Đội tự quản trong trường học: Học sinh có mặn mà?
Nhiều học sinh thích được làm thành viên đội cờ đỏ, nhưng không ít em 'e ngại' vị trí này vì bị chi phối thời gian học tập, áp lực tâm lý từ các bạn...
Trưởng thành từ đội cờ đỏ
Em Trần Nguyễn Huyền Thương - lớp 5B, Trường Tiểu học Làng Sen (Nam Đàn, Nghệ An) vừa xuất sắc giành giải Nhất hội thi “Phụ trách sao giỏi” cấp tỉnh Nghệ An.
Nói về học sinh của mình, cô Đinh Thị Nhung – Tổng phụ trách Đội, Trường Tiểu học Làng Sen cho biết, Huyền Thương đã trưởng thành qua từng năm học. Em là sao nhi đồng từ lớp 1, 2 và đến giữa lớp 3 được kết nạp Đội, vừa là thành viên đội cờ đỏ và hiện làm liên đội trưởng. Ngoài hoạt động Đội, thành tích học tập của em luôn giữ vững ở tốp đầu của trường, được bạn bè tín nhiệm.
Cô Nhung nói thêm, hoạt động của đội thiếu niên, nhi đồng ở trường tiểu học mang tính đặc thù. Lứa tuổi lớp 1, 2, 3 có sao tự quản, lớp 4 và 5 có phụ trách sao để hướng dẫn, tổ chức sinh hoạt theo chủ đề cho các em lớp dưới.
Bên cạnh đó, đội cờ đỏ cũng được lấy từ khối 4, 5 để giúp giáo viên theo dõi nền nếp, hoạt động tự quản của các lớp. Những em trong đội cờ đỏ, hoặc phụ trách sao thường có thành tích học tập tốt, gương mẫu, được bạn bè quý mến. Nhiệm vụ cũng nhẹ nhàng và có sự hướng dẫn thường xuyên của giáo viên nên các em rất hào hứng, mong muốn và phấn đấu để được tham gia.
Là học sinh lớp 8, Nguyễn Quỳnh Anh đã có nhiều năm gắn bó với vai trò thành viên đội cờ đỏ của Trường THCS Tân Dân (Nam Đàn, Nghệ An). Ngoài công việc như những bạn khác trong đội sao đỏ, Quỳnh Anh còn được thầy Tổng phụ trách Đội tin tưởng giao nhiệm vụ tổng hợp sổ trực tuần.
Trong phần tổng hợp, nội dung các thông tin, phản ánh tình hình nền nếp, trật sự, sinh hoạt Đội của các lớp được em trình bày rõ ràng, đầy đủ, chi tiết. Cùng đó, em ghi chú những điểm cần lưu ý như lỗi lặp lại nhiều lần, hoàn cảnh mắc lỗi…
Qua sổ ghi chép tổng hợp, giáo viên có thể nắm được đầy đủ thông tin hoạt động phong trào của học sinh, đội viên các lớp. Nữ sinh chia sẻ: “Việc ghi chép, tổng hợp thông tin nền nếp, tự quản được em hoàn thành ngay sau mỗi buổi học. Em thấy việc làm cờ đỏ không chiếm quá nhiều thời gian hoặc ảnh hưởng đến việc học nếu mình biết sắp xếp, làm việc hiệu quả”.
Thầy Nguyễn Sỹ Bằng - giáo viên Tổng phụ trách Đội Trường THCS Tân Dân cho biết, việc thành lập đội cờ đỏ được thực hiện theo nguyên tắc Điều lệ Đội Thiếu niên Tiền phong, nhưng mỗi trường có sự linh hoạt để đạt hiệu quả thực tế.
Đối với Trường THCS Tân Dân, đội viên mỗi lớp bình bầu 3 bạn vào đội cờ đỏ, chứ không do giáo viên chỉ định. Các em luân phiên nhau thực hiện nhiệm vụ/tuần, phòng trừ trường hợp có thành viên ốm đau nghỉ, hoặc việc đột xuất không tới trường sớm.
