Người phụ nữ nhập viện vì sỏi lớn gây tắc mật và thoát vị thành bụng từ dấu hiệu nhiều người Việt bỏ qua

Người bệnh nhiều lần đau âm ỉ vùng mạn sườn phải kèm đau ngực. Cơn đau tăng dần, kèm sốt nhẹ 38 độ C, buồn nôn nên được gia đình đưa đến viện khám.

Vượt hàng trăm cây số từ Campuchia đến TP.HCM, bà M.C (sinh năm 1960) nhập cấp cứu Bệnh viện Gia An 115 trong tình trạng đau vùng ngực – hạ sườn phải.

Gia đình cho biết, suốt 2 tháng trước đó, bà nhiều lần đau âm ỉ vùng mạn sườn phải kèm đau ngực. Ba ngày gần nhập viện, cơn đau tăng dần, kèm sốt nhẹ 38 độ C, buồn nôn khiến gia đình quyết định đưa bà sang Việt Nam điều trị.

Kết quả thăm khám và chẩn đoán hình ảnh cho thấy, bệnh nhân mắc đồng thời hai bệnh lý nghiêm trọng trong ổ bụng.

Ảnh: BVCC

Ảnh: BVCC

Thứ nhất là một khối thoát vị thành bụng khổng lồ ở vùng chậu hông trái với kích thước 29x18cm (cao x ngang), cổ túi kích thước 19cm (cao). Túi thoát vị chứa gần như toàn bộ các quai ruột non, đại tràng trái, mạc treo và mạc nối – tiềm ẩn nguy cơ xoắn ruột dẫn đến tắc ruột - hoại tử ruột, và nhiễm trùng ổ bụng, viêm phúc mạc nếu không được xử trí sớm.

Thứ hai là viên sỏi kích thước 12x15mm (ngang x dài) ở đoạn cuối ống mật chủ, ống mật chủ giãn 12mm (ngang). Viên sỏi lớn gây tắc mật và nhiễm trùng đường mật.

Các bác sĩ phải cân nhắc kỹ lưỡng về mặt chuyên môn để lựa chọn phương án can thiệp tối ưu, giảm thiểu số lần xâm lấn mà đảm bảo hiệu quả điều trị cao nhất. Nhất là khi người bệnh mang nhiều bệnh lý nền nguy cơ cao như tăng huyết áp, đái tháo đường type 2, bệnh thận mạn và béo phì.

Ca phẫu thuật đặc biệt được triển khai với sự phối hợp chặt chẽ giữa hai ê-kíp phẫu thuật Ngoại khoa cùng ê-kíp Gây mê hồi sức, trong một lần gây mê duy nhất.

Ê-kíp đầu tiên thực hiện phẫu thuật điều trị thoát vị thành bụng. Bệnh nhân được đặt nghiêng phải 60 độ để tiếp cận tối ưu vùng thoát vị bên trái. Cân cơ thành bụng được ghi nhận mỏng, yếu và hở rộng tới 20x25cm. Các phẫu thuật viên bóc tách từng lớp, giải phóng túi thoát vị, đưa toàn bộ tạng thoát vị trở về ổ bụng và phục hồi thành bụng bằng tấm lưới nhân tạo chống dính, giúp gia cố vững chắc, đồng thời hạn chế nguy cơ dính ruột sau mổ.

Ngay sau đó, ê-kíp thứ hai thực hiện nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP), tiến hành cắt cơ vòng Oddi và lấy thành công viên sỏi lớn khỏi đoạn cuối ống mật chủ – hoàn tất cuộc can thiệp kép trong cùng một lần gây mê.

Thoát vị thành bụng khổng lồ và sỏi lớn gây tắc mật. Ảnh: BVCC

Thoát vị thành bụng khổng lồ và sỏi lớn gây tắc mật. Ảnh: BVCC

Ai có nguy cơ bị thoát vị thành bụng?

Theo ThS.BS. Nguyễn Thế Toàn, thoát vị thành bụng là bệnh lý xảy ra do sự dịch chuyển của các tạng từ trong xoang bụng ra ngoài thành bụng thông qua một vị trí bị yếu nào đó trên thành bụng. Bệnh có thể do bẩm sinh hoặc mắc phải. Thoát vị thành bụng mắc phải thường gặp ở những người có tiền sử phẫu thuật vùng bụng, hoặc sau chấn thương vùng bụng, ngoài ra có thể do tăng áp lực ổ bụng kéo dài (béo phì, ho mạn tính, táo bón). Thành bụng yếu, nhiễm trùng vết mổ, hoặc suy dinh dưỡng làm tăng nguy cơ.

Triệu chứng là khối phồng bất thường ở thành bụng, to lên khi ho, rặn, đứng lâu và xẹp lại khi nằm nghỉ. Bệnh được điều trị bằng phẫu thuật nội soi (cho thoát vị nhỏ) hoặc mổ mở (cho thoát vị lớn). Nếu không xử trí kịp thời, có thể gây tắc ruột, hoại tử ruột, viêm phúc mạc, đe dọa tính mạng. Những người từng phẫu thuật, chấn thương vùng bụng, hoặc có yếu tố nguy cơ như béo phì, ho mạn tính nên đi khám ngay khi thấy xuất hiện khối phồng bất thường ở bụng.

Về sỏi ống mật chủ, BS Toàn cảnh báo, nếu không xử lý kịp, sỏi có thể gây tắc mật – suy gan, nhiễm trùng huyết hoặc viêm tụy cấp. Các dấu hiệu cảnh báo cần đi khám ngay gồm: đau vùng hạ sườn phải (đặc biệt sau bữa ăn nhiều dầu mỡ), sốt, buồn nôn, có thể kèm vàng da, nước tiểu sậm màu do tắc mật. Nếu cơn đau kéo dài kèm sốt, người bệnh cần đến cơ sở y tế ngay để được xử trí kịp thời.

M.H (th)

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/nguoi-phu-nu-nhap-vien-vi-soi-lon-gay-tac-mat-va-thoat-vi-thanh-bung-tu-dau-hieu-nhieu-nguoi-viet-bo-qua-172250711112906741.htm