Dối trá trong đào tạo cao đẳng y - dược (5): Đề nghị đình chỉ hoạt động các trường để xem xét trách nhiệm

Tiếp nhận thông tin từ loạt bài 'Dối trá trong đào tạo cao đẳng y - dược', PGS.TS.Trần Xuân Nhĩ - Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, hiện là Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam bức xúc: 'Không hiểu sao những chuyện tày đình như vậy vẫn tồn tại?'.

>>> Bắt đầu đọc loạt bài điều tra này TẠI ĐÂY

PV: Thưa PGS.TS.Trần Xuân Nhĩ, qua phản ánh về tình trạng học giả nhưng vẫn lấy bằng thật tại nhiều trường đào tạo cao đẳng ngành y - dược, quan điểm của ông về vấn này như thế nào?

PGS.TS.Trần Xuân Nhĩ: Trước hết, tôi rất khâm phục nhóm phóng viên của Báo Sức khỏe & Đời sống đã vất vả, kiên trì, chịu đựng theo học suốt 3 năm để điều tra về quá trình đào tạo sai trái của các trường này với đầy đủ tư liệu, bằng chứng thuyết phục.

Việc Trường Cao đẳng Dược Hà Nội tiếp nhận hồ sơ, thu học phí không qua đào tạo sau đó Trường Cao đẳng Lê Quý Đôn cấp bằng tốt nghiệp như bài viết đã nêu, tôi khẳng định họ đã làm sai hoàn toàn. Ngành y - dược liên quan đến sức khỏe con người mà bát nháo như vậy thì không thể chấp nhận được.

PGS.TS.Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT.

PV: Theo ông, việc cấp bằng không qua đào tạo sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến mức nào?

PGS.TS.Trần Xuân Nhĩ: Cấp bằng y - dược không qua đào tạo sẽ để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng, đó là ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và tính mạng của người dân.

Với những người bán thuốc mà không có trình độ thì làm sao tư vấn cho khách hàng bị ốm đau mua thuốc đúng để chữa bệnh? Phải học thật, nắm chắc lý thuyết, thông qua thực hành mới có chuyên môn để tư vấn cho người bệnh chuẩn xác. Chưa kể nếu tư vấn sai lệch, không đúng bệnh tật, bán thuốc sai thì hệ lụy lại còn nguy hiểm hơn rất nhiều.

Trường hợp dùng bằng qua đào tạo giả đó để thăng quan tiến chức, nhanh chóng có địa vị, rồi tham gia vào guồng máy quản lý các hoạt động kinh tế - xã hội thì tôi không biết hệ lụy sẽ khủng khiếp ra sao.

Hơn nữa, việc không học vẫn có điểm, vẫn đỗ tốt nghiệp vì chạy theo tiền, lợi nhuận còn làm giảm chất lượng đào tạo, giảm chất lượng nguồn nhân lực cho đất nước.

Thí sinh thi tốt nghiệp theo kiểu “cuốn chiếu”, chép xong môn này thì lấy đề thi và đáp án môn khác chép tiếp.

Thí sinh thi tốt nghiệp theo kiểu “cuốn chiếu”, chép xong môn này thì lấy đề thi và đáp án môn khác chép tiếp.

PV: Vậy việc không qua đào tạo mà vẫn cấp bằng thì hướng xử lý sẽ ra sao, thưa ông?

PGS.TS.Trần Xuân Nhĩ: Như tôi đã nói, việc làm này là hoàn toàn sai trái. Vì vậy, theo tôi, những người chịu trách nhiệm đứng ra đào tạo thì phải chịu trách nhiệm trước xã hội, thậm chí kỷ luật nghiêm khắc. Ngoài ra, bộ chủ quản trực tiếp quản lý các trường này phải nhanh chóng vào cuộc điều tra, dừng hoạt động của các trường này cũng như xem xét trách nhiệm của từng người trong vụ việc này.

Dối trá trong việc đào tạo y - dược sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng con người, theo tôi đó là một tội ác.

PV: Năm nay, theo thống kê của Bộ GD&ĐT, có hơn 300.000 thí sinh không đăng ký xét tuyển đại học. Trường hợp nhiều em trong số thí sinh này lựa chọn chuyển hướng sang học nghề thì ông có lời khuyên gì cho cha mẹ và các em học sinh, thưa ông?

PGS.TS.Trần Xuân Nhĩ: Tôi khuyên tất cả phụ huynh và học sinh dù vào đại học hay đi học nghề thì trước hết phải hiểu học là để có kiến thức cho bản thân mình để ra làm việc đem lại lợi ích cho xã hội. Còn học chỉ để cốt lấy cái bằng và ra trường làm hại cho xã hội thì đó là không có đạo đức.

Đối với các cơ sở đào tạo mà Báo Sức khỏe & Đời sống đã phanh phui những điều sai trái thì phụ huynh và học sinh dứt khoát không nên vào học. Các cơ quan chức năng cũng cần có cảnh báo đối với những ngôi trường đào tạo, cấp bằng gian dối như nêu trên.

PV: Xin trân trọng cảm ơn PGS.TS.Trần Xuân Nhĩ!

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//doi-tra-trong-dao-tao-cao-dang-y-duoc-5-de-nghi-dinh-chi-hoat-dong-cac-truong-de-xem-xet-trach-nhiem-169220826151231735.htm