Nhiệm vụ của đội sao đỏ là giúp Tổng phụ trách Đội ghi chép, phản ánh thông tin thực hiện nền nếp, nội quy trường lớp đội viên với từng tiêu chí cụ thể trong sổ sao đỏ. Ví dụ giám sát các hoạt động 15 phút đầu giờ, giữ gìn vệ sinh, hoạt động trải nghiệm… Bên cạnh đó, để tạo công bằng, bình đẳng thì việc theo dõi, quản lý nền nếp của đội cờ đỏ cũng được thực hiện chéo giữa các khối lớp.
Đồng hành và hỗ trợ
Là Tổng phụ trách Đội Trường THCS Lê Lợi, TP Vinh (Nghệ An), cô Ngô Thị Thu Hà chia sẻ, số lượng học sinh tham gia đội cờ đỏ rất nhiều chứ không cố định 2 - 3 bạn/lớp từ đầu đến cuối năm học.
Theo đó, việc chấm nền nếp sẽ giao theo lớp trực tuần do các em cờ đỏ của lớp này thực hiện. Mỗi lớp tự bầu ra đội cờ đỏ với số lượng khoảng 20 thành viên, chia thành 3 tốp để thực hiện nhiệm vụ theo dõi, kiểm tra các hoạt động như trang phục, đi học đúng giờ, sinh hoạt 15 phút đầu giờ, vệ sinh…
“Trường THCS Lê Lợi có 36 lớp, luân phiên nhau làm nhiệm vụ theo tuần, thì trong 1 năm học, số lần đội cờ đỏ lặp lại lại vòng “trực nền nếp” như vậy tối đa 2 - 3 lần. Điều này tạo công bằng, khách quan trong học sinh, mặt khác tạo điều kiện để nhiều em có thể tham gia nhiệm vụ cờ đỏ.
Giảm áp lực, tránh tình trạng làm mất thời gian của học sinh phải “đi sớm, về muộn” nếu giữ vai trò cờ đỏ cố định cả năm học. Nhất là ở cấp THCS có nhiều hoạt động giáo dục và khối lượng kiến thức yêu cầu cao hơn so với cấp tiểu học”, Tổng phụ trách Đội Trường THCS Lê Lợi thông tin.
Tại Trường THCS Ngọc Lâm (quận Long Biên, Hà Nội), thành viên trong đội sao đỏ luôn được lựa chọn kỹ càng, là những đội viên có đủ phẩm chất năng lực (hạnh kiểm tốt, gương mẫu, siêng năng…). Quá trình tuyển chọn, nhà trường cũng như giáo viên Tổng phụ trách Đội sẽ trao đổi với phụ huynh để nhận được sự ủng hộ.
“Tham gia hoạt động đội sao đỏ, học sinh phát triển tốt kỹ năng, tự tin, tự lực, trưởng thành và có cơ hội thể hiện năng lực, bản lĩnh”, cô Lưu Thị Hồng Vân - Tổng phụ trách Đội trao đổi đồng thời nhấn mạnh:
Để đội cờ đỏ hoạt động hiệu quả, giáo viên tổng phụ trách luôn là người bạn đồng hành, biết lắng nghe, ghi nhận việc làm của các em, lên kế hoạch hoạt động nhưng không áp đặt máy móc, phó mặc cho học sinh; nắm bắt thông tin và hỗ trợ các em giải quyết các tình huống phát sinh trong ngày; kịp thời nhắc nhở và uốn nắn các em khi chưa nghiêm túc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
“Bên cạnh đó, chúng tôi tham mưu với ban giám hiệu mở lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng công tác Đội. Trong mỗi buổi tập huấn, giáo viên tổng phụ trách sẽ nhắc lại nhiệm vụ, trách nhiệm, quy định quyền hạn và cách thức làm việc của đội cờ đỏ”, cô Hồng Vân thông tin thêm.
Tình trạng thành viên đội cờ đỏ chịu áp lực từ bạn bè khi chấm nền nếp, phụ huynh không muốn cho con tham gia đội cờ đỏ do sợ mất thời gian, ảnh hưởng việc học từng diễn ra, nhưng đã từ lâu. Với cách thức hoạt động linh hoạt hiện nay, học sinh đều không ngại nhiệm vụ cờ đỏ.
Bên cạnh đó, phụ huynh cũng ủng hộ con em tham gia hoạt động Đội nói chung để tăng cường kỹ năng, chứ không chỉ tập trung vào học kiến thức. - Cô Ngô Thị Thu Hà (Tổng phụ trách Đội Trường THCS Lê Lợi)