp tác, đồng hành của cơ quan Hải quan cũng như việc hoàn thiện hành lang pháp lý về pháp luật hải quan, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ hải quan chính là “đòn bẩy” góp phần tạo thuận lợi cho DN nâng cao sức cạnh tranh, đạt sự tăng trưởng trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Mặc dù hiệu quả từ các kỳ hội nghị cũng như sự hỗ trợ cho DN trong bối cảnh dịch Covid-19 là thấy rõ, nhưng theo đại diện Bộ Tài chính, các chính sách và thủ tục hành chính về thuế và hải quan đòi hỏi phải liên tục được hoàn thiện, cập nhật kịp thời cho phù hợp với yêu cầu thực tế trong khi hoạt động sản xuất kinh doanh của DN luôn rất sôi động và đa dạng. Do đó, trong quá trình áp dụng các quy định của chính sách và thủ tục hành chính vào thực tiễn sẽ không tránh khỏi có các khó khăn, vướng mắc.
“Để các chính sách thực sự phát huy hiệu quả trong thực tế, Bộ Tài chính hy vọng tiếp tục nhận được nhiều sự đóng góp thẳng thắn, xây dựng của cộng đồng DN về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan của Việt Nam, nhằm tiếp tục cải cách, hoàn thiện theo hướng ngày càng minh bạch, cụ thể hơn, giúp người nộp thuế thực hiện chính sách thuế được đầy đủ, nhanh chóng, thuận tiện, góp phần khuyến khích đầu tư, khuyến khích xuất khẩu và phù hợp với thông lệ quốc tế, cam kết quốc tế trong quá trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới của Việt Nam”, Thứ trưởng Vũ Thị Mai chia sẻ./.