Đổi tiền lì xì hưởng chênh lệch có vi phạm pháp luật?

Gần Tết Nguyên đán, nhu cầu đổi tiền mới để lì xì dịp đầu năm của người dân tăng cao. Có cầu ắt có cung, trên mạng xã hội tràn ngập những tài khoản quảng cáo dịch vụ đổi tiền mới với đủ mệnh giá, đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng, thu hút nhiều người tham gia. Thế nhưng, hành vi đổi tiền để hưởng chênh lệch là vi phạm pháp luật.

Gõ từ “đổi tiền lì xì” để tìm kiếm trên mạng xã hội facebook, trước mắt chúng tôi hiện ra hàng chục trang cá nhân hoặc các hội, nhóm với hàng chục nghìn thành viên chuyên “kinh doanh” dịch vụ đổi tiền lì xì.

Theo các nội dung quảng cáo, chỉ cần mất “phí” - thường dao động từ 2 đến 6%, người có nhu cầu sẽ được đổi tiền mới “nguyên thếp, nguyên sê-ri” với mệnh giá, số lượng theo nhu cầu, thời gian “giao hàng” cũng rất nhanh chóng.

 Một tài khoản facebook quảng cáo dịch vụ đổi tiền lì xì thu phí.

Một tài khoản facebook quảng cáo dịch vụ đổi tiền lì xì thu phí.

Với những lời quảng cáo hấp dẫn, các trang facebook này thu hút khá nhiều người.

Chị Vũ Bảo M, ở tổ dân phố Hán Lữ, phường Khai Quang, TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) cho biết: “Những năm trước, tôi thường nhờ người quen làm ở ngân hàng đổi tiền mới, tuy nhiên việc này khá phiền toái và mất nhiều thời gian. Mới đây, nhờ sự giới thiệu của một người bạn, tôi được biết nhóm facebook “Chợ Vina-Khu công nghiệp Khai Quang - Vĩnh Yên”.

Đây là nhóm công khai với hơn 45.900 thành viên, chuyên quảng cáo, mua bán, trao đổi các loại dịch vụ, hàng hóa, trong đó có việc đổi tiền lì xì. Liên hệ với một thành viên trong nhóm, chỉ sau 15 phút, tôi được người này mang tiền mới đến tận nhà. Tôi chỉ mất phí 250.000 đồng cho 10 triệu đồng tiền mới mệnh giá 50.000 đồng và 100.000 đồng”.

“Dịch vụ” đổi tiền mới qua mạng xã hội để lì xì dịp Tết khá đơn giản, nhanh chóng, thu hút khá nhiều người có nhu cầu. Tuy nhiên, bên cạnh những rủi ro như bị lừa đảo mất tiền đặt cọc, thiếu tiền do các cọc tiền bị “rút ruột”, thậm chí nhận phải tiền giả… thì nhiều người không biết rằng, việc đổi tiền mới mất phí như trường hợp của chị Vũ Bảo M là tiếp tay cho vi phạm.

Theo khoản 5, Điều 30 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14-11-2019 của Chính phủ, quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, thì hành vi “Thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật” bị nghiêm cấm, nếu vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với cá nhân, từ 40 triệu đồng đến 80 triệu đồng đối với tập thể.

Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, việc đổi tiền cũ sang tiền mới được thực hiện khi đồng tiền bị rách, nát, không đủ điều kiện lưu thông. Điều 6, Thông tư số 25/2013/TT-NHNN ngày 2-12-2013 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về việc thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông nêu rõ: “Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, đơn vị thu đổi có trách nhiệm thực hiện việc thu, đổi ngay cho khách hàng có nhu cầu, không hạn chế số lượng, không yêu cầu thủ tục giấy tờ”.

Với các trường hợp đổi tiền vẫn đủ điều kiện lưu thông, điển hình như đổi tiền lì xì, pháp luật không cấm nếu được thực hiện đổi ngang giá. Tuy nhiên, khi thực hiện đổi tiền với mục đích ăn chênh lệch, hưởng lời, thì lại bị xếp vào hành vi “Thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật” và bị xử phạt theo quy định tại khoản 5, Điều 30 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP nêu trên.

Không bàn đến những biến tướng, lợi dụng để hối lộ, mua chuộc người khác nhằm mục đích vụ lợi, thì lì xì đầu năm là một mỹ tục, là nét văn hóa của dân tộc ta. Do vậy, nhu cầu đổi tiền mới vào mỗi dịp Tết đến Xuân về là có thực. Vậy, cần làm gì để tránh vi phạm pháp luật, xóa bỏ tình trạng đổi tiền ăn chênh lệch như đang diễn ra?

Nhiều người cho rằng, nên chăng, cần có quy định để các chi nhánh ngân hàng nhà nước, kho bạc nhà nước, các ngân hàng thương mại cổ phần… tạo điều kiện cho người dân được đổi tiền mới trong một phạm vi phù hợp.

Tất nhiên, sẽ rất khó để các ngân hàng đáp ứng được nhu cầu đổi tiền của tất cả người dân. Bởi vậy, một kinh nghiệm đơn giản được nhiều người truyền tai nhau, là khi có nhu cầu tiền lì xì, thì ngay từ trước Tết một vài tháng, thông qua việc mua bán, trao đổi hàng hóa hằng ngày, mỗi người có thể chủ động lựa chọn, cất giữ những tờ tiền còn mới, phù hợp với mục đích lì xì ngày Tết.

Bên cạnh đó, để giảm áp lực đổi tiền mới, người dân cũng có thể chọn cách lì xì khác, như lì xì sách hoặc những món quà nhỏ ý nghĩa, thiết thực.

Bài và ảnh: TRUNG HIẾU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/doi-tien-li-xi-huong-chenh-lech-co-vi-pham-phap-luat-810976