Đối tượng cần sinh thiết đường mật để chẩn đoán ung thư

2 trường hợp bị tắc mật do khối u đường mật vùng rốn gan, các phương pháp khác chưa thể chẩn đoán ra bản chất của khối u đã được sinh thiết thành công.

Chẩn đoán xác định ung thư đường mật khó

Tắc mật là tình trạng bệnh lý do nhiều nguyên nhân gây ra, bao gồm các bệnh lý lành tính và ác tính. Trong đó, ung thư đường mật là nguyên nhân bệnh lý ác tính gây tắc mật khá thường gặp.

Việc chẩn đoán xác định ung thư đường mật thường khó khăn do nhiều trường hợp không thể lấy được bệnh phẩm xét nghiệm mô bệnh học theo cách thông thường. Điều này có thể ảnh hưởng đến việc lựa chọn phương pháp điều trị và chất lượng điều trị cho người bệnh.

 Bác sĩ của Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh và Điện quang can thiệp đang thực hiện sinh thiết trong lòng đường mật - Ảnh BVCC

Bác sĩ của Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh và Điện quang can thiệp đang thực hiện sinh thiết trong lòng đường mật - Ảnh BVCC

Sinh thiết trong lòng đường mật là kỹ thuật sử dụng một dụng cụ sinh thiết (còn gọi là kìm sinh thiết) đưa vào trong lòng đường mật trong gan để tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm bản chất khối u gây tắc mật. Đây là một kỹ thuật chuyên sâu, cần phải thực hiện trên hệ thống máy chụp số hóa xóa nền bởi đội ngũ bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm.

 Mẫu bệnh phẩm được lấy ra bằng kìm sinh thiết từ khối u đường mật của người bệnh - Ảnh BVCC

Mẫu bệnh phẩm được lấy ra bằng kìm sinh thiết từ khối u đường mật của người bệnh - Ảnh BVCC

Các trường hợp được chỉ định sinh thiết trong lòng đường mật

Khối u phát triển từ thành đường mật vào trong lòng đường mật gây nên tình trạng tắc mật mà không thể áp dụng các biện pháp sinh thiết nào khác.

Khối u xâm lấn từ ngoài vào trong lòng đường mật.

Ưu điểm của sinh thiết trong lòng đường mật là: Thủ thuật can thiệp xâm lấn tối thiểu; Không phải mổ; Không phải gây mê; Chỉ gây tê tại chỗ; Không đau; Không gây chảy máu; Thời gian thực hiện thủ thuật nhanh; Rất ít tai biến và biến chứng; Khả năng chẩn đoán chính xác rất cao.

Để thực hiện thủ thuật sinh thiết trong lòng đường mật, người bệnh sẽ được làm các xét nghiệm cơ bản và chuyên sâu về bệnh lý gan mật, siêu âm và chụp chiếu để xác định vị trí khối u gây tắc mật.

Sau khi có kết quả, người bệnh được hội chẩn đa chuyên khoa gồm các bác sĩ chuyên khoa Chẩn đoán hình ảnh và Điện quang can thiệp, ung bướu và ngoại khoa.

Sau hội chẩn, nếu người bệnh có chỉ định thực hiện sinh thiết trong lòng đường mật, bác sĩ sẽ tư vấn, giải thích với người bệnh và người nhà người bệnh để quyết định thực hiện.

Khi được sự thống nhất, người bệnh sẽ được thực hiện kỹ thuật tại phòng can thiệp và mẫu bệnh phẩm lấy ra sẽ được làm xét nghiệm chẩn đoán.

 TS.BS. Trần Quang Lục và ê-kíp thực hiện lấy mẫu sinh thiết trong lòng đường mật để thực hiện xét nghiệm bản chất khối u gây tắc mật - Ảnh BVCC

TS.BS. Trần Quang Lục và ê-kíp thực hiện lấy mẫu sinh thiết trong lòng đường mật để thực hiện xét nghiệm bản chất khối u gây tắc mật - Ảnh BVCC

Kỹ thuật khó giúp chẩn đoán chính xác

Kỹ thuật sinh thiết trong lòng đường mật là kỹ thuật khó và chuyên sâu, rất ít bệnh viện có thể thực hiện được. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ là bệnh viện tuyến tỉnh có đầy đủ các trang thiết bị và nhân lực y tế trình độ cao, đã thực hiện thường quy kỹ thuật này cho rất nhiều người bệnh trong và ngoài tỉnh, với tỷ lệ chính xác cao, giúp người bệnh được chẩn đoán và điều trị theo phác đồ phù hợp với bệnh lý của mình.

 Hình ảnh đường mật của người bệnh bị tắc do khối u đường mật (trên phim chụp cắt lớp vi tính và chụp số hóa xóa nền) - Ảnh BVCC

Hình ảnh đường mật của người bệnh bị tắc do khối u đường mật (trên phim chụp cắt lớp vi tính và chụp số hóa xóa nền) - Ảnh BVCC

Điển hình trong tuần vừa qua, Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh và Điện quang can thiệp đã thực hiện sinh thiết trong lòng đường mật cho 2 trường hợp bị tắc mật do khối u đường mật vùng rốn gan mà các phương pháp hình ảnh và xét nghiệm chưa thể chẩn đoán ra bản chất của khối u. Sau khi được sinh thiết trong lòng đường mật, kết quả chẩn đoán giải phẫu bệnh là ung thư đường mật gây tắc mật.

Từ kết quả đó, các bác sĩ chuyên khoa đã có phác đồ và hướng điều trị phù hợp như can thiệp tái lưu thông đường mật và thuốc để giảm triệu chứng, cải thiện nâng cao sức khỏe cho người bệnh…

TS.BS Trần Quang Lục (Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh và Điện quang can thiệp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ)

Thúy Nga

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/doi-tuong-can-sinh-thiet-duong-mat-de-chan-doan-ung-thu-post1554102.html